Khai thác tốt lợi thế từ CPTPP

Cập nhật: 16-01-2019 | 06:22:51

Ngày 8-3-2018, Việt Nam cùng 10 nước, gồm Australia, Brunei, Canada, Chile, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru và Singapore chính thức ký kết Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) tại thành phố Santiago, Chile. Đến ngày 30-12-2018, CPTPP chính thức có hiệu lực đối với nhóm 6 nước đầu tiên hoàn tất thủ tục phê chuẩn hiệp định, gồm Mexico, Nhật Bản, Singapore, New Zealand, Canada và Australia.

Đối với Việt Nam, Quốc hội đã thông qua nghị quyết về việc phê chuẩn CPTPP và các văn kiện có liên quan vào ngày 12-11-2018. Theo đó, hiệp định sẽ có hiệu lực đối với Việt Nam từ ngày 14-1-2019.

Đón nhận tin vui này, hầu hết các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đều tỏ ra rất phấn khởi. Ông Trần Thanh Tâm, Giám đốc Công ty Gỗ Thanh Phát, cho biết khi CPTPP có hiệu lực, trước mắt nguồn nguyên liệu gỗ nhập khẩu từ các nước NewZealand, Mexico, Peru... sẽ được hưởng mức thuế suất ưu đãi theo đúng lộ trình. Các thành viên CPTPP tuy không phải là điểm đến của đồ gỗ nước ta nhưng bù lại, thị trường nguyên liệu đến từ các quốc gia này ngày càng có vai trò quan trọng đối với ngành gỗ trong nước.

Ông Vương Siêu Tín, Giám đốc Công ty Phước Dũ Long thì cho hay, CPTPP có hiệu lực, các doanh nghiệp trong nước dễ dàng nhận giấy tờ về nguồn gốc xuất xứ hàng hóa do tự doanh nghiệp kê khai, do vậy sẽ tiết kiệm nhiều thời gian và chi phí. Bên cạnh đó, những năm gần đây ngành gốm sứ trong nước đang hướng tới thị trường Bắc Mỹ. Việc CPTPP có hiệu lực là cơ hội cho nhiều mặt hàng thủ công mỹ nghệ của Bình Dương có thêm thị phần khi được hưởng thuế suất ưu đãi và giảm về 0% theo đúng cam kết của các thành viên CPTPP.

Các chuyên gia còn cho rằng, tham gia CPTPP chính là cách Việt Nam khẳng định vai trò của doanh nghiệp tư nhân trong nền kinh tế thị trường. Một trong những cam kết quan trọng của hiệp định này chính là tạo mọi thuận lợi cho khu vực kinh tế tư nhân phát triển. Thực tế, trong những năm qua, Bình Dương nói riêng và cả nước nói chung, luôn khuyến khích và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp thành lập mới. Chính vì thế, Chính phủ đã đặt mục tiêu đến năm 2020, cả nước có 1 triệu doanh nghiệp.

Có thể thấy, Việt Nam đã nỗ lực chuẩn bị mọi mặt để tận dụng lợi thế CPTPP mang lại. Đây là thời điểm cộng đồng doanh nghiệp trong nước cần nắm bắt cơ hội để góp phần đưa nền kinh tế nước nhà hội nhập thành công với nền kinh tế toàn cầu.

HOÀNG PHONG

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=300
Quay lên trên