Huyện Dầu Tiếng hướng tới huyện đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao

Cập nhật: 11-04-2023 | 08:35:42

Từ nền tảng được công nhận huyện nông thôn mới (NTM) năm 2015, huyện Dầu Tiếng đã và đang tập trung mọi nguồn lực xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, nâng chất các tiêu chí NTM để hoàn thành mục tiêu xây dựng huyện đạt chuẩn NTM nâng cao giai đoạn 2023-2025.

 Sản phẩm yến sào của HTX nông nghiệp thương mại dịch vụ yến sào xã Minh Tân được tỉnh công nhận đạt chuẩn OCOP 3 sao

 Xây dựng nông thôn văn minh

Về huyện Dầu Tiếng hôm nay dễ dàng nhận thấy diện mạo nông thôn ở tất cả các địa phương đã trở nên khang trang hơn, sạch đẹp hơn. Các tuyến đường huyện, đường liên xã được nhựa hóa, các tuyến đường do xã quản lý được cứng hóa bằng sỏi đỏ, trong đó có 41% tuyến đường được nhựa hóa hoặc bê tông xi măng.

Xác định nông nghiệp là thế mạnh, huyện cũng từng bước chuyển dịch theo hướng nông nghiệp kỹ thuật cao gắn với chế biến và tái cơ cấu theo hướng nâng cao giá trị gia tăng. Cao su vẫn là cây trồng chủ lực của huyện, năng suất cao su toàn huyện đạt bình quân 1,46 tấn/ha, giá bán hiện nay 35 triệu đồng/ tấn, doanh thu đạt 54,4 triệu đồng/ha/năm. 800 ha cây ăn quả chủ yếu là cây có múi, chuối cấy mô, dưa lưới, bơ... Trong đó, quýt, cam, bưởi tập trung tại các xã phía Bắc của huyện như: Minh Thạnh, Minh Hòa, Định An; măng cụt, sầu riêng tại xã Thanh Tuyền, Thanh An doanh thu đạt từ 1,4-1,6 tỷ đồng/ha/ năm; chuối cấy mô tập trung tại xã Thanh An, Minh Tân với hơn 330 ha, doanh thu đạt 689 triệu đồng/ha/năm.

Bên cạnh phát triển nông nghiệp, huyện tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân đầu tư sản xuất, khuyến khích phát triển các lĩnh vực tiểu thủ công nghiệp, thương mại - dịch vụ trong nông thôn. Trong giai đoạn 2018- 2022, huyện đã mời gọi được 55 doanh nghiệp và 17 cơ sở tiểu thủ công nghiệp đầu tư với số vốn trên 880 tỷ đồng, nâng tổng số doanh nghiệp trên địa bàn lên 487 doanh nghiệp và 1 cụm công nghiệp đang hoạt động ổn định. Từ kết quả đầu tư mở rộng, tăng quy mô sản xuất, kinh doanh đã giải quyết việc làm thường xuyên cho trên 14.000 lao động tại địa phương, đời sống vật chất người dân nông thôn được cải thiện đáng kể.

Theo ông Nguyễn Phương Linh, Chủ tịch UBND huyện, việc phát triển kinh tế nông thôn đã giải quyết việc làm thường xuyên cho người lao động, tăng thu nhập dân cư, giảm tỷ lệ hộ nghèo, giữ vững trật tự an toàn xã hội để phát triển NTM mới bền vững. Từ năm 2018 đến nay, kinh tế của huyện có mức tăng trưởng mỗi năm từ 13,24- 14,47%, tỷ trọng công nghiệp và dịch vụ tăng dần trong cơ cấu kinh tế của huyện.

Nỗ lực “về đích”

Đến nay, huyện Dầu Tiếng có 9/11 xã đã được công nhận đạt chuẩn NTM nâng cao giai đoạn 2018-2020. Bước vào giai đoạn mới 2021-2025, bộ tiêu chí xã NTM nâng cao với nhiều nội dung, điều kiện khó và cao hơn, huyện tiếp tục rà soát các chỉ tiêu, tiêu chí còn yếu, chưa đạt tại các xã để xây dựng NTM nâng cao bền vững. Bên cạnh đó, tháo gỡ khó khăn để đưa 2 xã còn lại là Minh Thạnh và An Lập về đích xã NTM nâng cao trong năm 2023, góp phần đưa huyện Dầu Tiếng đạt huyện NTM nâng cao.

Đối với 2 xã chưa đạt hiện đang nỗ lực hoàn thành các tiêu chí để sớm về đích NTM nâng cao. Ông Thái Văn Kiệm, Chủ tịch UBND xã Minh Thạnh, cho biết xã hiện chưa đạt tiêu chí về y tế và môi trường. Xã đề nghị được hướng dẫn về các tiêu chí như phân loại chất thải rắn, khám sức khỏe từ xa, tiêu chí hộ nghèo đa chiều giai đoạn 2021-2025 để thực hiện. Riêng tiêu chí hộ dân sử dụng nước sạch, nếu được nghiệm thu đường ống dẫn nước sạch cho người dân đã thực hiện trên địa bàn xã thì tiêu chí này xem như hoàn thành. Tương tự, lãnh đạo xã An Lập cũng cho rằng hiện xã đã có sản phẩm OCOP dưa lưới, tuy nhiên chưa thực hiện đưa sản phẩm lên sàn thương mại điện tử được. Tiêu chí tỷ lệ hộ được sử dụng nước sạch theo quy chuẩn từ hệ thống cấp nước tập trung đạt thấp 54,9%, xã kiến nghị được mở rộng hệ thống cấp nước.

Ông Nguyễn Phong Huy, Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn, cho biết chi cục đã có kế hoạch mời các đơn vị liên quan để hướng dẫn cho các xã, đặc biệt 2 xã đang phấn đấu đạt xã NTM nâng cao trong năm 2023 để hoàn thành tiêu chí liên quan đến ngành nông nghiệp phát triển nông thôn. Đối với những sản phẩm đã đạt chứng nhận OCOP, chi cục sẽ gửi danh sách cho Sở Công thương để cập nhật sản phẩm lên sàn thương mại điện tử. Các tiêu chí chưa đạt còn lại như về môi trường, y tế, thủy lợi... sẽ được các cơ quan ban ngành có liên quan hướng dẫn cách làm để hoàn thành.

 Đến nay, tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện chỉ còn 1,29%, thu nhập bình quân đầu người đạt 76 triệu đồng/người/năm, tỷ lệ lao động có việc làm thường xuyên đạt 98%. Đối với 9 xã đã đạt chuẩn NTM nâng cao tiếp tục giữ vững, nâng chất các tiêu chí để đạt bộ tiêu chí giai đoạn 2021-2025; phấn đấu 2 xã Minh Thạnh và An Lập được công nhận xã đạt chuẩn NTM nâng cao năm 2023.

 TIẾN HẠNH

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=788
Quay lên trên