Sau 4 năm triển khai dự án cải tạo, kênh Ba Bò (nằm ở khu vực giáp ranh Bình Dương và TP.HCM) đã có nhiều thay đổi đáng kể, song dù dự án đang tiếp tục triển khai, nhưng vẫn còn đó những tồn đọng...
Cố gắng nhiều
Trở lại kênh Ba Bò vào những ngày đầu tháng 3, chúng tôi thấy trên công trường xây bờ kè chỉ có mấy công nhân đang thong thả làm việc. Nhiều đoạn đã được san ủi ở cả hai bờ, nhưng vẫn còn đó nhiều đoạn đang dang dở. Những chiếc cầu bắc qua kênh tuy đã hoàn thành, nhưng dưới cầu nước vẫn còn đen, mặc dù không còn nhiều như trước nhưng bọt vẫn tung trắng xóa, chứng tỏ nguồn nước vẫn chưa hết ô nhiễm!
Dự án kênh Ba Bò phía TP.HCM đang có dấu hiệu chựng lại
Ông Nguyễn Văn Hải, một người dân ở phường Bình Chiểu, quận Thủ Đức, TP.HCM, cho biết tiến độ thi công công trình cải tạo kênh Ba Bò đang có dấu hiệu chựng lại. Phía TP.HCM khởi công xây dựng dự án từ cuối năm 2008 nhưng đến nay vẫn còn nhiều hạng mục chưa được thi công. Nhiều nơi còn vướng đền bù giải tỏa, bởi một số hộ dân cho rằng mức đền bù chưa thỏa đáng nên xảy ra tranh cãi, kiện cáo kéo dài. Ông Hải nói: “Yêu cầu của dự án là làm sao bảo đảm được nước kênh trong xanh trở lại, nhưng theo kết quả quan trắc định kỳ hàng tháng của Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM thì mức độ ô nhiễm của các tuyến thoát nước kênh Ba Bò tuy có giảm nhưng vẫn còn bị ô nhiễm, trong đó ô nhiễm bởi các chất hữu cơ vượt quy chuẩn từ 1,3 - 2,5 lần, ô nhiễm bởi các chất hoạt động bề mặt vượt 2,4 - 3,6 lần...”.
Nước kênh Ba Bò đã bớt thối, bớt rác nhưng vẫn còn đen và nhiều bọt trắng
Để khắc phục tình trạng ô nhiễm, cùng với TP.HCM, phía UBND tỉnh Bình Dương cũng đã chỉ đạo các ngành liên quan như Công ty Thương mại XNK Thanh Lễ, Công ty Cổ phần Đại Nam, Công ty MTV Cấp thoát nước và Môi trường TX.Dĩ An, TX.Thuận An... tăng cường phối hợp kiểm tra, lập danh sách các doanh nghiệp chưa đấu nối nước thải về hệ thống xử lý tập trung để có biện pháp xử lý, nhanh chóng lập và triển khai dự án xây dựng bờ kè, hệ thống thu gom nước thải sinh hoạt...
Thực hiện sự chỉ đạo đó, thời gian qua chủ đầu tư KCN Sóng Thần 1 và 2 đã đầu tư nâng công suất xử lý cho các nhà máy xử lý nước thải tập trung lên 12.500m3/ngày, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bình Dương cũng đã cho lắp đặt hệ thống trạm quan trắc nước thải tự động tại 2 KCN này. Riêng Công ty Thương mại XNK Thanh Lễ cũng đã đầu tư hơn 10 tỷ đồng để xử lý hồ chứa nước trong KCN Sóng Thần 1... Cùng với đó, UBND TX.Thuận An phối hợp với Công ty TNHH MTV Cấp thoát nước và Môi trường Bình Dương tổ chức thu gom hơn 18.000 tấn rác, nạo vét và khơi thông dòng chảy với chiều dài hơn 3km, tổng kinh phí 3,1 tỷ đồng. Hiện Công ty TNHH MTV Cấp thoát nước và Môi trường Bình Dương đang triển khai lập dự án để tổ chức thi công xây dựng bờ kè, đường đi dọc bờ kênh và hệ thống thu gom xử lý nước thải cho các khu dân cư phía thượng nguồn...
Hiệu quả chưa cao
Cuối năm 2008, lãnh đạo UBND TP.HCM và Bình Dương đã phải ngồi lại với nhau và thống nhất phối hợp giải quyết ô nhiễm kênh Ba Bò với nhiều dự án trong tổng thể. Kinh phí dự toán lúc đó là 304 tỷ đồng, phía TP.HCM chịu hơn 2/3 tổng vốn. Tuy nhiên, do thời gian kéo dài cũng như sự phức tạp trong vấn đề khắc phục mức độ ô nhiễm của con kênh này mà kinh phí hiện nay đã đội lên đến hơn 744 tỷ đồng (số liệu từ Trung tâm Điều hành chương trình chống ngập TP.HCM).
Số tiền bỏ ra là quá lớn, nhưng hiệu quả mang lại theo đánh giá tạm thời của dự án này là chưa cao! Đó là chưa kể thiệt hại của hàng trăm hộ dân nhiều năm qua đã phải gánh chịu ảnh hưởng từ ô nhiễm của dòng kênh và đến nay vẫn chưa khắc phục được! Điều đó cho thấy cái giá của môi trường là quá đắt, hệ lụy của một thời “quá độ” trong thu hút đầu tư.
K.TÂN