Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng hội đàm với Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama trong chuyến thăm chính thức Hợp chúng quốc Hoa Kỳ từ ngày 6.10-7.
Ảnh: Trí Dũng/TTXVN
Sau 20 năm bình thường hóa quan hệ, Việt Nam và Hoa Kỳ từ chỗ có nhiều khác biệt đã trở thành đối tác toàn diện với sự "bùng nổ" trong thương mại và đầu tư.
Trong 10 nước ASEAN, Việt Nam đã vươn lên trở thành nước xuất khẩu số 1 vào thị trường Hoa Kỳ với kim ngạch xuất khẩu tăng 13 lần so với trước, trong khi Hoa Kỳ trở thành nhà đầu tư đứng thứ 7 tại Việt Nam.
Ông Nguyễn Đình Lương, nguyên Trưởng đoàn đàm phán BTA của Việt Nam cho biết: “Trong 20 năm qua, có những điều mà tôi là người trong cuộc mà cũng không ngờ tới, ví dụ như kim ngạch thương mại hai nước. Bên cạnh đó, hàng loạt các thay đổi chính sách liên quan mà ở thời bấy giờ không ai nghĩ đến.”
BTA và sự bùng nổ
Nếu như năm 2001, khi Hiệp định thương mại Việt Nam-Hoa Kỳ (BTA) chưa có hiệu lực, thương mại hai chiều chỉ đạt 1,51 tỷ USD. Nhưng năm 2002, ngay sau khi BTA có hiệu lực, thương mại hai chiều đã tăng đột biến lên 2,89 tỷ USD, bằng 1,85 lần.
Đến nay, thương mại hai chiều đã bùng nổ lên hơn 35 tỷ USD vào cuối 2014. Hoa Kỳ đã trở thành đối tác thương mại, nhà đầu tư hàng đầu của Việt Nam.
Ông Nguyễn Đình Lương chia sẻ, ngày 12-4-1997 ông Jozeph Damond, Trưởng đoàn đàm phán Hoa Kỳ giới thiệu về bản dự thảo Hiệp định BTA với nội dung 4 phần về thương mại hàng hóa, sở hữu trí tuệ, quan hệ đầu tư, thương mại dịch vụ.
“Sau khi đọc dự thảo, tôi thực sự bị choáng, nó quá mới mẻ, hàng loạt khái niệm chưa được tiếp cận làm quen… Bản dự thảo thiết kế trên những nguyên tắc WTO, mà ở thời điểm đó, ở Việt Nam mới nghe chứ chưa biết WTO có nội dung gì,” ông Lương cho biết.
Nhờ BTA, Việt Nam đã tăng xuất khẩu sang Hoa Kỳ lên 36 lần, từ 800 triệu USD vào năm 2000 lên gần 29 tỷ USD năm 2014. Sự tăng tốc đó đã giúp cho Việt Nam vượt qua Thái Lan, Malaysia, Indonesia để trở thành nước xuất khẩu hàng hóa lớn nhất sang Hoa Kỳ trong ASEAN.
Hàng hóa của Việt Nam chiếm tỷ trọng cao nhất, 22% tổng kim ngạch xuất khẩu của toàn khu vực này.
Ngoài xuất nhập khẩu, Việt Nam là đang là địa điểm đầu tư lý tưởng của các doanh nghiệp Hoa Kỳ. Theo Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), tính đến ngày 20-3, Hoa Kỳ có 735 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) còn hiệu lực tại Việt Nam với tổng vốn đầu tư đăng ký đạt khoảng 11,06 tỷ USD, xếp thứ 7 trong tổng số 101 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư tại Việt Nam.
Tính riêng trong quý 1-2015, Hoa Kỳ có 8 dự án FDI được cấp Giấy chứng nhận đầu tư mới và 2 lượt dự án tăng vốn với tổng vốn đầu tư cấp mới và tăng thêm đạt gần 70 triệu USD.
Các nhà đầu tư Hoa Kỳ đã đầu tư vào 17-21 ngành trong hệ thống phân ngành kinh tế quốc dân với quy mô bình quân vốn đầu tư cho một dự án là 15 triệu USD, cao hơn so với quy mô trung bình của một dự án FDI vào Việt Nam hiện nay là 14,3 triệu USD.
