Kết nối, thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt

Cập nhật: 26-07-2023 | 08:03:48

 Không chỉ phát triển thương mại điện tử, các hoạt động thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt (TTKDTM) trên địa bàn tỉnh đang được các doanh nghiệp (DN), cơ sở kinh doanh và người dân tích cực hưởng ứng, góp phần đẩy nhanh tốc độ phát triển kinh tế số của địa phương.

 Người dân thanh toán tiền qua thẻ khi mua hàng hóa tại Aeon Mall Bình Dương Canary

 Thực hiện tài chính số

Xu hướng TTKDTM đang ngày càng lan tỏa mạnh mẽ trong đời sống, các ngân hàng thương mại (NHTM) đã tăng cường đầu tư các thiết bị, hạ tầng công nghệ phục vụ. Theo ông Võ Đình Phong, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) - Chi nhánh Bình Dương, trên địa bàn tỉnh hiện có 805 máy giao dịch tự động (ATM, CDM), 43/43 đơn vị cung ứng dịch vụ TTKDTM qua QR Code (trong đó có 42/43 đơn vị có cung cấp dịch vụ ngân hàng số (Digital Banking).

Ông Võ Đình Phong cũng cho biết, dịch vụ ngân hàng điện tử đã được các NHTM phát triển mạnh mẽ trên cơ sở ứng dụng công nghệ hiện đại mang lại nhiều tiện ích cho khách hàng để hướng người dùng thay đổi thói quen sử dụng tiền mặt. Bên cạnh đó, để khuyến khích khách hàng sử dụng, các ngân hàng đều áp dụng tặng 100% phí giao dịch, phí làm thẻ, chuyển khoản. Chỉ bằng điện thoại thông minh, khách hàng có thể chuyển khoản, thanh toán mọi lúc, mọi nơi. Đặc biệt, với công nghệ mã QR, khách hàng có thể thanh toán nhanh chóng, thuận lợi, độ an toàn cao.

Cùng với ngân hàng, các DN sản xuất, bán lẻ cũng đẩy mạnh kênh bán hàng trực tuyến, sử dụng nhiều hình thức thanh toán điện tử. Ông Nguyễn Văn Công, Cục trưởng Cục Thuế tỉnh thông tin, hiện một số sở, ngành liên quan của tỉnh đã tích cực phối hợp triển khai thanh toán điện tử trong thương mại điện tử và dịch vụ công trực tuyến về thuế, hải quan, điện, nước, học phí, viện phí, chi trả lương hưu... Các giải pháp thanh toán rất tiện lợi như ví điện tử, ATM, POS, thanh toán qua Internet Banking, Mobile Banking, mã QR...

Ở lĩnh vực thương mại, ông Lê Trung Hòa, Giám đốc Lotte Mart Bình Dương, chia sẻ, hệ thống Lotte Mart đã ứng dụng phần mềm bán hàng hiện đại để phục vụ các đơn hàng trực tuyến. Việc phát triển thương mại điện tử, thanh toán bằng công nghệ QR, ví điện tử… là một trong những chiến lược quan trọng của Lotte Mart trong thời gian tới.

Tại hệ thống siêu thị Co.opmart, từ thời điểm 5 năm trước khi người tiêu dùng vẫn còn thói quen sử dụng tiền mặt, Co.opmart đã sớm sử dụng song song cả 2 hình thức thanh toán tiền mặt và bằng các hình thức thẻ thanh toán, chuyển khoản ngân hàng. Hiện Co.opmart phát triển thêm các hình thức thanh toán qua ví điện tử như Momo, VNPay, ZaloPay… và các hình thức Internet Banking qua APP ứng dụng ngân hàng, tạo thuận tiện nhất cho khách hàng khi mua sắm, thanh toán tại siêu thị.

