UBND tỉnh vừa thông qua Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội huyện Bắc Tân Uyên đến năm 2025 nhằm phát huy tối đa thế mạnh về vị trí địa lý, trở thành đô thị sinh thái kiểu mẫu của tỉnh. Để đạt được mục tiêu này, huyện Bắc Tân Uyên đang tập trung phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng gắn với phong trào xây dựng nông thôn mới (NTM); cùng với đó là đẩy mạnh thu hút đầu tư nhằm tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội.
Huyện Bắc Tân Uyên đang nỗ lực phát triển hệ thống hạ tầng, đẩy mạnh thu hút đầu tư nhằm tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội. Trong ảnh: Đường ĐH411 - tuyến đường huyết mạch của huyện Bắc Tân Uyên đang trong giai đoạn hoàn thiện Ảnh: DUY CHÍ
Hiệu quả từ phong trào xây dựng NTM
Năm 2015, toàn huyện Bắc Tân Uyên có 5 xã được tỉnh công nhận đạt chuẩn NTM là Bình Mỹ, Tân Mỹ, Thường Tân, Lạc An và Tân Định. UBND huyện đã yêu cầu Ban chỉ đạo xây dựng NTM của huyện và UBND các xã tiếp tục cổ vũ tinh thần, đẩy mạnh thông tin tuyên truyền để người dân phát huy tinh thần đoàn kết, sáng tạo, làm động lực lan tỏa và đẩy mạnh phong trào xây dựng NTM. Huyện phấn đấu đến cuối năm 2016 có thêm 2 xã đạt chuẩn NTM, cùng 3 xã đạt từ 15 - 16 tiêu chí NTM.
Ông Nguyễn Văn Rin, Phó Chủ tịch UBND xã Tân Định cho biết, trong 6 tháng đầu năm 2016, xã đã hoàn thành và đưa vào sử dụng thêm 2 tuyến đường giao thông nông thôn, nâng tổng số tuyến đường giao thông nông thôn đã hoàn thành từ năm 2015 đến nay trên địa bàn là 19 công trình. Các tuyến đường này đã được bê tông xi măng, đá dăm với tổng chiều dài 7.627m, kinh phí đầu tư 3,3 tỷ đồng; trong đó nhân dân đóng góp 2,4 tỷ đồng, doanh nghiệp đóng góp 383,7 triệu đồng tiền mặt và 12.254m2 đất trị giá 1,8 tỷ đồng, cùng 176 ngày công lao động chủ yếu là của đoàn viên thanh niên và nhân dân trong xã.
Trong 6 tháng đầu năm 2016, toàn huyện Bắc Tân Uyên đã thu hút 15 dự án đầu tư mới; tiếp nhận 46 công ty, doanh nghiệp được tỉnh cấp phép đầu tư mới. Nâng tổng số doanh nghiệp đang hoạt động trên địa bàn huyện hiện nay lên 272 doanh nghiệp trong nước với tổng vốn đăng ký trên 3.228 tỷ đồng; 24 doanh nghiệp đầu tư nước ngoài với tổng vốn đầu tư trên 52 triệu USD. |
Trao đổi với phóng viên về việc làm thế nào để có đủ vốn thực hiện cùng lúc nhiều công trình với kinh phí khá lớn so với điều kiện của địa phương, ông Rin cho biết, Tân Định là xã vùng xa, có diện tích lớn nhất so các xã khác trong huyện nhưng dân số thì khiêm tốn và sống rải rác nên trước đây có những thiệt thòi trong tiếp cận các lợi ích phúc lợi xã hội. Phong trào xây dựng NTM như “làn gió mát thổi vào” đúng lúc người dân nông thôn ở đây đang cần, đang chờ, đó là củng cố, xây dựng và phát triển hệ thống điện, đường, trường, trạm… phục vụ nhu cầu thiết thực hàng ngày của người dân. Bà con đã chủ động đề nghị được tham gia phong trào, sẵn sàng hiến đất, hoa màu để cùng địa phương thực hiện các công trình phúc lợi. Nhớ vậy, đến nay, hầu hết các ấp trong xã đều có văn phòng làm việc khang trang; trẻ con có nơi vui chơi, học tập; người cao tuổi có nơi sinh hoạt văn hóa; chất lượng cuộc sống nông thôn đã được nâng lên rõ rệt...
“Kinh phí cấp trên giao cho địa phương chỉ 200 triệu đồng để thực hiện một công trình giao thông nông thôn. Nhưng một công trình thì thấm vào đâu so với nhu cầu thực tế của xã. Từ cái khó đó, Đảng ủy, HĐND, UBND xã đã thống nhất chủ trương xã hội hóa các công trình nông thôn theo phương thức “Nhà nước và nhân dân cùng làm” bằng cách sử dụng “vốn mồi” để kết hợp, lồng ghép các nguồn như vốn Quỹ bảo trì đường bộ, vốn sự nghiệp giao thông… với việc vận động nhân dân, doanh nghiệp đóng trên địa bàn cùng chung tay phát triển mạng lưới hạ tầng giao thông của xã. Phải nói rằng, phong trào xây dựng NTM có sức mạnh tinh thần và vật chất rất lớn”, ông Rin chia sẻ.
