Hy Lạp hồi phục ngoạn mục sau khủng hoảng

Cập nhật: 03-04-2019 | 15:55:46

Chưa đầy một năm sau khi thoát khỏi tình trạng khủng hoảng nợ, không còn tiếp nhận gói cứu nợ của EU, nền kinh tế Hy Lạp đang cho thấy một sự hồi sinh đáng kinh ngạc, châm ngòi bởi làn sóng đầu tư ồ ạt vào bất động sản. Ngành du lịch cũng góp phần không nhỏ vào cuộc hồi sinh này.

Hàng ngàn nhà đầu tư tìm đến Hy Lạp bằng con đường “thị thực vàng”, phần đông trong số họ là người Trung Quốc, số còn lại đến từ Nga, Thổ Nhĩ Kỳ và vài nước khác ngoài châu Âu. Họ kéo đến Hy Lạp để săn lùng những bất động sản giá hời. 3 “điểm nóng” của cuộc săn tài sản lần này là thủ đô Athens, các hòn đảo Santorini và Corfu. Không chỉ là giá cả hợp lý, việc có được một ngôi nhà tại Hy Lạp còn tạo cho nhà đầu tư châu Á một vị trí mang thương hiệu “châu Âu”.

Những nhà đầu tư mới đến Hy Lạp theo một chương trình ưu đãi đầu tư có tên gọi là “thị thực vàng” - một giải pháp hiệu quả mà một số nước từng khủng hoảng kinh tế đã áp dụng trước Hy Lạp, như Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha. Theo đó, những nhà đầu tư nào chi số tiền tương đương 250.000 euro trên một bất động sản (nhà ở) tại Hy Lạp sẽ được cấp một thị thực cho phép lưu trú tại Hy Lạp trong thời gian 5 năm và có thể gia hạn thêm.

Bắt đầu triển khai chương trình “thị thực vàng” từ năm 2013, Hy Lạp là quốc gia áp dụng chương trình “thị thực vàng” non trẻ so với thế giới, song lại đang là “điểm nóng” quan tâm của những người có đủ tiền để tham gia cuộc “đi săn”.

Carrie Law, Tổng Giám đốc tập đoàn đầu tư bất động sản Juwai ở Hong Kong cho biết Hy Lạp hiện là điểm đến hàng đầu của giới trung lưu giàu có ở Trung Quốc bởi sức hút của chương trình “thị thực vàng”. Họ cảm thấy thoải mái khi đến Hy Lạp vì quốc gia này hiện cũng đang có nhiều dự án đầu tư của các tập đoàn kinh tế lớn từ Trung Quốc, như cảng Piraeus.


Du lịch góp phần hồi sinh nền kinh tế Hy Lạp sau khủng hoảng.

Theo bà Law, các nhà đầu tư Trung Quốc đến Hy Lạp mang theo những va ly đựng đầy tiền mặt như một cách hợp pháp để đưa tiền ra khỏi Trung Quốc. Theo quy định, mỗi người Trung Quốc chỉ được rút số tiền tương đương 50.000 USD mỗi năm nhưng một gia đình 6 người cũng có thể gom đủ số tiền 300.000 USD đi mua bất động sản ở Hy Lạp. Họ chuyển và rút tiền thông qua các chi nhánh ngân hàng Trung Quốc tại nước ngoài.

Làn sóng đầu tư của người Trung Quốc giúp cho thị trường bất động sản Hy Lạp bùng nổ trở lại, giá cả bắt đầu hồi phục sau giai đoạn tụt giảm đến 40% cách đây gần 10 năm. Năm 2018, ngay khi Hy Lạp chấm dứt nhận gói cứu nợ của EU và IMF, lần đầu tiên sau 9 năm giá cả thị trường bất động sản đã tăng 2%.

Theo Cơ quan Xúc tiến đầu tư và thương mại Hy Lạp Enterprise Greece, các nhà đầu tư cổ phần tư nhân cũng đang quan tâm đến các quỹ đầu tư bất động sản Hy Lạp. Một số người đã bắt đầu mua cổ phiếu bất động sản do các ngân hàng phát hành nhằm thanh lý các tài sản thế chấp trong các hợp đồng nợ xấu phát sinh thời kỳ khủng hoảng. Tổng mức tăng trưởng đầu tư cả năm 2018 lên đến 20% so với năm trước.