Về tình hình đầu tư của Việt Nam sang Hoa Kỳ, tính đến hết tháng 8-2014, Việt Nam đã có 124 dự án đầu tư, với tổng vốn đầu tư đăng ký cấp mới và tăng vốn là 426,74 triệu USD.
Hoa Kỳ hiện đứng thứ 9 trong số 63 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư của Việt Nam.
Ngoài xuất khẩu, đầu tư tăng trưởng mạnh mẽ, lượng khách từ Hoa Kỳ đến Việt Nam ngày càng tăng. Trong năm 2014, lượng khách từ Hoa Kỳ đạt gần 443.800 lượt người, đứng thứ 4 trong số các nước đến Việt Nam nhiều nhất (sáu tháng 2015 đạt 255,9 nghìn lượt người).
Cú hích TPP
Nếu như BTA được coi là nền tảng quan trọng cho sự phát triển ngoạn mục trong quan hệ kinh tế thương mại, Hiệp định Thương mại xuyên Thái Bình Dương (TPP) được coi là cú hích quan trọng, bước tiến mới, tăng cường cơ hội phát triển kinh tế Việt Nam, đưa kinh tế Việt Nam tới tầm cao mới.
Thành công của TPP sẽ là điều kiện thuận lợi để nâng mối quan hệ kinh tế Việt Nam-Hoa Kỳ một cách toàn diện hơn.
Hiện hai nước đặt mục tiêu hoàn thành vòng đàm phán song phương Hiệp định TPP và kỳ vọng TPP sẽ ký kết vào cuối năm 2015.
TPP được xem là một tầng nấc cao hơn, phức tạp hơn trên con đường tiếp tục hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam. Khi TPP được ký kết, giá trị kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam vào Hoa Kỳ từ năm 2015 sẽ còn tăng đáng kể.
Hiệp hội Thương mại Hoa Kỳ tại Việt Nam (Amcham) ước tính, đến năm 2020 kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Hoa Kỳ có thể đạt 57 tỷ USD. Khi tham gia vào TPP, một số mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam vào Hoa Kỳ như dệt may, da giầy, thủy sản có thể hưởng mức thuế suất 0%.
Phát biểu trong một diễn đàn tổ chức ngày 24/3 tại Viện Nghiên cứu chiến lược CSIS về quan hệ Việt Nam-Hoa Kỳ, Đại sứ Ted Osius nhấn mạnh, đã đến lúc Việt Nam và Hoa Kỳ phải tiến xa hơn để hợp tác ở mức khu vực và toàn cầu.
Với ý tưởng đưa quan hệ hai nước vượt lên mức khu vực và toàn cầu, hợp tác thương mại cần phải được đẩy mạnh. TPP là một cơ hội rất lớn để Việt Nam tiến thêm một bước trong hội nhập kinh tế toàn cầu và sẽ giúp cho mục tiêu tăng gấp đôi giá trị thương mại hai chiều của hai nước thành hiện thực.
Theo Amcham, việc chủ động tham gia TPP làm cho Việt Nam trở nên hấp dẫn hơn đối với các nhà đầu tư nước ngoài, trong đó có Hoa Kỳ. TPP cũng sẽ giúp thị trường Việt Nam “khác biệt” so với các quốc gia khác tại khu vực ASEAN không phải là thành viên TPP.
Hiện, nhiều công ty, tập đoàn lớn của Hoa Kỳ đang có kế hoạch chuyển phần lớn cơ sở sản xuất sang Việt Nam như Tập đoàn Nike, Tập đoàn Dệt may Mast Industries, Tập đoàn P&G.
Nhân chuyến thăm Hoa Kỳ, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng khẳng định Việt Nam sẽ chủ động, tích cực phối hợp với Hoa Kỳ và các nước để thúc đẩy việc sớm kết thúc đàm phán TPP.
Theo Tổng Bí thư, Việt Nam là nước có trình độ phát triển thấp nhất trong các nước đàm phàn TPP nên gặp nhiều thách thức nhất và phải sửa đổi nhiều quy định pháp luật nhất khi tham gia TPP, cân nhắc đến trình độ phát triển kinh tế của Việt Nam và có những linh hoạt cần thiết, phù hợp đối với Việt Nam trong đàm phán TPP.
Theo vietnam+