Bà Nguyễn Thị Hồng Khanh, Giám đốc Co.opmart Chợ Đình, cho biết tỷ lệ TTKDTM tại siêu thị liên tục gia tăng trong 3 năm gần đây. Đối tượng khách hàng đến siêu đa phần có độ tuổi khoảng từ 20-40 tuổi, đây là lực lượng chủ động tiếp cận và tiên phong trong ứng dụng công nghệ số vào cuộc sống. Hiện mỗi ngày bình quân siêu thị đón tiếp khoảng 2.000 lượt khách hàng đến tham quan và mua sắm, với doanh số bình quân khoảng 500 triệu đồng/ ngày, trong đó số tiền thanh toán qua thẻ ngân hàng, chuyển khoản chiếm tỷ lệ hơn 50%.

Gia tăng tỷ lệ người dùng

Theo chia sẻ của các siêu thị, cửa hàng tiện ích và các cơ sở kinh doanh thương mại, dịch vụ trên địa bàn tỉnh, hình thức TTKDTM có chiều hướng gia tăng, hiện chiếm khoảng gần 60% trên tổng doanh thu. Tuy nhiên, bên cạnh những tiện ích mang lại, TTKDTM gặp nhiều khó khăn do thói quen sử dụng tiền mặt của người dân.

Bà Nguyễn Thị Hồng Khanh, chia sẻ hiện lượng khách hàng là phụ nữ nội trợ, khách hàng từ các tuyến huyện tham quan vào dịp cuối tuần, khách hàng lớn tuổi chưa có thói quen hoặc chưa sử dụng thành thạo các chức năng thanh toán điện tử. Bên cạnh đó sử dụng TTKDTM phải phụ thuộc vào đường truyền mạng viễn thông, tín hiệu phải kết nối liên tục, nếu xảy ra lỗi tâm lý của một bộ phận người tiêu dùng e ngại.

 Theo số liệu của UBND tỉnh, đến nay, toàn tỉnh có 82% người từ 15 tuổi trở lên có tài khoản giao dịch tại ngân hàng hoặc các tổ chức tài chính; 89% người dân biết kỹ năng về công nghệ thông tin và truyền thông.

Về vấn đề này, ông Võ Đình Phong cũng cho biết, quá trình chuyển đổi số ngành ngân hàng đã diễn ra mạnh mẽ, đạt được nhiều thành tựu đáng chú ý. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều thách thức đặt ra đối với các ngân hàng không chỉ liên quan đến việc đồng bộ, phù hợp của hành lang pháp lý mà còn ảnh hưởng bởi an ninh mạng, tội phạm công nghệ cao có xu hướng gia tăng, với các thủ đoạn ngày càng tinh vi và phức tạp. Cùng với đó là thiếu hụt nhân sự trình độ cao và sự cân bằng về hiệu quả trong đầu tư nguồn lực, về vốn cho chuyển đổi số của các ngân hàng. Cơ sở hạ tầng kỹ thuật, khả năng tích hợp, kết nối, liên thông với các hệ thống, các ngành, lĩnh vực khác để hình thành hệ sinh thái số, cung ứng dịch vụ đa tiện ích cho khách hàngvẫn còn nhiều hạn chế.

Cũng theo ông Võ Đình Phong, để thúc đẩy TTKDTM, bên cạnh DN kinh doanh thương mại, dịch vụ và các đối tác (ngân hàng, công ty tài chính, DN viễn thông cung cấp các dịch vụ) cần xem xét, điều chỉnh mức phí nhằm bảo đảm lợi ích giữa các bên. Ngoài ra, việc kết nối phải bảo đảm thông suốt giữa các đơn vị bán hàng và các đối tác liên quan. Đồng thời, tiếp tục nâng cấp, hoàn thiện hạ tầng công nghệ và tăng cường bảo đảm an ninh, an toàn và hoạt động liên tục hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng… Bên cạnh đó, tăng cường tích hợp, kết nối với các bộ, ngành, lĩnh vực khác để cung ứng các sản phẩm, dịch vụ ngân hàng trên nền tảng số. Các cơ quan, ban ngành có liên quan cần đẩy mạnh tuyên truyền về những lợi ích TTKDTM mang lại.

  THANH HỒNG

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên