Huyện Phú Giáo: Đa dạng sản phẩm nông nghiệp an toàn

Cập nhật: 02-04-2024 | 09:05:40

 Để phát triển nông nghiệp bền vững, mang lại hiệu quả kinh tế cao, thời gian qua, ngoài việc hình thành và phát triển các chuỗi liên kết sản xuất, huyện Phú Giáo dành nhiều nguồn lực đầu tư xây dựng các mô hình sản xuất nông nghiệp sạch theo tiêu chuẩn VietGAP, đáp ứng nhu cầu sử dụng thực phẩm an toàn của người tiêu dùng với đa dạng sản phẩm từ trồng trọt đến chăn nuôi.

 Chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học giúp kiểm soát dịch bệnh. Trong ảnh: Trại nuôi dê của thành viên HTX Chăn nuôi dê xã An Linh

 Đa dạng sản phẩm

Là hợp tác xã (HTX) đi đầu trong triển khai mô hình sản xuất dưa lưới công nghệ cao theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, HTX Nông nghiệp công nghệ cao Kim Long (ấp Cà Na, xã An Bình) từ diện tích trồng 1,7 ha chuyên trồng dưa lưới đã nhân rộng lên 13 ha. Trong quá trình sản xuất, nhờ tuân thủ các quy định, quy trình sản xuất, chú trọng sử dụng các chất hữu cơ và các sản phẩm sinh học nên dưa lưới của HTX đạt sản lượng, chất lượng cao.

Ông Nguyễn Hồng Quyết, Giám đốc HTX, chia sẻ: “Áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất giúp HTX giảm thiểu được nhân công lao động, dịch bệnh cho cây trồng. Việc giảm lượng thuốc bảo vệ thực vật giúp tạo ra sản phẩm chất lượng và an toàn, mẫu mã đẹp, độ đồng đều cao, tăng năng suất”.

Vườn dưa lưới của HTX được trồng trong nhà màng, ứng dụng công nghệ Israel với hệ thống tưới nước nhỏ giọt capinet và châm phân ventury cho năng suất trung bình 30-35 tấn/ha/ vụ. Từ 8 thành viên ban đầu đã tăng hơn 45 thành viên, thị trường bán hàng đa dạng gồm chợ đầu mối, các thương lái thu mua, hệ thống siêu thị lớn và các kênh bán hàng trực tuyến, doanh thu vài chục tỷ đồng mỗi năm. Đặc biệt, sản phẩm dưa lưới của HTX đạt chứng nhận GlobalGAP và tiêu chuẩn OCOP 3 sao chính là điều kiện thuận lợi để có thể xuất khẩu.

Theo ông Trịnh Đức Dũng, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Phú Giáo, cùng với các loại cây ăn trái chủ lực như cây cam, bưởi, quýt, sầu riêng, huyện còn có sản phẩm trồng trọt khác như na dứa, vú sữa, dưa lưới, rau màu... Đến nay, trên địa bàn huyện đã hình thành nhiều mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao với 547 cơ sở, hộ sản xuất trong lĩnh vực trồng trọt, tổng diện tích hơn 1.172 ha.

Ngoài ra, các vùng chăn nuôi trên địa bàn được phát triển, quy hoạch theo hướng an toàn sinh học giúp kiểm soát chặt chẽ dịch bệnh. Theo đó, các trang trại chăn nuôi tập trung ứng dụng công nghệ cao dần thay thế các cơ sở chăn nuôi nhỏ lẻ, tiếp tục xây dựng trang trại chăn nuôi tự động, khép kín, thân thiện môi trường, chăn nuôi theo hướng hữu cơ, VietGAP. Trên địa bàn có 139 trại chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao.

Phát triển nông nghiệp hữu cơ

Từ những lợi ích của sản phẩm nông nghiệp an toàn mang lại đối với sức khỏe cho người tiêu dùng, bảo vệ môi trường cũng như nâng cao thu nhập, huyện xác định đẩy mạnh phát triển nông nghiệp hữu cơ trên từng lĩnh vực sản xuất có thế mạnh.

Với điều kiện thuận lợi về đất đai, khí hậu, xã An Linh có nhiều hộ chăn nuôi dê hiệu quả. Năm 2020, xã đã tập hợp các hộ, thành lập HTX chăn nuôi dê với 12 thành viên, tổng đàn hơn 500 con. Ông Phạm Văn Bảy, Giám đốc HTX, cho biết: “Nguồn thức ăn cho dê chủ yếu từ cỏ nên thực phẩm từ dê rất an toàn. Thời điểm mới thành lập trung bình hàng tháng HTX xuất khoảng 40 con dê thịt, thu nhập của các thành viên khoảng 10 triệu đồng/tháng. Từ sau dịch bệnh Covid-19 đến nay, tình hình kinh tế khó khăn chung nên giá dê và lượng xuất bán giảm. Tuy nhiên, HTX có nhiều mối hàng nên vẫn bảo đảm duy trì mô hình chăn nuôi. Thành viên còn đầu tư nuôi heo, hiện giá thịt heo đang rất tốt, bảo đảm thu nhập”.

Tương tự, ông Trần Công Toại, Giám đốc HTX Chăn nuôi dịch vụ nông nghiệp Phước Sang (xã Phước Sang), chuyên chăn nuôi và sản xuất giống trâu bò, cho biết: “Nông nghiệp hữu cơ giúp đem lại sản phẩm sạch, an toàn cho người sản xuất cũng như người tiêu dùng. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của giá vật tư nông nghiệp, tình hình kinh tế khó khăn, đầu ra từ chăn nuôi trâu, bò cũng gặp khó nên hiện nay số lượng đàn của HTX giảm”.

Theo ông Văn Quang Chinh, Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Giáo, căn cứ vào thực trạng, nhu cầu thực tế của người sản xuất, đầu ra sản phẩm trong từng giai đoạn để xây dựng lộ trình phát triển sản xuất nông nghiệp hữu cơ phù hợp. Hình thành, mở rộng diện tích canh tác được chứng nhận hữu cơ trên một số đối tượng như cây ăn quả, rau củ quả các loại, bò, dê, heo rừng lai, gia cầm. Phát triển, nâng cấp các cơ sở sản xuất nông nghiệp được cấp giấy chứng nhận VietGAP, tiêu chuẩn an toàn thực phẩm hướng đến nông nghiệp hữu cơ.

 Huyện Phú Giáo hướng tới phát triển các vùng sản xuất nông nghiệp hữu cơ tập trung. Cụ thể, hình thành vùng cây ăn quả hữu cơ, diện tích trồng đạt khoảng 200 ha năm 2025, tập trung tại các xã Phước Sang, An Thái, Tam Lập, An Bình và thị trấn Phước Vĩnh. Xây dựng các vùng chăn nuôi hữu cơ với các sản phẩm chủ lực, như: Thịt dê, heo rừng lai, các loại gia cầm. Huyện chú trọng chuyển giao ứng dụng khoa học - công nghệ, quy trình canh tác hữu cơ nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, giảm chi phí đầu tư...

 TIẾN HẠNH

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=433
Quay lên trên