Ðể triển khai hiệu quả dịch vụ công trực tuyến, thời gian qua, lãnh đạo Kho bạc Nhà nước (KBNN) Bình Dương đã có nhiều cố gắng, nỗ lực trong công tác chỉ đạo, ban hành nhiều văn bản yêu cầu các cơ quan, đơn vị trong tỉnh triển khai hiệu quả ứng dụng dịch vụ công trực tuyến (DVCTT) để tiết kiệm thời gian, chi phí trong quá trình thực hiện các loại hồ sơ liên quan đến ngành kho bạc.
Cán bộ công chức Kho bạc Nhà nước Bình Dương niềm nở giao dịch với khách hàng
Toàn tỉnh có 798 đơn vị sử dụng DVCTT
KBNN Bình Dương cho biết tính đến ngày 31-10, DVCTT của KBNN Bình Dương triển khai trên địa bàn tỉnh có 4 dịch vụ công đạt mức độ 3, mức độ 4. Cụ thể có 2 dịch vụ công đạt mức độ 3, 2 dịch vụ công mức độ 4. Nếu như năm 2018, toàn tỉnh chỉ có 3 đơn vị sử dụng DVCTT thì đến nay, đã có 798/886 đơn vị tham gia DVCTT, đạt tỷ lệ 90%. Tổng cộng có 63.612 hồ sơ yêu cầu thanh toán giao dịch thực hiện qua hệ thống DVCTT. Đây là con số tăng nhanh ngoài mong đợi của KBNN Bình Dương, đáp ứng yêu hội nhập và phát triển của tỉnh, phù hợp với yêu cầu chỉ đạo chung của ngành, của Chính phủ trong việc tiến tới chính quyền điện tử, giao dịch điện tử, giảm giấy tờ, thời gian đi lại cho các cơ quan, đơn vị sử dụng ngân sách.
Từ tháng 10-2019, KBNN Bình Dương đã tiếp tục triển khai ứng dụng trên thiết bị điện thoại di động thông minh (smartphone), cung cấp dịch vụ truy vấn số dư tài khoản, giúp chủ tài khoản của các đơn vị sử dụng ngân sách kiểm tra được nguồn kinh phí của đơn vị mình. Đây cũng là thành công của KBNN Bình Dương trong việc ứng dụng công nghệ thông tin vào các giao dịch điện tử đối với các đơn vị sử dụng ngân sách Nhà nước trên địa bàn tỉnh. Kết quả này là cả một quá trình chuẩn bị của KBNN Bình Dương trong việc chỉ đạo, ban hành nhiều văn bản gửi đến các cơ quan, đơn vị sử dụng ngân sách trên địa bàn tỉnh yêu cầu hợp tác thực hiện. Cùng với đó, UBND tỉnh đã có nhiều văn bản liên tục tập trung chỉ đạo cho các đơn vị sử dụng ngân sách trên địa bàn tích cực tham gia DVCTT. Mới nhất là Công văn 5066/UBND-KT ngày 7-10- 2019 của UBND tỉnh chỉ đạo về việc đẩy mạnh tham gia DVCTT KBNN.
Tiến tới giao dịch không giấy
Kế hoạch từ nay đến cuối năm 2019, KBNN Bình Dương tiếp tục tập trung triển khai hoàn thành kế hoạch 100% các thủ tục hành chính KBNN được thực hiện trên DVCTT mức độ 4; 100% các đơn vị sử dụng ngân sách (ĐVSDNS) có giao dịch với KBNN cấp tỉnh, KBNN thị xã, thành phố thuộc tỉnh tham gia DVCTT mức độ 4. Đến năm 2020, 100% các ĐVSDNS có giao dịch với KBNN cấp huyện trực thuộc tham gia sử dụng DVCTT. Để đạt kế hoạch này, KBNN Bình Dương đang tích cực tuyên truyền và tập trung triển khai cho các đơn vị giao dịch tại KBNN cấp tỉnh. Các KBNN cấp huyện, thị, thành phố cũng đang tập trung triển khai và chủ động tuyên truyền thực hiện trong nội bộ, các cơ quan có sử dụng ngân sách. Cùng với đó là tổ chức tập huấn, hướng dẫn đăng ký sử dụng DVCTT, nhập số liệu, chứng từ thanh toán trên Cổng thông tin điện tử và giải đáp các thắc mắc có liên quan. Cụ thể tại KBNN Thuận An, Bến Cát, Tân Uyên, Dĩ An đến nay đã có 100% ĐVSDNS đăng ký tham gia DVCTT.
Việc sử dụng dịch vụ công với hình thức trực tuyến là xu thế tất yếu cho công cuộc cải cách thủ tục hành chính, đáp ứng yêu cầu xây dựng Chính phủ điện tử, chính quyền điện tử, mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho ngành kho bạc cũng như cho các đơn vị sử dụng ngân sách. Vì vậy, trong thời gian tới, các đơn vị sử dụng ngân sách còn lại của tỉnh chưa đăng ký DVCTT cần khẩn trương đăng ký sử dụng dịch vụ này, góp phần cùng với KBNN tiến tới các giao dịch không giấy tờ, góp phần tăng tính minh bạch trong việc kiểm soát hồ sơ thanh toán. Đây cũng là điều kiện tiên quyết quan trọng để ngành kho bạc hiện đại hóa thành công công tác kiểm soát chi ngân sách Nhà nước của hệ thống KBNN, bảo đảm đơn giản, rõ ràng, minh bạch về hồ sơ, chứng từ, nội dung kiểm soát, tiến tới thực hiện quy trình kiểm soát chi điện tử, không giấy.
HỒ VĂN