Không an phận với đồng lương của một công nhân cao su, anh Nguyễn Văn Bình, ấp Rạch Bắp, xã An Tây, huyện Bến Cát đã dày công nghiên cứu và thực hành để cho ra đời một mô hình tăng gia sản xuất khá thành công từ nuôi rắn giống và thịt. Tuy mô hình chưa đạt quy mô là trang trại, nhưng hiện đã đem lại cho gia đình anh Bình nguồn lợi tương đối khá.
Anh Bình đang kiểm tra con rắn hổ vện giống của gia đình
Ghi nhật ký cho rắn
Chia sẻ về khoảng thời gian tạo dựng mô hình nuôi rắn cách đây hơn 3 năm, anh Bình cho biết thời gian đầu cũng khá vất vả bởi anh chưa hiểu biết gì về cách chăm sóc con rắn. Để có kinh nghiệm, bên cạnh thực hành nuôi rắn, quan sát thói quen của chúng, anh Bình còn tham gia vào câu lạc bộ những người nuôi rắn trong vùng. Gọi là câu lạc bộ nhưng thỉnh thoảng mọi người mới gặp nhau để trao đổi chứ không có quy chế hay nội quy gì cả.
Để tích lũy được những kinh nghiệm quý, anh Bình đã nghĩ ra cách ghi nhật ký cho rắn. Đây là cơ sở để anh chia sẻ kinh nghiệm với mọi người và nắm bắt quy luật cũng như quá trình sinh trưởng của loài rắn hổ vện, từ đó đúc kết cách chăm sóc rắn tốt nhất. Chẳng hạn, khi thấy rắn thay đổi màu da, độ bóng của da thì đó là dấu hiệu của bệnh, nên phải tách ra khỏi đàn để phòng ngừa lây lan. Hoặc để tạo môi trường khi ấp trứng thì phải trộn đất pha cát, giữ độ ẩm khoảng 20% thì rắn mới nở đều. Không những thế, anh còn thiết kế chuồng có bánh xe để đẩy rắn ra ngoài phơi nắng vào buổi sáng, góp phần tăng sức đề kháng cho rắn... Theo anh Bình, ngoài thức ăn đầy đủ hàng ngày, rắn còn cần một môi trường sạch sẽ, thông thoáng và đủ độ ẩm. Những kinh nghiệm quý báu nói trên ngoài học hỏi từ bạn bè ở câu lạc bộ, anh còn tự đúc rút từ việc ghi nhật ký cho rắn.
Rắn “đẻ” ra tiền
Đối với rắn thịt, anh Bình cho biết thời điểm giá tốt vào khoảng 1,1 triệu đồng/kg, còn hiện nay có giảm nhưng cũng ở mức khoảng 700.000 đồng/kg (loại 1,6kg trở lên). Tuy nhiên, khi giá rắn thịt xuống thấp thì anh Bình chuyển rắn thịt thành rắn đẻ để bù lại, bởi giá rắn con rất cao, khoảng 250 - 300 ngàn đồng/con. Mỗi năm rắn đẻ 3 lứa, mỗi lứa 1 rắn nái trung bình đẻ 15 trứng. Hiện anh Bình đang nuôi khoảng 20 con rắn nái, bình quân mỗi năm thu về khoảng trăm triệu đồng lợi nhuận sau khi đã trừ hết các chi phí. Đó là một khoản tiền không nhỏ đối với một gia đình công nhân, hơn nữa đây là mô hình tăng gia sản xuất chứ không là nghề chính của cả gia đình anh Bình. Để giảm bớt chi phí trong quá trình nuôi rắn, nhất là thức ăn, anh Bình còn xây bể nuôi ếch và cá tra. Khi có cá chết thì anh sử dụng làm thức ăn cho ếch, rồi dùng ếch làm thức ăn cho rắn, vừa không mất tiền mua thức ăn cho ếch, vừa có thêm nguồn thức ăn dự trữ cho rắn.
Từ một gia đình 2 vợ chồng đều là công nhân cao su, nay gia đình anh Bình đã có thêm nguồn thu ổn định từ việc nuôi rắn. Trong thời gian tới, anh Bình dự tính sẽ tập trung kinh doanh gỗ bao bì và sắp xếp thời gian để chăm sóc trại rắn của gia đình lúc rảnh rỗi.
T.ĐỒNG