Khởi nghiệp - hãy bắt đầu từ lòng đam mê

Cập nhật: 18-01-2018 | 07:43:59

Nhìn lại những tấm gương thành công của các doanh nhân trên thương trường hiện nay cho thấy, con đường khởi nghiệp của họ cũng bình thường như bao doanh nhân khác, nếu không muốn nói là quá khó khăn, vất vả. Họ chỉ khác ở chỗ là dám chấp nhận khó khăn để vượt qua bằng cả lòng đam mê cháy bỏng, và hơn thế nữa là sức hấp dẫn khách hàng, cách thu hút, trọng dụng người tài giỏi.

 Lập nghiệp - khởi nghiệp

Nói về bước đường lập nghiệp, khởi nghiệp của mình, hầu hết các doanh nhân thành đạt đều cho biết ban đầu chỉ là ước mơ lập nghiệp để có công việc, sự nghiệp như bao người khác. Với lòng đam mê, danh dự và dám thử thách bản thân, đã mở ra cơ hội cho họ khởi nghiệp.

Phía sau vinh quang của doanh nhân là sự chấp nhận khó khăn để cùng tìm cách vượt qua. Trong ảnh: Lãnh đạo tỉnh tuyên dương khen thưởng doanh nhân xuất sắc tỉnh Bình Dương năm 2017, tại buổi họp mặt kỷ niệm Ngày Doanh nhân Việt Nam 13-10. Ảnh: DUY CHÍ

Doanh nhân Lý Ngọc Bạch, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Gốm sứ Cường Phát thẳng thắn cho biết: “Muốn lập nghiệp, khởi nghiệp thành công, muốn làm giàu bền vững, tôi đã đối xử rất tệ với bản thân mình”. Ông chia sẻ, để có cơ nghiệp vững chắc như hôm nay ông đã đánh đổi cả tuổi trẻ và chấp nhận gian khổ để vượt qua. Đó là lúc ông làm cơ sở gốm sứ của gia đình, sản phẩm làm ra phải trông chờ thương lái đến mua. Hàng của mình mà mình phải hỏi thương lái “Mua cái này của tôi giá bao nhiêu, bao giờ trả tiền?”. Muốn vượt qua những bấp bênh, thử thách đó, gia đình phải mở công ty để chủ động trong mua bán. Vậy là người ta làm việc một, ông chủ phải làm gấp 5 lần. Từ chạy mua vật tư, tổ chức sản xuất, bán hàng đến quét dọn, lau rửa đồ nghề của thợ sau khi xong việc. “Đừng nghĩ ông chủ đi làm những việc như vậy là tệ. Mà hãy coi đây là thông tin để có cách quản trị, cách tổ chức quản lý. Nếu chỉ dựa trên báo cáo, tôi chỉ biết có một nửa công việc mà thôi”, ông Bạch tâm tình.

Chia sẻ về kinh nghiệm khởi nghiệp, ông Nguyễn Thanh Trung, Chủ tịch Hội đồng quản trị - Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Tôn Đông Á đưa ra so sánh: Khởi nghiệp khó và nặng gấp nhiều lần so với quản trị doanh nghiệp, bởi vì khi khởi nghiệp, doanh nghiệp vừa thiếu vốn vừa không có thương hiệu, không có thị trường, không có đội ngũ giúp việc lành nghề. Ông chủ phải tham gia và có mặt tại tất cả các khâu, từ mua vật tư, tổ chức sản xuất, tiếp khách, bán hàng đến hoạch định và thực thi chiến lược... Từ những trải nghiệm thực tế của buổi đầu lập nghiệp, cộng với tầm nhìn, phương pháp tổ chức quản trị hợp lý sẽ tạo nền tảng vững chắc cho chuỗi khởi nghiệp thành công.

Cần gì trước tiên để khởi nghiệp?

Trả lời câu hỏi này của phóng viên, Giáo sư Phạm Thanh Thu, trường Đại học Kinh tế TP.Hồ Chí Minh, thỉnh giảng tại trường Đại học Bình Dương nói ngay, ai cũng nghĩ khởi nghiệp phải cần nhiều vốn. Lo lắng này là đúng, nhưng chưa đầy đủ. Nếu bạn muốn lập nghiệp thì cần vốn là đúng, còn muốn khởi nghiệp trước tiên bạn phải có “nghề”, tiếp đến là lòng đam mê sự nghiệp kinh doanh. Hiện tại, có nhiều tổ chức, quỹ hỗ trợ cần tìm kiếm những ứng viên có nghề, có lòng đam mê, có đề án, phương án rõ ràng, khả thi với đầy đủ giải pháp “tiến - lùi” trong khởi nghiệp doanh nghiệp. Điều cần nhất ở các bạn trẻ là lòng đam mê, sự tự tin trong công việc.

Bằng trải nghiệm thực tế của bản thân, ông Nguyễn Thanh Trung chia sẻ, vấn đề cốt lõi của sự nghiệp kinh doanh, chương trình khởi nghiệp vẫn là đầu ra của sản phẩm, là thị trường. Khi chưa có thị trường, chúng ta tìm mọi cách để tiếp cận, quảng bá, giới thiệu, cam kết chất lượng. Nhưng khi thị trường mở ra, chúng ta lại tiếp tục tiếp nhận, xử lý các áp lực dồn dập như: Thị trường rộng lớn hơn thì chất lượng hàng hóa phải tốt đẹp hơn và phải làm gì trước yêu cầu thị trường đã đón nhận chúng ta? Nếu thiếu lòng đam mê, chúng ta chỉ dừng lại ở mức lập nghiệp và sự nghiệp sẽ nhỏ dần theo thời gian do không đủ năng lượng. Nhưng với lòng đam mê, chúng ta sẽ thấy tiếp cơ hội phía trước để tiếp tục chuỗi khởi nghiệp của mình. Bước tiếp chặng đường này, nhà doanh nghiệp không còn đặt lợi ích của bản thân vào công việc mà hoàn toàn vì sự phát triển của doanh nghiệp và những đóng góp cho cộng đồng, xã hội.

Doanh nhân Lý Ngọc Bạch đúc kết, dù công nghệ, máy móc có hiện đại, tiên tiến đến đâu cũng đều phải cần có con người. Công nghệ, máy móc tốt cần có người thật tốt để vận hành sẽ giúp doanh nghiệp phát triển bền vững, sự nghiệp khởi nghiệp sẽ thành công.

DUY CHÍ 

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=997
Quay lên trên