Từng lời nói của tân Tổng thống Iran Ebrahim Raisi trong buổi lễ tuyên thệ nhậm chức ngày 5-8 vừa qua đều được các quan chức phương Tây theo dõi kỹ lưỡng, với hy vọng giải mã được những hàm ý sâu sắc và đầy hứa hẹn.
Nhưng, xem ra, không có dấu hiệu nào cho thấy ông Raisi từ bỏ đường lối cứng rắn của mình để đi đến thúc đẩy sự hòa giải với phương Tây, trừ phi điều này diễn ra theo hướng có lợi cho Iran.
Ông Raisi là sự lựa chọn của Lãnh tụ tối cao Ali Khamenei cho vị trí tổng thống. Không chỉ vậy, việc ông đảm nhận chức vụ tổng thống phản ánh chiến thắng cuối cùng của Lực lượng Vệ binh cách mạng Hồi giáo (IRGC), đội quân xung kích thực sự của chế độ Iran và là một lực lượng bán quân sự được thúc đẩy bởi ý thức hệ với khoảng 125.000 quân nhân. Nhiệm vụ của lực lượng này không chỉ là bảo vệ chế độ ở trong nước mà còn tiến hành các hoạt động bên ngoài khác. Các đơn vị hải quân của IRGC hiện là đơn vị duy nhất tiến hành các hoạt động trên biển của Iran ở Vùng Vịnh.
Chương trình tên lửa đạn đạo của Iran được tái khẳng định là vấn đề không thể thương lượng.
Tân Tổng thống Raisi còn có ý định trao cho IRGC nhiều quyền lực hơn nữa. Đầu năm 2021, ông tuyên bố IRGC "có nhiều thành tích xuất sắc trong mọi lĩnh vực mà lực lượng này tham gia ở cả trong và ngoài nước, bao gồm an ninh, quốc phòng, cung cấp dịch vụ và xây dựng". Việc ông Raisi mở rộng quyền lực của IRGC có nguyên nhân rõ ràng: Tổng thống mới của Iran, người hiện đã được gọi là "Đại giáo chủ", đang trong lộ trình thay thế Lãnh tụ tối cao - năm nay đã 82 tuổi - người thầy và là người dìu dắt ông Raisi trước đây.
Cứng rắn và nhượng bộ
Các nhà ngoại giao phương Tây có vẻ cảm thấy được khích lệ bởi một số lời nói ẩn ý của Tổng thống Raisi, mà theo đó các cuộc đàm phán hạt nhân dường như có liên hệ với tình trạng bấp bênh của nền kinh tế Iran. Trong diễn văn nhậm chức, ông nói: "Các lệnh trừng phạt phải được dỡ bỏ và chúng tôi sẽ ủng hộ bất kỳ kế hoạch ngoại giao nào hỗ trợ mục tiêu này".
Ông Raisi đang phải đối mặt với những vấn đề lớn trong nước. Đại dịch COVID-19 đã lấy đi sinh mạng của ít nhất 150 nghìn người Iran và gây tổn thất nặng nề cho một nền kinh tế vốn đã điêu đứng. Iran hiện chỉ xuất khẩu một lượng nhỏ dầu khí, trong khi lạm phát của nước này ở mức hơn 50%/năm và đang tăng lên. 1/4 thanh niên Iran thất nghiệp. Iran còn đang bị ảnh hưởng nặng nề bởi đợt hạn hán tồi tệ nhất trong vòng 50 năm qua. "Chúng tôi khát" là khẩu hiệu thường thấy tại nhiều cuộc biểu tình nổ ra trên khắp cả nước.
Liệu Iran có sẵn sàng nhượng bộ để khôi phục thỏa thuận hạt nhân hay không còn là một dấu hỏi. Vì cho dù đúng là Mỹ, quốc gia đầu tiên rút khỏi thỏa thuận, phải quay trở lại và thể hiện thiện chí của mình nhưng việc khôi phục JCPOA cũng sẽ đòi hỏi một số nhượng bộ rất lớn từ chính Iran.
Không ngừng gia tăng kho dự trữ
Một năm sau khi Mỹ rút lui khỏi thỏa thuận, Iran cũng bắt đầu từ bỏ dần các nghĩa vụ của mình. Trong cuộc đối đầu quân sự với Mỹ vào tháng 1-2021, Iran đã tuyên bố mọi hạn chế đối với việc làm giàu urani đã không còn hiệu lực. Tiếp theo là việc nước Cộng hòa Hồi giáo này thông qua đạo luật mới vào tháng 12-2020, chấm dứt quyền thanh tra của Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) và yêu cầu chính phủ từ bỏ tất cả các nghĩa vụ quan trọng trong thỏa thuận hạt nhân.
Theo JCPOA, Iran chỉ được phép làm giàu urani trong các giới hạn ngặt nghèo: chỉ được phép sử dụng các máy ly tâm urani cũ dựa trên công nghệ từ những năm 1970 để sản xuất urani được làm giàu với số lượng nhỏ (tổng lượng dự trữ dưới 300kg urani hexaflouride) và chỉ được làm giàu ở mức tối đa là 3,67%. Iran không còn công nhận các giới hạn này. Vào tháng 1-2021, Iran đã nối lại việc sản xuất urani được làm giàu ở mức vừa sau 7 năm gián đoạn. Theo chính phủ nước này, hoạt động làm giàu lên mức 20% diễn ra ở cơ sở hạt nhân Fordo gần Qom, nằm sâu dưới lòng đất và được bảo đảm về mặt quân sự bằng lưới lửa phòng không.
Tháng 4, Iran bắt đầu làm giàu urani lên 60% với số lượng nhỏ. Nguyên liệu phân hạch như vậy đặc biệt nhạy cảm vì nó không có ích cho ngành công nghiệp điện hạt nhân và gần như tương đương với urani để sản xuất vũ khí. Đến tháng 5, Iran đã tăng số lượng urani làm giàu ở mức thấp lên khoảng 3 tấn, gấp 16 lần mức cho phép trong thỏa thuận hạt nhân. Các kho dự trữ có thể sẽ tiếp tục tăng mạnh, nhất là khi Tehran hiện đang sử dụng ngày càng nhiều máy ly tâm urani mới với tốc độ nhanh hơn. Những người vẫn tin rằng JCPOA sẽ được hồi sinh sẽ cần phải đưa ra lý lẽ thuyết phục để giải thích tại sao Iran sẽ từ bỏ những lợi thế mà họ đang đạt được để đánh đổi lấy nó?
Một trong những vướng mắc lớn nhất của việc quay trở lại JCPOA, đó là với Washington, hạn chế lớn nhất của nó là không giải quyết được các chương trình tên lửa của Iran và các hoạt động gây bất ổn khác của nước này ở Trung Đông.
Thậm chí, chính quyền ông Biden còn nêu rõ một khi thỏa thuận hạt nhân được khôi phục, họ sẽ chuyển trọng tâm chú ý sang việc đối phó với các vũ khí thông thường của Iran. Tuy nhiên, điều này đã bị Tổng thống Raisi bác bỏ thẳng thừng. Trong cuộc họp báo ngay sau khi tuyên bố là người chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống, ông Raisi đã nhắc lại điều này: "Chương trình tên lửa đạn đạo của Iran là vấn đề "không thể thương lượng" và nằm ngoài bất kỳ cuộc đàm phán nào với Mỹ!".
Theo CAND