Những năm gần đây, nhờ các ban, ngành, đoàn thể, các địa phương quan tâm triển khai thực hiện kế hoạch bảo đảm trật tự an toàn giao thông (TTATGT), đồng thời công tác tuyên truyền được tăng cường nên tình hình TTATGT trên địa bàn huyện Dầu Tiếng đã có sự chuyển biến tích cực.
Đầu tư cho đường giao thông nông thôn góp phần bảo đảm ATGT (ảnh chụp tại làng Chăm, xã Minh Hòa, huyện Dầu Tiếng)
Nhiều giải pháp phối hợp đồng bộ
Định kỳ hàng năm, Ban ATGT huyện đều tham mưu UBND huyện tổ chức triển khai Chỉ thị về công tác bảo đảm TTATGT và phân công thành viên Ban ATGT huyện phụ trách địa bàn các xã, thị trấn; tổ chức hội nghị tổng kết công tác bảo đảm TTATGT và triển khai thực hiện kế hoạch công tác trong năm tới. Bên cạnh đó, các văn bản chỉ đạo của cấp trên liên quan đến công tác bảo đảm TTATGT, kiềm chế tiến tới giảm dần tai nạn giao thông (TNGT) và ùn tắc giao thông (UTGT) đều được triển khai, tổ chức thực hiện kịp thời.
Huyện cũng xây dựng kế hoạch tổ chức chiến dịch tuyên truyền cao điểm xử lý vi phạm sản xuất, kinh doanh và sử dụng mũ bảo hiểm (MBH) không đạt tiêu chuẩn cho người đi mô tô, xe gắn máy, xe đạp điện; triển khai thực hiện cuộc vận động xây dựng phong trào văn hóa giao thông với bình yên sông nước do Ủy ban ATGT Quốc gia phát động. Đồng thời, tiếp tục phát động phong trào thi đua “Xây dựng xã, phường, thị trấn kiểu mẫu về ATGT đô thị”, tiếp tục duy trì thực hiện các tuyến đường kiểu mẫu về TTATGT.
Công tác tuyên truyền về pháp luật ATGT trong các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là trong học sinh, sinh viên, các doanh nghiệp và các nông trường cao su trên địa bàn được các ban, ngành, đoàn thể tích cực phối hợp thực hiện, riêng Đài truyền thanh huyện đã duy trì thường xuyên các chuyên mục về ATGT trên sóng phát thanh.
Theo Ban ATGT huyện Dầu Tiếng, trong thời gian tới sẽ đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người dân chấp hành Luật GTĐB, chú trọng các nội dung, hình thức phù hợp với tình hình để thu hút đông đảo người dân tham gia, nắm bắt và thực hiện, kết hợp với tăng cường công tác TTKS và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm ATGT. Bố trí thêm lực lượng làm công tác TTKS và trang thiết bị phục vụ công tác TTKS. Phối hợp các xã, thị trấn tịch thu xe gắn máy, xe mô tô không giấy tờ, không còn thời hạn sử dụng; đưa các vụ án TNGT ra xét xử lưu động tại các địa phương nhằm răn đe, giáo dục người dân chấp hành tốt Luật GTĐB. |
Lực lượng chức năng đã thường xuyên mở các đợt cao điểm ra quân tuần tra, kiểm soát (TTKS), xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm về TTATGT, công tác này luôn được đẩy mạnh trong các ngày lễ, Tết Nguyên đán, bảo vệ an toàn các ngày lễ lớn của đất nước và của địa phương...
TNGT giảm cả 3 tiêu chí
Với những nỗ lực nói trên, trong 5 năm gần đây tình hình TTATGT trên địa bàn huyện Dầu Tiếng có nhiều chuyển biến tích cực, TNGT được kiềm chế với số vụ xảy ra là 82 vụ, giảm 56 vụ so với cùng kỳ, làm chết 88 người (giảm 46 người), bị thương 46 người (giảm 99 người). Đặc biệt nhiều năm gần đây TNGT đường thủy trên địa bàn huyện không xảy ra vụ nào. Riêng va quẹt giao thông xảy ra 251 vụ (giảm 406 vụ so với cùng kỳ), làm bị thương 398 người, hư hỏng 341 phương tiện các loại.
Các địa bàn có số vụ TNGT xảy ra nhiều là thị trấn Dầu Tiếng, xã Thanh An, Thanh Tuyền, Định Hiệp, Định An... Nguyên nhân chủ yếu là do người điều khiển phương tiện lấn trái; điều khiển phương tiện trong tình trạng có sử dụng rượu, bia; tránh vượt không bảo đảm an toàn; phóng nhanh; bất cẩn...
Dù tình hình TTATGT có nhiều chuyển biến, TNGT được kiềm chế giảm trên cả 3 tiêu chí số vụ, số người chết và số người bị thương, tuy nhiên hiện vẫn còn một số bất cập làm ảnh hưởng đến công tác bảo đảm TTATGT trên địa bàn huyện Dầu Tiếng, đó là: Công tác tuyên truyền, giáo dục, phổ biến pháp luật ATGT tuy được các ban, ngành, đoàn thể tổ chức nhiều nhưng chất lượng, hiệu quả chưa cao, còn mang tính đơn thuần, hình thức nên chưa thu hút được nhiều sự quan tâm của người dân; ý thức chấp hành Luật GTĐB của một bộ phận người dân còn kém, nhất là ở các xã xa trung tâm của huyện, trong đó lỗi vi phạm thường xảy ra là không đội MBH khi tham gia giao thông; tình trạng uống rượu, bia điều khiển phương tiện giao thông vẫn còn nhiều.
Bên cạnh đó, các tuyến đường trên địa bàn tuy đã được nâng cấp, tu sửa, dặm vá nhưng cũng còn nhiều tuyến đường đã xuống cấp, ban đêm không có đèn chiếu sáng - đây là nguyên nhân làm xảy ra các vụ TNGT cũng như ảnh hưởng đến việc lưu thông của các loại phương tiện; các hệ thống biển báo, cảnh báo lắp đặt hạn chế. Đáng quan tâm hơn nữa là lực lượng làm công tác bảo đảm TTATGT còn thiếu, chưa bảo đảm TTKS bao quát hết địa bàn; trong khi đó công cụ, phương tiện phục vụ công tác TTKS chưa đáp ứng được với yêu cầu nhiệm vụ đề ra; việc xử lý vi phạm, nhất là các vi phạm về lấn chiếm lòng, lề đường chưa triệt để...
BÌNH MINH