Huyện Bắc Tân Uyên: Hướng đến sản phẩm nông nghiệp chủ lực

Cập nhật: 23-11-2021 | 08:23:17

 “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) là chương trình phát triển kinh tế khu vực nông thôn theo hướng phát huy nội lực và gia tăng giá trị, đang được các địa phương tích cực triển khai, tạo sức bật cho nông nghiệp, nông thôn và nông dân.

 Bưi da xanh, sn phm đt 3 sao OCOP cp tnh ca HTX Nông nghip Đng Thun Phát (xã Thưng Tân, huyn Bc Tân Uyên)

 Hiệu quả bước đầu

Qua gần 3 năm triển khai thực hiện Chương trình OCOP, huyện Bắc Tân Uyên bước đầu đã đạt được những kết quả quan trọng, tạo sức lan tỏa rộng rãi, trọng tâm là sản phẩm nông nghiệp chủ lực tạo động lực trong xây dựng nông thôn mới. Hiện có 9/10 xã, thị trấn trên địa bàn huyện có sản phẩm đăng ký tham gia, với 22 chủ thể, trong đó có 3 doanh nghiệp, 5 hợp tác xã (HTX), 14 hộ sản xuất, kinh doanh.

Đến nay, huyện có 17 sản phẩm nông nghiệp chủ lực đạt chứng nhận sản xuất theo các tiêu chuẩn thực hành nông nghiệp tốt (GAP). Trong đó, 3 sản phẩm đạt 4 sao cấp tỉnh (cam sành của HTX Nông nghiệp TM-DV Năm Hạng, bưởi da xanh của HTX Cây ăn quả Tân Mỹ, cam sành của Công ty TNHH MTV Thịnh Thương). 14 sản phẩm đạt 3 sao cấp tỉnh (trà đậu đen xanh lòng sấy, cà phê Nhà Đỏ, bưởi da xanh, bưởi đường lá cam, dưa lưới, nấm bào ngư xám, cam sành, quýt đường, cam xoàn) theo bộ tiêu chí xếp hạng sản phẩm của Chương trình OCOP.

Ông Trịnh Minh Thành, Giám đốc HTX Nông nghiệp Đồng Thuận Phát (xã Thường Tân, huyện Bắc Tân Uyên) cho hay, trước đây đa số bà con canh tác theo hướng tự phát, lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật nên giá bán không được cao. Qua nhiều năm, bà con đã rút ra được kinh nghiệm, áp dụng khoa học kỹ thuật vào chăm sóc bưởi theo hướng VietGAP, sản phẩm làm ra được thương lái săn đón, giá cả ổn định. Người dân kỳ vọng vào Chương trình OCOP sẽ tạo nhiều điều kiện thuận lợi cho HTX và người dân địa phương trong việc quảng bá thương hiệu, nhất là cơ hội để tiếp cận, mở rộng thị trường. “Hiện, sản phẩm bưởi da xanh của HTX đạt 3 sao cấp tỉnh. Trong quá trình xây dựng sản phẩm OCOP tuy gặp không ít khó khăn, song đây là cơ hội để HTX quảng bá sản phẩm, mở rộng thị trường, HTX cũng quyết tâm thực hiện”, ông Thành chia sẻ thêm.

Theo lãnh đạo huyện Bắc Tân Uyên, việc triển khai Chương trình OCOP nhằm nâng cao giá trị sản xuất hàng hóa, tăng thu nhập và góp phần cải thiện đời sống vật chất, tinh thần của người dân; đồng thời, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động nông thôn, cơ cấu lại sản xuất ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, hình thành các tổ chức liên kết kinh tế cộng đồng bền vững. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, huyện cũng gặp một số khó khăn. Một số địa phương chưa chủ động và chưa thực sự quan tâm đến Chương trình OCOP. OCOP là một chương trình mới, do vậy bước đầu thực hiện còn khá lúng túng, cán bộ quản lý còn thiếu kinh nghiệm, nhận thức về chương trình ở một số cơ quan, ban, ngành và địa phương nhìn chung vẫn còn nhiều hạn chế. Một số chủ thể tham gia Chương trình OCOP chưa chủ động, tham gia chương trình dựa theo yêu cầu của địa phương. Tính chủ động của chủ thể trong việc hoàn thiện hồ sơ chưa cao, một số hộ sản xuất, kinh doanh chưa chú trọng đến việc xây dựng thiết kế bao bì sản phẩm.

Mặt khác, việc sản xuất còn nhỏ lẻ, manh mún nên khó khăn trong công tác tiêu thụ sản phẩm, số lượng sản phẩm còn ít và tính cạnh tranh thấp. Mặt khác, bộ tiêu chí đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP còn một số tồn tại, hạn chế, chưa hoàn toàn phù hợp với thực tế, một số tiêu chí chưa phù hợp với sản phẩm tham gia chương trình. Các giải pháp hỗ trợ, thúc đẩy đối với các sản phẩm OCOP sau khi được đánh giá, phân hạng chưa được thực hiện theo khung chương trình.

Nâng tầm sản phẩm

Huyện Bắc Tân Uyên là địa phương có rất nhiều sản phẩm nông nghiệp đặc trưng, như: Bưởi da danh, bưởi đường lá cam, cam xoàn, cam sành, quýt đường, dưa lưới, nấm bào ngư, đậu đen xanh lòng, cà phê rang xay... Tuy nhiên, các sản phẩm này chưa thật sự được người dân phát huy hết tiềm năng, thế mạnh cạnh tranh thị trường, chưa thực hiện chế biến sâu, bao bì, nhãn mác sản phẩm còn đơn giản.

