Nhằm ứng phó trước tình hình biến đổi khí hậu (BĐKH) diễn ra ngày càng phức tạp, hiện nay trong nhiều công trình xây dựng các chủ đầu tư đã hướng tới tòa nhà xanh. Tại Việt Nam, việc xây dựng công trình xanh đã có từ lâu, nhưng việc xem xét, đánh giá hiệu quả cụ thể thì chưa được quan tâm nhiều. Gần đây, vấn đề này đã được chú trọng quan tâm nên đã diễn ra nhiều hội thảo trao đổi kinh nghiệm, chia sẻ kiến thức liên quan đến việc xây dựng công trình xanh.
Vai trò của xây dựng trước BĐKH
Ông Phan Trường Sơn, Trưởng phòng Phát triển đô thị Sở xây dựng TP.HCM cho biết trong một hội thảo mới đây rằng, hiện nay, BĐKH trên toàn cầu với các tiêu cực ngày càng nghiêm trọng tác động đến cuộc sống của nhân loại trên trái đất, trực tiếp ảnh hưởng tới sự phát triển bền vững của thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng. Thực tiễn cho thấy trái đất ấm dần lên, nước biển dâng, lũ lụt xảy ra với tần suất và cường độ lớn hơn. Theo dự báo, Việt Nam là một trong 5 nước sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất của BĐKH và nước biển dâng.
Lĩnh vực xây dựng có vai trò quan trọng trong việc giảm thiểu tác động của BĐKH, thông qua các giải pháp giảm nhẹ và thích ứng với BĐKH của các công trình xây dựng. Công trình xanh chính là một trong các giải pháp giảm thiểu phát thải nhà kính đã được nhiều nước trên thế giới quan tâm, chia sẻ, phổ biến và áp dụng từ năm 1995. Ở Việt Nam, việc xây dựng công trình xanh đã có từ rất lâu, nhưng việc xem xét, đánh giá hiệu quả cụ thể thì chưa được quan tâm nhiều. Tuy nhiên, gần đây vấn đề này đang được các cơ quan chức năng chú tâm và tổ chức nhiêu hội thảo, khóa tập huấn cho cán bộ quản lý đô thị của các cấp.
Hướng tới công trình xanh
Việt Nam đã có Hội đồng Công trình xanh (VGBD), hình thành từ năm 2005 và hoạt động từ 2007, song chưa có bộ tiêu chuẩn công trình xanh. Vì thế, hiện Bộ Xây dựng đã công nhận và chấp thuận cho VGBD xây dựng bộ tiêu chuẩn LOTUS để đánh giá công nhận Công trình xanh tại Việt nam.
Nhiều nhà quản lý và chuyên gia lưu ý, Việt Nam có khí hậu nhiệt đới nóng, ẩm, nên vấn đề thông gió và làm mát là rất quan trọng. Vì vậy, công trình cần có giải pháp thông thoáng lấy nhiều không khí tự nhiên, tránh nhiệt mặt trời, phần bao che cần cách nhiệt tốt nhưng thông thoáng. Đồng thời, cần nghiên cứu áp dụng thực hành sáng tạo các giải pháp xanh về kiến trúc, về sử dụng nước và xử lý nước thải, giảm thiểu sử dụng hệ thống điều hòa không khí, sử dụng năng lượng mới, bảo tồn cảnh quan tự nhiên và đa dạng sinh học.
Điều quan trọng nữa là cần chú ý áp dụng hoặc cải tiến các giải pháp xanh của thế giới để thực hiện các công trình phù hợp ở Việt Nam, như “lõi sinh thái” của tòa nhà, mái xanh, ống dẫn ánh sáng, che nắng, sử dụng năng lượng pin mặt trời, tuabin gió, bể thu hồi nước mưa, xử lý và sử dụng nước thải, bề mặt thấm nước, “vườn ướt”, “hồ sinh thái”, hồ giữ nước... Sử dụng vật liệu xây dựng địa phương theo các tiêu chí “xanh”; hạn chế sử dụng vật liệu nội thất ảnh hưởng đến sức khỏe như vách thạch cao, sơn, đồ gỗ nội thất...
K.TÂN