Bộ Tài nguyên - Môi trường đã ban hành Thông tư số 16/2010/TT-BTNMT quy định về trình tự, thủ tục cưỡng chế thi hành Quyết định xử phạt vi phạm hành chính (VPHC) trong lĩnh vực đất đai. Hiệu lực thi hành kể từ ngày 15-10-2010.
Cưỡng chế hành chính
Thông tư này quy định trình tự, thủ tục áp dụng các biện pháp cưỡng chế để thi hành quyết định xử phạt VPHC trong lĩnh vực đất đai, quyết định áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả do VPHC trong lĩnh vực đất đai gây ra trong trường hợp không áp dụng xử phạt (gọi chung là cưỡng chế hành chính trong lĩnh vực đất đai).
Đối tượng bị cưỡng chế hành chính trong lĩnh vực đất đai bao gồm: cá nhân trong nước, cá nhân nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài; cơ quan, tổ chức trong nước, tổ chức nước ngoài; hộ gia đình; cơ sở tôn giáo bị xử phạt VPHC trong lĩnh vực đất đai (sau đây gọi chung là đối tượng bị xử phạt) đã quá thời hạn tự nguyện chấp hành hoặc quá thời hạn hoãn chấp hành các quyết định mà không tự nguyện chấp hành; cơ quan, tổ chức, cá nhân khác có liên quan đến việc cưỡng chế hành chính trong lĩnh vực đất đai.
Các biện pháp cưỡng chế hành chính trong lĩnh vực đất đai bao gồm: khấu trừ một phần tiền lương hoặc một phần thu nhập; khấu trừ tiền từ tài khoản tại các ngân hàng, các tổ chức tín dụng; kê biên tài sản có giá trị tương ứng với số tiền phạt để bán đấu giá; tịch thu tang vật, phương tiện được sử dụng để VPHC; tước giấy phép, chứng chỉ hành nghề định giá đất; cấm hành nghề tư vấn về lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; buộc khôi phục lại tình trạng của đất như trước khi vi phạm; buộc khắc phục tình trạng làm suy giảm chất lượng đất, khắc phục việc thải chất độc hại vào đất; khắc phục hậu quả đối với trường hợp nhận chuyển quyền sử dụng đất nhưng không đủ điều kiện nhận chuyển quyền sử dụng đất; tịch thu lợi ích có được do vi phạm; buộc phải cung cấp thông tin, giấy tờ, tài liệu và chấp hành yêu cầu thanh tra, kiểm tra.
Đối tượng bị xử phạt bị áp dụng biện pháp cưỡng chế để thi hành quyết định xử phạt VPHC trong lĩnh vực đất đai trong các trường hợp: một là, quá thời hạn 10 ngày kể từ ngày nhận được quyết định xử phạt VPHC hoặc quyết định áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả do VPHC gây ra trong trường hợp không áp dụng xử phạt mà đối tượng bị xử phạt không chấp hành, trường hợp người có thẩm quyền xử phạt quyết định cho phép nộp tiền phạt nhiều lần nhưng quá thời hạn nộp tiền của lần cuối cùng mà đối tượng bị xử phạt không chấp hành; hai là, quá thời hạn hoãn chấp hành quyết định phạt tiền theo quy định tại Điều 65 của Pháp lệnh Xử lý VPHC.
Ai được ban hành quyết định cưỡng chế?
Thẩm quyền quyết định cưỡng chế hành chính trong lĩnh vực đất đai, được phân biệt như sau:
(1) Người có thẩm quyền ra quyết định áp dụng một trong các biện pháp cưỡng chế hành chính trong lĩnh vực đất đai có nhiệm vụ tổ chức việc cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt của mình và của cấp dưới, bao gồm: a) Chủ tịch UBND xã, phường, thị trấn (sau đây gọi là Chủ tịch UBND cấp xã); Chủ tịch UBND huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh (sau đây gọi là Chủ tịch UBND cấp huyện); Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi là Chủ tịch UBND cấp tỉnh); b) Chánh Thanh tra Sở Tài nguyên và Môi trường, Chánh Thanh tra Bộ Tài nguyên và Môi trường.
(2) Người có thẩm quyền ra quyết định áp dụng biện pháp cưỡng chế hành chính để tước giấy phép, chứng chỉ hành nghề về định giá đất, cấm hành nghề tư vấn về lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, bao gồm: a) Chủ tịch UBND cấp huyện, cấp tỉnh; b) Chánh Thanh tra Sở Tài nguyên và Môi trường, Chánh Thanh tra Bộ Tài nguyên và Môi trường.
(3) Đối với trường hợp tháo dỡ nhà ở, công trình xây dựng trái phép trên đất thì người có thẩm quyền ra quyết định áp dụng biện pháp cưỡng chế hành chính để buộc khôi phục lại tình trạng của đất như trước khi vi phạm, bao gồm: a) Chủ tịch UBND cấp huyện; b) Chủ tịch UBND cấp tỉnh.
Tại Điều 8 của Thông tư số 16, áp dụng biện pháp cưỡng chế để tước giấy phép, chứng chỉ hành nghề định giá đất; cấm hành nghề tư vấn về lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, trong trường hợp nếu quá thời hạn quy định mà đối tượng bị xử phạt không giao nộp giấy phép, chứng chỉ hành nghề định giá đất, thì người ra quyết định cưỡng chế gửi thông báo tới cơ quan đã cấp giấy phép, chứng chỉ hành nghề định giá đất để yêu cầu ra quyết định thu hồi giấy phép, chứng chỉ hành nghề đã cấp; đồng thời cơ quan cấp giấy phép, chứng chỉ hành nghề có trách nhiệm thông báo trên website của Bộ Tài nguyên và Môi trường hoặc website của Tổng cục Quản lý đất đai.
MINH TRÍ