Nỗ lực đưa ngành du lịch Bình Dương “cất cánh”Kỳ IV:

Khai thác tốt tiềm năng di tích lịch sử

Cập nhật: 07-03-2017 | 10:39:35

Cùng với các tỉnh, thành phía Nam, Bình Dương là một trong những cái nôi của cách mạng trong những năm kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ cứu nước. Các di tích trên địa bàn tỉnh như Địa đạo Tam giác sắt, Nhà tù Phú Lợi, Chiến khu Đ… đã được ông nhận là di tích lịch sử cách mạng quốc gia. Do đó, việc phát triển du lịch gắn với các điểm di tích lịch sử cách mạng có ý nghĩa hết sức quan trọng, vừa nâng tầm du lịch tỉnh nhà vừa gắn với giáo dục truyền thống.

Điểm đến du lịch về nguồn

Đến nay tỉnh Bình Dương có 12 di tích cấp quốc gia và 41 di tích cấp tỉnh với đầy đủ các loại hình, phong phú và đa dạng về lịch sử, kiến trúc nghệ thuật,  danh lam thắng cảnh, làng nghề truyền thống… đã tạo nên một sắc thái riêng của Bình Dương. Riêng di tích lịch sử cách mạng, toàn tỉnh có 4 di tích cấp quốc gia và 15 di tích cấp tỉnh. Đây là yếu tố thuận lợi, tạo nền tảng vững chắc để Bình Dương  trở thành địa chỉ du lịch hấp dẫn du khách trong và ngoài nước với loại hình du lịch tìm hiểu lịch sử, về nguồn.

Ông Lê Phan Thuần, Phó Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch cho biết, hàng năm các di tích lịch sử cách mạng  trên  địa  bàn  tỉnh  đã thu hút được hàng ngàn lượt khách đến tham quan, học tập và nghiên cứu. Đặc biệt, khu di tích lịch sử Nhà tù Phú Lợi, Địa đạo Tam giác sắt, Sở chỉ huy tiền phương chiến dịch Hồ Chí Minh... đã trở thành nơi giáo dục cách mạng cho thế hệ trẻ tìm hiểu về lịch sử đấu tranh cách mạng của các thế hệ người Việt Nam nói chung và của người dân Bình Dương nói riêng.

Theo Ban quản lý Di tích và Danh thắng tỉnh, trong năm 2016, Bảo tàng tỉnh, Nhà truyền thống và các di tích lịch sử, văn hóa trên địa bàn tỉnh đã đón gần 215.000 lượt khách tham quan. Các địa điểm di tích lịch sử cách mạng có lượng khách tham quan nhiều như Nhà tù Phú Lợi gần 45.600 lượt, Địa đạo Tam giác sắt gần 7.000 lượt, Sở chỉ huy tiền phương chiến dịch Hồ Chí Minh 680 lượt.

Tham quan, tìm hiểu các di tích lịch sử cách mạng là điều kiện thuận lợi để giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ. Trong ảnh: Học sinh tham quan Địa đạo Tam giác sắt. Ảnh: HOÀNG PHẠM

Ông Ngọc Hán (cựu chiếnbinh xã Hưng Hòa, huyện BàuBàng) cho rằng, Bình Dương có rất nhiều di tích lịch sử cách mạng, tại đây đã ghi dấu ấn của quân và dân tỉnh nhà trong công cuộc bảo vệ Tổ quốc. Do đó, việc phát triển du lịch tại các di tích lịch sử cách mạng sẽ góp phần giáo dục truyền thống cũng như góp phần vào phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội tỉnh nhà.

Đổi mới cách làm để phát triển

Qua khảo sát tại một số công ty du lịch ở Bình Dương cho thấy, những năm qua các tour du lịch gắn với các di tích lịch sử cách mạng trên địa bàn tỉnh còn ít, chỉ có một số tour gắn với một số di tích như Nhà tù Phú Lợi, Địa đạo Tam giác sắt, Sở chỉ huy tiền phương chiến dịch Hồ Chí Minh... Trao đổi với phóng viên, đại diện Đất Việt Tour cho biết, hiện công ty chỉ có tour cố định Địa đạo Tam giác sắt - Nhà tù Phú Lợi cho khách tại Bình Dương. Nếu có nhu cầu tham quan các điểm di tích lịch sử cách mạng khác thì công ty mới xây dựng tour theo yêu cầu của khách. Để đẩy mạnh thu hút loại hình du lịch này, Bình Dương đã có nhiều đề án, quy hoạch như Đề án bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị di tích lịch sử - văn hóa và danh lam thắng cảnh tỉnh Bình Dương giai đoạn 2011- 2015 và định hướng đến 2020; Quy hoạch phát triển du lịch Bình Dương đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030... Theo các đề án này, Bình Dương chú trọng kết hợp giữa phát triển du lịch gắn liền với tham quan các di tích, khai thác hiệu quả các di tích lịch sử, giá trị di sản văn hóa, giá trị môi trường sinh thái, bảo đảm phát triển bền vững cả du lịch và môi trường sinh thái.

Ông Thuần cho biết, nhằm tạo thuận lợi cho du khách, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch đã phối hợp với các ngành, địa phương  xây  dựng  kế  hoạch trùng tu, tôn tạo các di tích theo  hướng  khu  du  lịch  về nguồn, sinh thái để giúp cho du khách cũng như người dân tham quan, học tập, vui chơi, giải trí... Cụ thể như Khu di tích cách mạng và du lịch sinh thái  Hố  Lang  (TX.Dĩ  An), Khu di tích Địa đạo Tam giác sắt (TX.Bến Cát), Khu di tích Nhà tù Phú Lợi (TP.Thủ Dầu Một)... Riêng đối với Khu di tích Nhà tù Phú Lợi, hiện đã hoàn thành và đưa vào sử dụng các công trình như nhà chiếu phim, phòng trưng bày, nhà nghỉ chân để phục vụ nhu cầu cho du khách tham quan.

Bên cạnh đó, theo phân cấp quản lý về di tích, các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh đã chủ động xây dựng kế hoạch trùng tu, tôn tạo, xử lý mối mọt và trưng bày hiện vật tại các di tích trên địa bàn như Nhà cổ Đỗ Cao Thứa (TX.Tân Uyên), Đình An Sơn,  Đền  Bình  Nhâm,  Miếu Mộc Tổ, Đình Phú Long (TX.Thuận  An)…  Đối  với  huyện Dầu Tiếng, đã tổ chức trưng bày hiện vật tại Khu di tích lịch sử rừng Kiến An; hoàn thành nhà bia, đền tưởng niệm thanh niên xung phong xã Thanh An và Bia chiến thắng suối Dứa...

Nhằm  tránh  sự  khô  khan trong tham quan, du lịch tại các di tích lịch sử, tới đây Trung tâm Xúc tiến du lịch tỉnh sẽ phối hợp với các đơn vị du lịch, lữ hành trong và ngoài tỉnh thiết kế tour kết hợp giữa những điểm du lịch của tỉnh với các di tích lịch sử cách mạng; thiết kế tour du lịch về nguồn, du lịch trải nghiệm để thế hệ trẻ hiểu được truyền thống đấu tranh của cha ông. 

Thực hiện công tác bảo tồn và nhằm phục vụ tốt hơn cho khách tham quan, trong năm 2016, Ban quản lý Di tích và Danh thắng tỉnh đã bố trí, chăm sóc cây kiểng và xử lý, chống mối mọt các di tích như Nhà tù Phú Lợi, Nhà cổ Trần Văn Hổ, Sở chỉ huy tiền phương Chiến dịch Hồ Chí Minh, chùa Hội Khánh, Địa đạo Tam giác sắt... Bên cạnh đó, Ban quản lý đã phối hợp thực hiện tu bổ, phục hồi di tích Chiến khu Đ, bảo quản trang phục nhóm tượng trưng bày tại Khu di tích lịch sử Nhà tù Phú Lợi, cùng với đó thông qua phương án thiết kế công trình khôi phục hầm bí mật tại di tích lịch sử cách mạng đình An Sơn. Ban quản lý cũng đã khảo sát, tu bổ Mộ ông - đình thần Dinh Ông Ngãi Thắng, hoàn thiện Đề án Quản lý và phát huy giá trị di tích cấp quốc gia khu di tích Địa đạo Tam giác sắt giai đoạn 2016-2020…

Ông  Nguyễn  Viết  Hùng, Giám đốc Công ty TNHH Lữ hành - Tổ chức sự kiện Việt Nam  (Vietnam  Tours-Event) cho  rằng,  để  những  di  tích lịch sử cách mạng đến được với mọi người, bên cạnh việc đầu tư kinh phí trùng tu hàng năm, các bên liên quan cần có những kế hoạch phát triển đúng hướng, đồng thời tuyên truyền sâu rộng và lâu dài bằng nhiều hình thức, phương tiện thông tin  đại  chúng...  Có  như  vậy những di tích lịch sử cách mạng này mới thu hút được du khách. Một điều chắc chắn rằng, nếu được quan tâm đúng mức, các em học sinh đang ngồi trên ghế nhà trường sẽ là đối tượng được hưởng lợi nhiều nhất. Không sách vở nào có thể thay thế bằng những giờ học thực tế tại những nơi này. Và khách du lịch trong và ngoài nước sẽ có cơ hội hiểu rõ thêm về lịch sử hào hùng của cách mạng Việt Nam.

Kỳ cuối: Phát triển ngành du lịch xứng tầm

HOÀNG PHẠM

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=1603
Quay lên trên