Từ sau năm 2015, giai đoạn khủng hoảng trầm trọng nhất, kinh tế Hy Lạp bắt đầu có dấu hiệu gượng dậy. Niềm tin tín dụng dần hồi phục, kéo theo đó ngành du lịch cũng hồi sinh. Đến năm 2018, song hành cùng làn sóng đầu tư bất động sản, ngành du lịch Hy Lạp đã bùng nổ, với lượng du khách tăng kỷ lục, lên 33 triệu lượt người.

Enterprise Greece cho biết, các nhà đầu tư lớn đang đổ hàng tỉ USD vào ngành du lịch và hàng chục dự án xây dựng khách sạn, khu nghỉ dưỡng đã hoàn thành, khai trương hoặc đang tiến hành. “Niềm tin của các nhà đầu tư vào Hy Lạp đang dần khôi phục” - ông Grigoris Stergioulis, Giám đốc Enterprise Greece nói.

Sự quan tâm của nhà đầu tư đối với bất động sản, nhất là bất động sản phục vụ du lịch đang làm bùng phát phong trào xây dựng các khách sạn, khu nghỉ dưỡng, từ đó dẫn đến số lượng giấy phép xây dựng được cấp trong năm 2018 tăng 10%. Nhà đầu tư đã linh hoạt các dự án đầu tư bằng cách chuyển một phần để cho khách du lịch thuê ngắn hạn nhằm thu hồi vốn nhanh với giá cả tăng cao hơn so với trước. Đương nhiên, làn sóng đầu tư này đang giúp một số người Hy Lạp có tài sản cố định thu lợi khá, thậm chí có người làm giàu.

Sự bùng nổ đầu tư bất động sản và du lịch đi kèm với việc Chính phủ Hy Lạp mở rộng chương trình “thị thực vàng” và định hình lại cơ cấu giá thị trường. Các tài sản giao dịch trên sàn bất động sản đã thể hiện mức giá từ 250.000 euro trở lên, tức mức giá tối thiểu để một nhà đầu tư nước ngoài được cấp “thị thực vàng”.

Cho đến nay, chương trình thị thực đi kèm đầu tư này đã thu hút khoảng 10.000 nhà đầu tư đến từ Trung Quốc, Nga, Thổ Nhĩ Kỳ và các quốc gia khác ngoài châu Âu, 40% là các nhà đầu tư Trung Quốc, mang lại doanh thu cho Hy Lạp khoảng 1,5 tỉ euro trong vòng 5 năm qua. Các nhà xây dựng bất động sản cho biết, nhiều công ty đầu tư của Trung Quốc đã mua các cao ốc căn hộ khắp Athens, kể cả tại khu nghèo, thu nhập thấp của người nhập cư và các khu sinh viên.

Yannis Anastassiadis, Giám đốc Công ty bất động sản Anastassiadis Group chuyên làm ăn với người Trung Quốc cho biết các công ty Trung Quốc thường thực hiện việc cải hoán, tân trang căn hộ trong các tòa nhà rồi sau đó bán lại cho những khách hàng có nhu cầu tìm kiếm “thị thực vàng”.

Tuy nhiên, mặt trái của làn sóng đầu tư bất động sản theo chương trình “thị thực vàng” kết hợp du lịch là nó đã khiến cho cuộc sống của một bộ phận người Hy Lạp có thu nhập thấp gặp nhiều khó khăn vì họ không thể có đủ tiền để tiếp tục thuê căn hộ theo mức giá mới. Một sự bùng nổ quá nóng của làn sóng đầu tư này sẽ khó tránh khỏi tạo ra những hệ quả bất ổn cho xã hội. Chính vì vậy, Chính phủ Hy Lạp đã có những biện pháp hạn chế, không để tình trạng đầu tư quá nóng xảy ra. 

Theo CAND

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=1440
Quay lên trên