Huyện Bắc Tân Uyên: Doanh nghiệp vững tin trở lại sản xuất, kinh doanh

Cập nhật: 06-10-2021 | 09:04:25

Thời gian qua, dịch bệnh diễn biến phức tạp đã làm ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh trên địa bàn huyện Bắc Tân Uyên. Trên cơ sở đã “xanh hóa”, trở lại trạng thái “bình thường mới” toàn địa bàn, huyện đã xây dựng, ban hành kế hoạch để phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội trong những tháng còn lại của năm.

 Huyện Bắc Tân Uyên triển khai nhân rộng mô hình sản xuất “3 xanh”. Trong ảnh: Công ty TNHH Triệu Phú Lộc đang hoạt động theo mô hình “3 xanh” giai đoạn 2

 Kiên trì thực hiện “mục tiêu kép”

Giữa thời điểm dịch bệnh với khó khăn chồng chất, trên tinh thần kiên trì thực hiện “mục tiêu kép” với sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, người dân và cộng đồng doanh nghiệp (DN), kinh tế - xã hội của huyện trong 9 tháng năm 2021 đạt kết quả khả quan. Theo đó, trong 9 tháng qua giá trị sản xuất ngành công nhiệp - tiểu thủ công nghiệp thực hiện được 3.436 tỷ đồng, tăng 7,85% so với cùng kỳ. Giá trị sản xuất ngành nông nghiệp thực hiện được 1.771 tỷ đồng, tăng 3,33% so với cùng kỳ. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ đạt 3.044 tỷ đồng, tăng 8,87% so với cùng kỳ.

 Tính đến cuối tháng 9-2021 trên địa bàn huyện có 193 DN đang hoạt động theo các mô hình “3 xanh” và “tại chỗ”, với 19.429 công nhân. Trong đó, có 192 DN đang sản xuất “3 tại chỗ”. Trong 3 tháng cuối năm, huyện tập trung tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất cho các DN tiếp tục hoạt động theo các mô hình “3 xanh”, “3 tại chỗ” và “1 cung đường, 2 địa điểm”.

Phấn khởi với kết quả địa bàn đã được “xanh hóa”, chính quyền và nhân dân huyện Bắc Tân Uyên xác định đây chính là thời điểm để đẩy mạnh các giải pháp khôi phục, phát triển kinh tế thuận lợi hơn. Triển khai thực hiện phương án tổ chức lại sản xuất của các DN trong tình hình mới, bảo đảm vừa sản xuất an toàn, vừa thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch bệnh. Theo đó, huyện phối hợp với Ban Quản lý các Khu công nghiệp (KCN) tỉnh thường xuyên hướng dẫn các DN trong các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn phải bảo đảm thực hiện nghiêm túc phương án “3 tại chỗ”, “1 cung đường, 2 địa điểm” hoặc “3 xanh” đúng theo hướng dẫn. DN nào qua kiểm tra không bảo đảm các điều kiện theo quy định phải tạm ngừng hoạt động.

Ông Châu Hoài Hiếu, quản lý Công ty TNHH DS Vina, KCN KBS (xã Đất Cuốc) chia sẻ, thời gian qua công ty có 110 lao động làm việc “3 tại chỗ” để bảo đảm đơn hàng, 100% lao động đã được tiêm vắc xin. Là DN ngành dệt nhuộm, mặc dù dịch bệnh phức tạp nhưng luôn nỗ lực để duy trì sản xuất. “Hiện tại, công ty đang tiến hành sản xuất các mặt hàng ba lô, túi xách... sẵn sàng tung ra thị trường cuối năm. Phương án sản xuất an toàn giúp DN sẽ không bị đứt gãy sản xuất, bảo đảm đơn hàng và chung tay bảo vệ vùng xanh toàn huyện. Đó cũng là điều kiện để công ty tiếp tục phát triển”, ông Hiếu cho biết thêm.

Linh động các phương án

Trao đổi với đại diện nhiều DN trên địa bàn huyện, được biết tại thời điểm này nhiều đối tác đã hoạt động trở lại, đơn hàng vì thế sẽ tăng trong thời gian tới. Tuy nhiên, nhiều công nhân chưa muốn quay lại làm việc bởi còn gặp một số khó khăn. Việc giữ chân, kêu gọi lao động trở lại lúc này đang là giải pháp cấp thiết đối với DN.

Cùng với các phương án sản xuất đã áp dụng, huyện đang khuyến khích nhân rộng mô hình “3 xanh”. DN phối hợp UBND xã, thị trấn vận động các chủ nhà trọ cho công nhân của cùng DN lưu trú và tổ chức thành lập Tổ Covid nhà trọ. Đơn cử, Công ty TNHH Triệu Phú Lộc, thuộc ấp 3, xã Tân Lập đăng ký và đã được UBND huyện thống nhất cho sản xuất theo mô hình “3 xanh”. Ông Phan Thế Hải, Giám đốc công ty cho biết, giai đoạn 1, công ty thực hiện mô hình “3 xanh” với 445 công nhân, hiện đang thực hiện giai đoạn 2 với gần 700 công nhân. “Là công ty chuyên sản xuất đồ gỗ nghệ thuật. Tất cả những sản phẩm cung cấp cho đối tác nội địa cũng như xuất khẩu. Được trở lại sản xuất thực sự chúng tôi rất phấn khởi, dự kiến không lâu nữa chúng tôi sẽ trở lại hoạt động hết công suất”, ông Hải chia sẻ .

Ông Thái Thanh Bình, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Bắc Tân Uyên cho biết sản xuất công nghiệp trở lại hoạt động sẽ góp phần quan trọng giải quyết việc làm, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao đời sống, thu nhập cho nhân dân và thúc đẩy các ngành, lĩnh vực khác cùng phát triển. Để các DN yên tâm sản xuất, khôi phục kinh tế, huyện luôn nắm bắt những khó khăn, vướng mắc và kiến nghị của DN trong tình hình hiện nay nhằm kịp thời xem xét, giải quyết. Tiếp tục thực hiện giải quyết nhanh, đúng quy định và phù hợp quy hoạch đối với hồ sơ đầu tư của các DN ngoài, khu cụm công nghiệp. Phối hợp, hỗ trợ các chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ thực hiện công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng các dự án KCN Đất Cuốc (mở rộng), KCN Tân Bình, KCN VSIP III - xã Tân Lập (giai đoạn 1)... Huy động tối đa mọi nguồn lực để đẩy nhanh tốc độ phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội, hoàn thành ở mức cao các chỉ tiêu đã đề ra.

 Tính đến cuối tháng 9 năm 2021, trên địa bàn huyện đã có 760/1.870 hộ kinh doanh mở cửa hoạt động trở lại trong điều kiện “bình thường mới”. Ước tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ trong 9 tháng năm 2021 là 3.044 tỷ đồng, tăng 8,87% so với cùng kỳ và đạt 72,65% kế hoạch năm. Lãnh đạo huyện cho biết, trong thời gian tới, huyện tiếp tục tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để các loại hình dịch vụ từng bước hoạt động trở lại, trước mắt ưu tiên các địa điểm kinh doanh những mặt hàng thiết yếu phục vụ sinh hoạt và tái sản xuất. Sau đó tùy theo diễn biến tình hình dịch bệnh có thể xem xét mở rộng thêm các ngành nghề dịch vụ khác để tạo điều kiện cho người dân phát triển kinh tế. Bên cạnh đó, tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường.

 TIẾN HẠNH

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=605
Quay lên trên