Ngày 1-6, một vụ đánh bom nhằm vào lực lượng an ninh Iraq đã cướp đi sinh mạng của hàng chục người. Trước đó, nhóm khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng đã bắt cóc 500 trẻ em ở hai tỉnh al Alba và Ziyala của Iraq.
Những vụ việc trên đã làm dấy lên những quan ngại về tình hình bất ổn ở quốc gia vùng Vịnh này.
Theo AP, ngày 1-6 đã xảy ra một vụ đánh bom xe liều chết nhằm vào Căn cứ quân sự al-Muthanna ở tỉnh Alba, miền Tây Iraq, khiến ít nhất 38 thành viên của lực lượng an ninh thiệt mạng và 25 người khác bị thương.
Vụ tấn công này xảy ra vào trước buổi trưa 1-6, khi một đối tượng đánh bom liều chết đã lái một xe tải quân sự chứa đầy thuốc nổ lao vào Căn cứ quân sự al-Muthanna đặt tại một nhà máy lớn bỏ hoang, nằm ở phía bắc thành phố Falluja, nơi lực lượng phiến quân IS đang chiếm giữ, cách thủ đô Baghdad 50km về phía tây. Vụ nổ lớn đã phá hủy một kho chứa đạn dược và một vài tòa nhà của nhà máy trên vốn là chỗ cư trú của hàng chục cảnh sát Iraq và lực lượng dân quân người Hồi giáo dòng Shiite.
Nhân viên Chính phủ Iraq phân phát thực phẩm cho người tị nạn ở thành phố Falluja. (Ảnh: AFP)
Trước đó, ông Farhan Mohammed, một thành viên hội đồng tỉnh Alba, cho biết chỉ trong hơn một tuần, các tay súng IS đã tấn công các thị trấn al Rutba, al Kaim, Ana và Rawa, bắt đi 400 trẻ em. Theo ông Farhan Mohammed, IS đã đưa số trẻ bị bắt cóc tới nhiều căn cứ khác nhau của nhóm này ở Iraq và nước láng giềng Syria, đào tạo các em này thực hiện các vụ khủng bố theo mệnh lệnh của chúng. Tại tỉnh Ziyala, Cảnh sát trưởng Kasim al-Saidi cũng thông báo IS đã bắt cóc khoảng 100 trẻ em của tỉnh này để làm kẻ đánh bom liều chết.
Đây không phải là lần đầu tiên IS bắt cóc trẻ em để phục vụ cho các mục đích quân sự. Trước đó hồi tháng 4, IS đã tấn công các trường học ở những khu vực lân cận thành phố Mosul là al Kayara, al Sura, Badush và al Baa, bắt cóc khoảng 120 học sinh. Cho đến nay chưa rõ số phận các em này. Nhiều người lo ngại nhóm IS sẽ ép các em thực hiện những cuộc đánh bom tự sát hoặc biến chúng thành lá chắn sống trên chiến trường.
Không chỉ ở Iraq mà tại Syria, IS cũng đã nhiều lần tiến hành những hoạt động tương tự, bắt ít nhất 400 trẻ em phải đi lính, dạy chúng những bài học vũ trang và tôn giáo cực đoan.
Theo một cuộc điều tra của AP hồi năm ngoái, IS đã đẩy mạnh việc ép buộc trẻ em tham gia chiến đấu cho tổ chức này tại khắp các địa điểm chúng nắm quyền kiểm soát ở Iraq và Syria. Những đứa trẻ, chỉ 10-12 tuổi, bị lạm dụng trong nhiều vai trò khác nhau, là chiến binh, người đưa tin, gián điệp, lính gác, thực hiện nhiệm vụ ở các trạm kiểm soát và cả những công việc nội bộ như nấu ăn, lau dọn, đôi khi phải chăm sóc y tế cho những kẻ bị thương hoặc thậm chí trở thành bia đỡ đạn hoặc "bình máu di động" cho các chiến binh IS.
Những vụ việc trên diễn ra trong bối cảnh hôm nay (2-6), tại thủ đô Paris (Pháp) sẽ diễn ra Hội nghị đặc biệt của liên quân quốc tế do Mỹ đứng đầu nhằm tìm ra giải pháp tiêu diệt nhóm phiến quân IS tại Iraq và Syria.
Liên quân quốc tế gồm khoảng 60 nước, do Mỹ đứng đầu, được thành lập năm ngoái sau khi IS hoành hành khắp Iraq và Syria. Bộ trưởng các nước Thổ Nhĩ Kỳ, A-rập Xê-út, Qatar, Các tiểu vương quốc A-rập thống nhất dự kiến sẽ nằm trong số 24 nước tham gia cuộc họp của liên quân chống IS tại Paris.
Chủ đề chính của cuộc họp là bàn về tình hình ở Iraq, nơi IS chiếm quyền kiểm soát thành phố Ramadi 2 tuần trước, vốn được xem là thất bại nặng nề của liên quân kể từ khi họ phát động chiến dịch không kích các mục tiêu của IS hồi tháng 8 năm ngoái.
Phát biểu trước khi tới Paris dự hội nghị, tướng Mỹ về hưu John Allen khẳng định, việc Ramadi rơi vào tay phiến quân IS không phải là một kết cục giống với thành phố Mosul rơi vào tay nhóm IS cách đây một năm trước. Tướng John Allen cho rằng, quân đội Iraq mà phần lớn đều là lực lượng đặc biệt đã giữ được Ramadi suốt 18 tháng liên tục. Tuy nhiên, cuối cùng do tình trạng tiếp tế kém cỏi nên lực lượng Iraqc buộc phải tháo chạy khỏi Ramadi sau hàng loạt vụ đánh bom liều chết của phiến quân IS.
Trong một diễn biến liên quan, ngày 1-6, Quỹ Nhi đồng Liên hiệp quốc (UNICEF) thông báo, các tổ chức nhân đạo chuẩn bị phát động một chiến dịch gây quỹ tổng trị giá 500 triệu USD nhằm hỗ trợ cho các hoạt động nhân đạo tại Iraq.
Theo UNICEF, 8 triệu người Iraq đang cần viện trợ nhân đạo khẩn cấp, đặc biệt gần 3 triệu người lánh nạn kể từ khi IS mở chiến dịch tấn công hồi tháng 6-2014. Tuy nhiên, việc tiếp cận những người này đang bị cản trở do giao tranh và thiếu nguồn quỹ.
Chính vì vậy, tất cả các tổ chức hiện đang hoạt động tại Iraq sẽ nhóm họp tại Brussels vào ngày 4-6 tới để gây quỹ gần 500 triệu USD giúp duy trì các hoạt động cứu trợ trong vòng 6 tháng tới.
Theo QĐND