Để thực hiện hiệu quả Chương trình OCOP trên địa bàn huyện giai đoạn tới, ông Nguyễn Văn Phương, Phó Chủ tịch UBND huyện Bắc Tân Uyên cho biết, huyện sẽ xây dựng hệ thống quản lý, kiểm tra, giám sát thực hiện. Hàng năm, tại mỗi kỳ đánh giá thường niên, cơ quan thường trực sẽ phối hợp các đơn vị có liên quan thực hiện giám sát công tác triển khai kế hoạch thực hiện Chương trình OCOP của các xã, thị trấn và kiểm tra các cơ sở sản xuất, sản phẩm sau khi được công nhận sản phẩm OCOP ở mỗi kỳ đánh giá. Đồng thời, huyện tổ chức tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng về Chương trình OCOP trên phạm vi toàn huyện; đa dạng hóa các hình thức thông tin tuyên truyền qua các hội nghị, hội thảo, tờ rơi…; tổ chức các lớp đào tạo, tập huấn cho cán bộ quản lý, phụ trách Chương trình OCOP ở các cấp và các chủ thể tiềm năng trên địa bàn huyện.

Ngoài ra, huyện sẽ khuyến khích, hỗ trợ các chủ thể tham gia Chương trình OCOP ứng dụng công nghệ cao, công nghệ mới trong sản xuất, chế biến, bảo quản sản phẩm OCOP; áp dụng hệ thống quản lý chất lượng sản phẩm, như: Tiêu chuẩn thực hành sản xuất tốt (GMP), quy trình quản lý chất lượng (ISO)... Hỗ trợ xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu hàng hóa, chỉ dẫn địa lý cho các sản phẩm chương trình để phát triển, quảng bá thương hiệu sản phẩm OCOP trên thị trường. Hỗ trợ các doanh nghiệp, HTX trong huyện tham gia hội chợ triển lãm trong huyện, tỉnh và ngoài tỉnh.

Mặt khác, tổ chức khu gian hàng trưng bày, triển lãm các sản phẩm đặc trưng của huyện để đẩy mạnh quảng bá các sản phẩm có thế mạnh, đặc trưng của địa phương nhằm giúp doanh nghiệp, cơ sở sản xuất tăng cường tìm kiếm đối tác, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm. Hỗ trợ các đơn vị sản xuất kết nối các trung tâm mua sắm, siêu thị, cửa hàng tiện lợi, điểm bán hàng để bán sản phẩm OCOP. Hỗ trợ xây dựng thương hiệu, bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, cấp chứng chỉ chất lượng sản phẩm, chứng chỉ quy trình sản xuất thân thiện với môi trường, nâng cao chất lượng sản phẩm, hỗ trợ doanh nghiệp quảng bá, tiêu thụ sản phẩm.

Với những giải pháp đồng bộ, bám sát đặc điểm địa phương, tin tưởng huyện Bắc Tân Uyên sẽ tiếp tục gặt hái được những kết quả tích cực trong thực hiện Chương trình OCOP; vừa nâng tầm chất lượng, giá trị sản phẩm hàng hóa nông sản, vừa tăng thu nhập cho người sản xuất và thúc đẩy kinh tế - xã hội địa phương phát triển.

 Mục tiêu cụ thể trong giai đoạn 2021-2025: Tuyên truyền cho 100% cán bộ công chức, viên chức là thành viên thuộc bộ máy Chương trình OCOP về các quy định trong triển khai, bảo đảm Chương trình OCOP được triển khai đồng bộ đến 100% các xã, thị trấn trên địa bàn huyện. Tuyên truyền 100% các chủ thể có các sản phẩm tiềm năng trên địa bàn huyện về chương trình, chu trình OCOP. Đào tạo, tập huấn cho 100% cán bộ cấp huyện về kiến thức, kỹ năng tổ chức đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP. Đến năm 2025, phấn đấu có ít nhất 10 sản phẩm OCOP được công nhận đạt từ 3 sao trở lên. Củng cố và nâng cấp ít nhất 50% sản phẩm OCOP đã được đánh giá và phân hạng. Tổ chức 3 - 4 lần tham quan học tập kinh nghiệm các tỉnh triển khai thực hiện thành công Chương trình OCOP. Tham gia, xây dựng gian hàng OCOP tại các hội chợ sản phẩm OCOP, trung tâm thương mại, siêu thị, khu dân cư...

Đến nay, huyện Bắc Tân Uyên có 17 sản phẩm nông nghiệp chủ lực đạt chứng nhận sản xuất theo các tiêu chuẩn thực hành nông nghiệp tốt (GAP). Trong đó, 3 sản phẩm đạt 4 sao cấp tỉnh (cam sành của HTX Nông nghiệp TM-DV Năm Hạng, bưởi da xanh của HTX Cây ăn quả Tân Mỹ, cam sành của Công ty TNHH MTV Thịnh Thương). 14 sản phẩm đạt 3 sao cấp tỉnh (trà đậu đen xanh lòng sấy, cà phê Nhà Đỏ, bưởi da xanh, bưởi đường lá cam, dưa lưới, nấm bào ngư xám, cam sành, quýt đường, cam xoàn) theo bộ tiêu chí xếp hạng sản phẩm của Chương trình OCOP.

 THOẠI PHƯƠNG

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên