Một số đồng minh của Mỹ như Ecuador, Brazil quay lưng với các y bác sĩ Cuba để ủng hộ Washington. Giờ đây, họ thiếu trầm trọng nhân viên y tế khi Covid-19 bùng phát.
Đoàn chuyên gia y tế Cuba phải lên máy bay về nước năm ngoái, khi những quốc gia mà họ hỗ trợ không còn cần họ nữa.
Để thể hiện sự ủng hộ với với chính sách gây áp lực tối đa của đồng minh Mỹ, chính phủ nhiều nước Nam Mỹ quyết định chấm dứt những thỏa thuận từng đưa hàng nghìn y bác sĩ Cuba tới công tác ở các bệnh viện từ dãy Andes phủ tuyết trắng xóa tới rừng mưa Amazon ẩm ướt.
Chuyên gia y tế Cuba chụp ảnh cùng chân dung Fidel Castro trước khi rời Havana sang Italy. Ảnh: AP.
Bây giờ, Ecuador và những quốc gia láng giềng ở Nam Mỹ như Brazil và Bolivia đang vật lộn để đối phó nCoV, loại virus khiến các bệnh viện nhanh chóng rơi vào tình trạng quá tải. Số ca nhiễm và tử vong dự kiến tiếp tục tăng nhanh trong thời gian tới, khiến người ta đặt câu hỏi: Nếu đoàn y bác sĩ Cuba ở lại, liệu họ có thể cứu chữa những mạng sống đó không?
"Khi họ rời đi, không chuyên gia nào có thể thay thế", Ricardo Ramírez, một bác sĩ nghỉ hưu và hiện là người đứng đầu Ủy ban Chống Tham nhũng ở Guayaquil, thành phố bị ảnh hưởng nặng nề bởi Covid-19 tại Ecuador, nói. "Đó là lý do quan trọng chúng ta không thể ứng phó kịp thời với nCoV".
Khi Covid-19 bùng phát khắp toàn cầu, các lữ đoàn y tế, lực lượng được Cuba thành lập từ thời Chiến tranh Lạnh, đang khiến cả thế giới chú ý. Havana đã đạt thỏa thuận triển khai các lữ đoàn này tới 17 quốc gia, từ Italy tới Andorra, từ Mexico tới Haiti, để hỗ trợ ứng phó khẩn cấp với đại dịch.
Sự phục hưng của "chính sách ngoại giao bác sĩ" của Cuba khiến chính quyền Trump liên tục lên tiếng cảnh báo. "Việc Cuba triển khai nhân viên y tế ra nước ngoài, dù mang danh là mục đích nhân đạo, nhưng thực chất là kế hoạch kiếm tiền dựa trên bóc lột nhân viên y tế", trích tuyên bố của Bộ Ngoại giao Mỹ. "Chương trình sứ mệnh y tế của Cuba không phải chương trình nhân đạo, Havana kiếm tiền bằng cách giữ lại 90% thu nhập của bác sĩ".
Nhưng khi nCoV lây lan, nhiều nước đang coi y bác sĩ Cuba là giải pháp khẩn cấp. Một số nhà phê bình cho rằng khi các bác sĩ Cuba rời khỏi một số quốc gia Nam Mỹ, họ đã để lại lỗ hổng lớn trong hệ thống y tế công đang quá tải vì đại dịch.
Ở Bolivia, hàng trăm bác sĩ Cuba rời đi từ tháng 11 năm ngoái, sau khi Phó Tổng thống cánh hữu Jeanine Anez lên nắm quyền thay Tổng thống Evo Morales, khiến quan hệ giữa La Paz và Havana nhanh chóng nguội lạnh.
"Nếu y bác sĩ Cuba vẫn ở lại Bolivia, chúng tôi sẽ đối phó nCoV tốt hơn", María Bolivia Rothe, một quan chức y tế dưới thời Morales nói. "Tại sao ư? Vì bác sĩ Cuba luôn có mặt ở nơi không ai dám đến".
Chương trình "lữ đoàn y tế" đã triển khai hơn 28.000 y bác sĩ Cuba tới 60 quốc gia, mang lại nguồn thu ngoại tệ lớn cho đất nước bị kìm hãm mọi bề bởi lệnh cấm vận kéo dài hàng thập kỷ của Mỹ. Lữ đoàn đã hỗ trợ Indonesia sau thảm họa sóng thần 2014 và Haiti sau trận động đất kinh hoàng năm 2010, cũng như dịch tả bùng phát sau đó. Lữ đoàn cũng được phái đến Liberia, Guinea và Sierra Leona chiến đấu chống dịch Ebola năm 2014.
Bác sĩ Cuba lên xe buýt ở sân bay Adolfo Suarez Barajas tại Madrid ở Tây Ban Nha. Ảnh: Reuters
Ecuador kêu gọi Cuba hỗ trợ y tế trong dịch sốt xuất huyết năm 2001 và sau trận động đất năm 2016. Các thỏa thuận giữa hai nước được thực hiện từ năm 2013 đến 2015, dưới thời cựu tổng thống Rafael Correa, người xây dựng mối quan hệ gần gũi hơn với Havana.
Năm 2015, có tới 800-1.000 chuyên gia Cuba ở Ecuador, theo cựu bộ trưởng y tế Carina Vance Mafla dưới thời Correa. Một số làm việc tại các thành phố lớn như thủ đô Quito và Guayaquil, nhưng đa số đến các vùng nông thôn xa xôi, nơi "gần như không có y bác sĩ", Mafla nói.
Lenín Moreno, người thay thế Correa năm 2017, nhanh chóng thân thiết với chính quyền Trump. Tháng 11/2019, khi Ecuador tìm kiếm sự ủng hộ của Mỹ để xin gói cứu trợ từ Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), họ đã hủy hợp đồng thuê bác sĩ Cuba.
Chính phủ Moreno tuyên bố động thái này mang lại nhiều cơ hội việc làm hơn cho người dân Ecuador. Tuy nhiên, 8 bác sĩ ở những khu vực khác nhau tại Ecuador cho biết chính quyền không thể lấp chỗ trống mà các y bác sĩ Cuba để lại.
Ở Guayaquil, thành phố lớn nhất Ecuador và cũng là tâm dịch Covid-19, nCoV gây quá tải cho hệ thống bệnh viện, khiến thi thể người chết bị bỏ lại trên phố suốt nhiều ngày. Ecuador tuyên bố sẽ tuyển dụng 700 nhân viên y tế mới, tương ứng với số y bác sĩ Cuba đã phải rời nước này.
"Việc họ chấm dứt hợp tác y tế với Cuba không chỉ gây trở ngại cho nỗ lực ứng phó với tình hình khủng khiếp hiện nay, mà còn là một sai lầm đáng sợ", Mafla nói.
Những số người ở Ecuador cho rằng những y bác sĩ Cuba không được đào tạo theo tiêu chuẩn quốc tế và sẽ không giúp ích nhiều cho tình trạng hiện nay, khi vấn đề lớn nhất trong ứng phó Covid-19 là thiếu vật tư, không phải nhân viên y tế. "Y bác sĩ Cuba chưa bao giờ là cần thiết", Santiago Carrasco, chủ tịch Liên đoàn Y tế Ecuador nói. "Họ thậm chí không phải chuyên gia".
Tuy nhiên, những quốc gia đang sử dụng lữ đoàn y tế Cuba để đối phó với nCoV lại cho rằng họ là lực lượng không thể thiếu. Một nhóm gồm 31 bác sĩ và y tá Cuba gần đây đã tới Antigua và Barbuda, quốc đảo phía đông Caribbean, để thiết lập đội "nòng cốt" trong lực lượng ứng phó khẩn cấp, theo Thủ tướng Gaston Browne.
"Nhiều y tá của chúng tôi rất sợ khi điều trị bệnh nhân Covid-19 bởi nó rất dễ lây. Họ không có kinh nghiệm tương tự", Browne nói. "Vì từng ở tiền tuyến Tây Phi chống Ebola, y bác sĩ Cuba có năng lực ứng phó mạnh hơn, chắc chắn là thế".
Antigua và Barbuda đã chào đón các lữ đoàn y tế Cuba trong nhiều năm. Cuba cũng giúp nước này đào tạo đội ngũ y tế.
"Chúng tôi cần được hỗ trợ để đối phó với loại virus đe dọa tính mạng này, mà Cuba sẵn lòng giúp đỡ chúng tôi", Browne tuyên bố. "Nếu Mỹ đề nghị giúp đỡ, chúng tôi sẵn sàng chấp nhận. Chúng tôi là một quốc gia nhỏ đang phát triển. Chúng tôi không có nhiều lựa chọn".
Brazil, quốc gia lớn nhất Mỹ Latin, đã tiếp đón 8.500 y bác sĩ Cuba dưới thời tổng thống cánh tả Dilma Roussef. Sau khi chính trị gia cánh hữu Jair Bolsonaro nhậm chức tổng thống năm 2018, Cuba đã rút các y bác sĩ về nước.
Lữ đoàn y tế Cuba rời đi khiến một số cộng đồng dễ bị tổn thương nhất ở Brazil bị bỏ rơi. Bộ Y tế ước tính 90% các ca bệnh sẽ được điều trị ở những bệnh viện công nhỏ mà y bác sĩ Cuba từng làm việc.
Khi Brazil cố gắng tăng cường tuyển dụng nhân sự cho các bệnh viện và phòng khám công, quan chức y tế tuyên bố sẽ ưu tiên công dân Brazil. Nhưng sau đó, họ lại nói sẽ tìm đến nhóm 2.000 bác sĩ Cuba ở tại Brazil dưới tư cách là người tị nạn hoặc vợ/chồng của công dân Brazil, sau khi cắt hợp đồng với Cuba.
Alexandre Padilha, cựu bộ trưởng y tế dưới thời Rousseff, đánh giá việc thiếu nhân viên y tế Cuba nghĩa là Brazil "càng thêm gay go vào thời điểm Covid-19 căng thẳng nhất".
Theo VNE