Hơn một tháng trước, trên báo Bình Dương đã có bài viết phản ánh tình trạng nhiều cây ATM của các ngân hàng (NH) trên địa bàn tỉnh “lười” dự trữ tiền lẻ, buộc người dân khi giao dịch phải rút tiền mệnh giá từ 200.000 đồng trở lên. Đến nay, tình trạng này vẫn chưa được giải quyết, gây bức xúc cho khách hàng.
Khách hàng giao dịch qua thẻ ATM Ảnh: XUÂN THI
Khổ vì tài khoản còn 493.000 đồng
Chị Vân, ở phường An Thạnh, TX.Thuận An phản ánh, sáng qua chị đi rút tiền tại một cây ATM trên đường Lê Hồng Phong, TP.Thủ Dầu Một. Cây ATM này của một NH chị mở tài khoản giao dịch. Tuy nhiên, sau thao tác rút tiền, máy ATM báo chỉ còn tiền mệnh giá 500.000 đồng, số tiền trong tài khoản của chị không đủ để giao dịch thành công. Vì cần tiền cho công việc đột xuất, chị Vân đã chạy tìm các cây ATM của các NH có liên kết với NH chị mở tài khoản nhưng tình hình cũng không khả quan hơn. Để có tiền, chị Vân đã phải lên tận chi nhánh NH để thực hiện giao dịch. Chị Vân phản ánh tình trạng này với nhân viên NH thì được người có trách nhiệm giải thích “do nhiều người rút tiền lẻ nên máy ATM chỉ còn tiền mệnh giá cao?”.
Tương tự như chị Vân, anh Quốc, ngụ phường Phú Thọ, TP.Thủ Dầu Một bức xúc cho biết, anh phải mất cả tuần lễ mới rút được 150.000 đồng trong số dư tài khoản gần 200.000 đồng của mình tại một cây ATM trên địa bàn TP.Thủ Dầu Một. Đây là số tiền anh được trả phí bảo hiểm thất nghiệp còn lại sau khi rút 2 triệu đồng, trong số tiền gần 2,2 triệu đồng tiền bảo hiểm thất nghiệp hàng tháng.
Phóng viên Báo Bình Dương đã đặt vấn đề này với một giám đốc chi nhánh NH tại Bình Dương, vị này cho biết thông thường khi nạp tiền vào máy, quy tắc bắt buộc chung của các NH là phải có đủ mệnh giá cho khách hàng tiện giao dịch. Có thể khách hàng rút tiền lẻ nhiều nên dẫn đến việc tiền mệnh giá 20.000 đồng, 50.000 đồng, 100.000 đồng không còn. Tuy nhiên, những trường hợp này không nhiều. Tình trạng máy ATM hết tiền lẻ thường xuyên và đồng loạt như báo Bình Dương phản ánh thì các NH cần xem lại cung cách phục vụ của đội ngũ nhân viên giám sát, nạp tiền vào máy ATM.
Do nhân viên… lười?
Đại diện một chi nhánh NH khác trên địa bàn tỉnh cho biết thêm, mỗi cây ATM đều có hệ thống giám sát khi nào máy hết tiền. Trong vòng 24 giờ, nếu không kịp thời nạp tiền vào máy NH có thể bị xử phạt theo quy định của pháp luật. Thậm chí, trong những ngày nghỉ lễ, lượng giao dịch tăng, các NH phải nạp tiền nhiều lần trong ngày để đáp ứng nhu cầu giao dịch của khách hàng. “Tôi không loại trừ khả năng là do nhân viên lười nên cố tình nạp số tiền mệnh giá lớn. Thay vì để 1 tỷ đồng trong cây ATM, họ có thể làm tăng lên thành 3 - 4 tỷ đồng để thời gian giao dịch tại cây ATM lâu hơn. Điều đáng nói, để nơi chứa tiền của các cây ATM không bị quá tải, các nhân viên này thường bỏ tiền mệnh giá lớn. Từ đó mới xảy ra chuyện khan hiếm tiền lẻ”, vị giám đốc này chia sẻ.
Sự cố nói trên đã gây rất nhiều phiền toái cho khách hàng, nhất là đối tượng công nhân. Chị Mùi, công nhân tại một công ty trong Khu công nghiệp Việt Nam - Singapore I (TX.Thuận An) cho biết, tiền lương hàng tháng lĩnh ra chị phải tính toán chi li cho từng khoản chi nên chị rất cân nhắc khi đi rút tiền. Nếu các máy ATM tiếp tục nạp toàn mệnh giá lớn, buộc chị phải rút tiền mệnh giá lớn, có thể khiến chị không dự trữ đủ tiền chi tiêu trong tháng. Đó là chưa kể đến trường hợp bệnh hoạn, ốm đau, nửa đêm đi rút tiền mà máy không nhả tiền mệnh giá nhỏ thì không biết chuyện gì sẽ xảy ra sau đó.
Theo Nghị định 96/2014/ NĐ-CP của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ, NH sẽ bị phạt từ 10 - 15 triệu đồng nếu máy ATM ngừng hoạt động quá 24 giờ mà không thông báo, không đủ tiền trong ATM đáp ứng nhu cầu của khách hàng. Đây được xem là động thái mạnh tay của Chính phủ để các NH không lơ là với hệ thống máy ATM. Tuy nhiên, Nhà nước cũng cần có thêm quy định cụ thể về mức trữ tiền mệnh giá nhỏ cần thiết để phục vụ nhu cầu của khách hàng, tránh tình trạng người có tiền trong thẻ phải khổ sở khi máy ATM không có tiền lẻ.
XUÂN VĨ