Với kết quả thu hút đầu tư nước ngoài (FDI) hiệu quả, Bình Dương đã trở thành 1 trong 4 địa phương đạt mức thu hút FDI vượt ngưỡng 20 tỷ USD. Điểm khác biệt từ nguồn vốn FDI vào Bình Dương so với các địa phương khác là tập trung cho sản xuất công nghiệp, từ đó góp phần tạo ra giá trị sản xuất công nghiệp lớn, kim ngạch xuất khẩu cao…
Vốn FDI dồn vào khu công nghiệp
Từ đầu năm đến nay, Bình Dương đã thu hút gần 1,48 tỷ USD vốn FDI, tăng 47,7% so cùng kỳ năm trước. Kết quả này đã nâng tổng nguồn vốn FDI vào Bình Dương đến thời điểm này lên gần 20,3 tỷ USD vốn đăng ký, với 2.359 dự án. Tại Bình Dương hiện đã có 39 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư; trong đó Nhật Bản có 225 dự án với tổng số vốn đầu tư gần 4,7 tỷ USD; Đài Loan có 667 dự án với tổng số vốn hơn 4,6 tỷ USD; Hàn Quốc có 487 dự án với tổng số vốn 1,9 tỷ USD; Singapore có 136 dự án với tổng số vốn là 1,76 tỷ USD; Malaysia có 72 dự án với tổng số vốn là 607 triệu USD...
Ông Lê Thanh Cung (phải), Chủ tịch UBND tỉnh, trao chứng nhận đầu tư cho doanh nghiệp FDI
Theo UBND tỉnh, trong thu hút FDI, định hướng ưu tiên của Bình Dương là thu hút các dự án đầu tư vào khu công nghiệp (KCN) đã được quy hoạch và định hướng này đã và đang phát huy hiệu quả. Nhờ vậy mà thời gian gần đây, nhiều dự án đầu tư mới phần lớn đều tập trung vào các KCN, nâng số lượng dự án và tổng vốn FDI đầu tư vào KCN với tỷ lệ cao. Trong đó các KCN VSIP tại Bình Dương thu hút 392 dự án với tổng vốn gần 5,5 tỷ USD; các KCN còn lại thu hút 969 dự án với tổng vốn gần 6,8 tỷ USD. Nguồn vốn FDI đầu tư ngoài KCN có 995 dự án với tổng vốn hơn 8 tỷ USD.
Nguyên nhân để Bình Dương thu hút FDI vào các KCN đạt hiệu quả cao là nhờ có môi trường đầu tư thuận lợi, nổi bật là vấn đề hạ tầng KCN và giao thông hoàn chỉnh. Với chiều hướng thuận lợi như hiện nay, nhất là đã có nhiều doanh nghiệp đang hoàn tất thủ tục đầu tư, khả năng thu hút FDI đạt 1,7 tỷ USD trong năm 2014 là điều hoàn toàn khả thi.
Sản xuất công nghiệp là chủ yếu
Cùng TP.Hồ Chí Minh, Bà Rịa - Vũng Tàu và Hà Nội, Bình Dương hiện đã vượt ngưỡng thu hút 20 tỷ USD vốn FDI. Tuy nhiên, nguồn vốn FDI vào Bình Dương có sự khác biệt khá lớn so với các tỉnh, thành nói trên. Nếu nguồn vốn FDI vào TP.Hồ Chí Minh và Hà Nội tập trung mạnh cho lĩnh vực dịch vụ; nguồn vốn FDI vào Bà Rịa - Vũng Tàu tập trung cho lĩnh vực dầu khí, thì nguồn vốn FDI vào Bình Dương chủ yếu tập trung cho lĩnh vực sản xuất công nghiệp.
Sự khác biệt nói trên dễ dàng nhận thấy bởi nguồn vốn FDI vào Bình Dương đang góp phần tạo ra giá trị sản xuất công nghiệp cao. Chỉ tính riêng trong 10 tháng qua, nguồn vốn FDI vào Bình Dương đã tạo ra giá trị sản xuất công nghiệp đạt 102.403 tỷ đồng; chiếm tỷ trọng 68,7% trên tổng giá trị sản xuất công nghiệp của tỉnh. Điều đáng quan tâm nhất là nguồn vốn FDI vào Bình Dương còn tăng nhanh ở lĩnh vực công nghiệp phụ trợ, đáp ứng nhu cầu nguyên phụ liệu cho các doanh nghiệp sản xuất các mặt hàng xuất khẩu. Từ đó, góp phần đưa giá trị xuất khẩu hàng hóa của Bình Dương tăng nhanh và vượt qua con số nhập khẩu, tạo ra giá trị xuất siêu cao. Chỉ tính riêng trong 10 tháng qua, Bình Dương đã xuất siêu hơn 2,35 tỷ USD. Con số đó đã đưa Bình Dương trở thành một trong những tỉnh có giá trị xuất siêu cao nhất nước hiện nay.
Đánh giá về tình hình thu hút FDI, ông Lê Thanh Cung, Chủ tịch UBND tỉnh, cho biết với kết quả thu hút đầu tư thời gian qua và dựa trên những phân tích từ công tác tiếp thị mời gọi đầu tư, kết quả cải cách thủ tục hành chính, tháo gỡ kịp thời khó khăn cho doanh nghiệp… có thể nói Bình Dương sẽ tiếp tục thu hút mạnh nguồn vốn FDI trong thời gian tới.
Bên cạnh nguồn vốn FDI, thu hút đầu tư trong nước của Bình Dương tiếp tục đạt kết quả khả quan. Từ đầu năm đến nay, Bình Dương đã có thêm 1.765 doanh nghiệp đăng ký hoạt động mới với tổng vốn đăng ký trên 6.545 tỷ đồng và 321 doanh nghiệp điều chỉnh tăng vốn với số vốn tăng thêm là 2.431 tỷ đồng. Tính chung đến nay toàn tỉnh có 17.138 doanh nghiệp đăng ký hoạt động sản xuất, kinh doanh với tổng vốn đăng ký 128.601 tỷ đồng.
T.MINH