Xã Định Hiệp, huyện Dầu Tiếng:

Khi cao su không còn “độc tôn”

Cập nhật: 23-03-2017 | 11:04:37

Xã Định Hiệp, huyện Dầu Tiếng là địa bàn có đất đai bạc màu, kinh tế chủ yếu dựa vào cây cao su. Những năm qua, bên cạnh cây cao su, địa phương đã khuyến khích người dân phát triển chăn nuôi, đa dạng ngành nghề. Nhờ có những bước đi hợp lý, kinh tế của Định Hiệp hàng năm đều đạt mức tăng trưởng khá.

Công nghiệp có điều kiện phát triển

Năm 2016, tốc độ tăng trưởng kinh tế của xã Định Hiệp đạt 12,75%, tổng giá trị sản phẩm trên địa bàn đạt hơn 320 tỷ đồng, thu nhập bình quân đầu người gần 40 triệu đồng. Điều đáng mừng là tỷ trọng ngành công nghiệp - dịch vụ của xã trong năm qua tiếp tục tăng lên, chiếm gần 45% trong cơ cấu kinh tế.

Hiện toàn xã Định Hiệp có hơn 5.600 ha cây công nghiệp, tổng đàn gia cầm gần 60.000 con. Tuy nhiên, thời gian gần đây sự khởi sắc của kinh tế địa phương lại đến từ ngành công nghiệp - dịch vụ, với mức tăng trưởng khá cao trong năm qua: Công nghiệp - xây dựng tăng 19,5%, thương mại - dịch vụ tăng 35,9% so với năm 2015.

Xã Định Hiệp đang nỗ lực phát triển đa dạng các ngành nghề, giảm lệ thuộc vào cây cao su. Trong ảnh: Đường đi qua trung tâm xã Định Hiệp được mở rộng, khang trang

Ông Nguyễn Trọng Nghĩa, Phó Chủ tịch UBND xã Định Hiệp cho biết, nhờ địa phương ở gần Khu công nghiệp Dương Minh Châu (Tây Ninh) và Cụm công nghiệp Thanh An (huyện Dầu Tiếng) nên người dân trong xã có việc làm ổn định, giảm dần lệ thuộc vào nguồn thu từ cây cao su. Hiện trên địa bàn xã mới chỉ có vài doanh nghiệp hoạt động, nếu có thêm nhiều doanh nghiệp về đây đầu tư sẽ giải quyết việc làm ổn định cho nhiều lao động trong xã. Lợi thế của xã Định Hiệp có thể phát triển công nghiệp là nguyên liệu gỗ, mủ cao su, gia súc, gia cầm dồi dào, vì trên địa bàn xã đang có hàng ngàn ha cây công nghiệp và nhiều trang trại chăn nuôi hộ gia đình.

Chị Huỳnh Châu Tới, ở ấp Đồng Trai, xã Định Hiệp cho biết, hiện giá mủ cao su đang lên, người trồng cao su trong xã vì thế đang có thêm thu nhập. Nhưng diễn biến giá mủ thất thường đang làm cho nhiều người lo lắng, vì thế gia đình chị đã nuôi thêm gà, vịt, heo... để có nguồn thu ổn định.

Đa dạng hóa ngành nghề

Theo lãnh đạo xã Định Hiệp, hiện toàn xã còn 25/2.018 hộ nghèo theo tiêu chí của tỉnh. Những hộ này không có nhiều đất để canh tác, chủ yếu làm công nhân cạo mủ cao su. Mặc dù hàng năm xã đã hỗ trợ vốn vay hàng trăm triệu đồng cho các hộ này có thêm nguồn vốn để phát triển kinh tế nhưng về lâu dài địa phương vẫn chưa thể an tâm.

Ghi nhận cho thấy, từ nguồn vốn vay ưu đãi, nhiều gia đình ở xã Định Hiệp đã bắt đầu chuyển hướng sang chăn nuôi. Tuy nhiên, việc tiêu thụ đầu ra cho sản phẩm chăn nuôi của người dân trong xã hiện nay phần lớn vẫn còn lệ thuộc vào thương lái. Để giải quyết tình trạng này, nhiều người dân ở đây cho rằng, xã cần có thêm những lò mổ, doanh nghiệp chuyên phân phối sản phẩm chăn nuôi.

Ông Nghĩa cho biết, nhằm định hướng cho người dân phát triển kinh tế, thời gian qua lãnh đạo, các phòng ban của xã Định Hiệp đã thường xuyên xuống tận ấp cùng bàn với người dân trồng cây gì, nuôi con gì phù hợp với thổ nhưỡng và điều kiện tự nhiên của địa phương. Mục tiêu của xã là giảm dần tỷ trọng nông nghiệp trong cơ cấu kinh tế. Địa phương đang vận động người dân duy trì diện tích cây cao su hiện có và kết hợp đầu tư mở rộng qui mô chăn nuôi. Cùng với đó, xã tiếp tục kêu gọi các doanh nghiệp đến đầu tư làm ăn, qua đó tạo điều kiện cho kinh tế của địa phương phát triển mạnh, ổn định và nâng cao thu nhập của người dân.

  XUÂN VĨ

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=408
Quay lên trên