Tạo nền tảng cho đô thị sinh thái
Cùng với chủ trương thu hút đầu tư và mở rộng các khu công nghiệp trên địa bàn, huyện Bắc Tân Uyên còn phát huy lợi thế địa lý của huyện nông thôn là vườn cây ăn trái ven 2 con sông lớn đi qua huyện là sông Bé và sông Đồng Nai. Ông Bùi Quang Phúc, Phó Trưởng phòng Quản lý đô thị huyện cho biết, các xã nằm ven 2 con sông này đang phát huy thế mạnh kinh tế vườn cây ăn trái nhờ nguồn nước ngọt quanh năm và phù sa từ sông. Huyện đang đầu tư nhiều tuyến đường để kết nối những khu vực này với hệ thống hạ tầng chung của huyện nhằm phát huy nguồn lực, tiềm năng du lịch, đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Một tin vui đối với huyện Bắc Tân Uyên là UBND tỉnh đang triển khai đầu tư các tuyến đường trọng điểm nhằm kết nối giao thông của huyện vào hệ thống giao thông vùng và giao thông quốc gia như các tuyến đường tạo lực Bàu Bàng - Phú Giáo - Bắc Tân Uyên, đường Vành đai 4 quy mô đường cao tốc với 8 làn xe. Đây là trục đường huyết mạch theo hướng Đông - Tây của tỉnh Bình Dương và huyện Bắc Tân Uyên. Viện Quy hoạch phát triển đô thị tỉnh đánh giá, tuyến đường này khi hoàn thành sẽ trở thành động lực phát triển kinh tế - xã hội của huyện Bắc Tân Uyên và đóng góp đáng kể vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Cùng với việc đầu tư, hoàn thiện hệ thống hạ tầng, huyện Bắc Tân Uyên cũng kêu gọi đầu tư vào các khu công nghiệp, đô thị phù hợp với quy hoạch chung của tỉnh và huyện. Trong đó, huyện ưu tiên các ngành công nghệ cao, dịch vụ, công nghiệp phụ trợ sử dụng công nghệ tiên tiến, không gây ô nhiễm môi trường và ít sử dụng lao động phổ thông.
Theo lãnh đạo UBND huyện Bắc Tân Uyên, nhờ được UBND tỉnh quan tâm đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, đến nay 99,7% hộ dân trong toàn huyện đã có điện sử dụng. Toàn huyện có 6 nhà máy cấp nước tập trung tại các xã Tân Thành, Tân Mỹ, Bình Mỹ, Lạc An, Đất Cuốc, Thường Tân và đang đầu tư tuyến ống mới dọc các tuyến đường trên địa bàn huyện như ĐH411, ĐT746 để phục vụ cho Trung tâm hành chính mới. UBND huyện cũng đang tập trung làm tốt công tác đền bù giải tỏa, giải phóng mặt bằng phục vụ công tác đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng mang tính tạo lực như: Các công trình hạ tầng kỹ thuật; các tuyến đường trọng điểm của tỉnh, của huyện và giao thông nông thôn; các công trình trung tâm văn hóa, bệnh viện, trường học; khu trung tâm hành chính huyện… Hiện nay, mục tiêu trước mắt của huyện là cứng hóa các tuyến đường xã nhằm phục vụ nhu cầu thiết thực của người dân địa phương, tạo bộ mặt xã hội nông thôn khang trang, sạch đẹp. Từ đó, làm nền tảng phát triển đô thị sinh thái theo quy hoạch đã được duyệt.
Ông Trần Thanh Liêm, Phó Chủ tịch UBND tỉnh khẳng định, Bắc Tân Uyên là huyện mới nên còn gặp nhiều khó khăn, từ đội ngũ nhân sự, kinh nghiệm cho đến hệ thống hạ tầng… Bên cạnh cái khó đó là những lợi thế vô cùng quý giá mà các địa phương khác không có đó là “huyện mới, phải làm mới”. Nếu làm tốt công tác quy hoạch, huyện sẽ phát huy tối đa lợi thế này, phù hợp với khả năng, điều kiện của địa phương. Điều quan trọng đối với huyện mới là phải biết nhìn ra xung quanh để định hình phát triển cho riêng mình, trên cơ sở vượt lên đi trước nhờ rút tỉa được kinh nghiệm của các nơi đi trước.
DUY CHÍ