Khởi nghiệp từ những mùa hoa

Cập nhật: 22-01-2018 | 22:41:34

Với niềm đam mê, nhiệt huyết và mong muốn tự chủ trong lao động, nhiều bạn trẻ trong tỉnh đã mạnh dạn khởi nghiệp bằng mô hình trồng hoa lan. Những màu sắc của hoa, của cây và lá là một biểu trưng cho khát vọng vươn lên của những nhà nông trẻ, mang đến cho đời những sắc màu tươi đẹp…

 Muốn lập vườn phải có vốn

Anh Nguyễn Hiền Nhơn (phường Thuận Giao, TX.Thuận An), một tấm gương người trẻ khởi nghiệp thành công với mô hình trồng hoa lan chia sẻ kinh nghiệm rằng, muốn lập vườn phải có vốn và chuẩn bị tốt về kỹ thuật. Khi còn là sinh viên khoa công nghệ sinh học trường Đại học Kỹ thuật công nghệ TP.Hồ Chí Minh, anh Nhơn đã có sở thích trồng lan làm kinh tế. Ra trường, anh dự tính bắt tay vào thực hiện mô hình nhưng chưa có vốn và không kinh nghiệm nên đành gác lại điều đã ấp ủ bấy lâu… Năm 2013, nắm bắt nhu cầu thị trường hoa lan Việt Nam có tiềm năng phát triển, anh Nhơn đã từ bỏ công việc với mức lương hơn 10 triệu đồng/tháng tại một công ty để tự lập vườn lan Mokara cắt cành có diện tích khoảng 1.500m2. Mặc dù số lượng khá nhiều với 6.000 cây giống, nhưng nhờ kinh nghiệm thực tiễn đã trồng thử cộng thêm kiến thức từ ngành học chuyên môn giúp anh Nhơn vững vàng với quyết định đã chọn. Bên cạnh đó, phát huy sự năng động của tuổi trẻ, anh Nhơn nhanh chóng học hỏi kinh nghiệm thực tế tại các chủ vườn lan trong và ngoài tỉnh; nhạy bén áp dụng khoa học kỹ thuật nên cây lan phát triển tốt và cho thu nhập ổn định sau một năm lập vườn.

 Anh Nguyễn Hiền Nhơn đã thực hiện thành công mô hình vườn lan mokara cắt cành. Hiện tại, vườn lan Hiền Nhơn của anh cho thu nhập hàng tháng từ 10 - 14 triệu đồng. Ảnh: K.TUYẾN

Theo anh Nhơn thì điều kiện cơ bản của vườn lan là chọn giống vừa tốt, vừa đáp ứng thị trường, có kỹ thuật chăm sóc phù hợp. Đối với thiết kế khung vườn cần chọn địa điểm có đủ ánh sáng, độ thông thoáng và gió. Cây lan cũng cần nguồn nước không nhiễm phèn có độ PH bảo đảm và khi trồng theo luống phải có lỗ thoáng nước. Trong quá trình chăm sóc, bón phân cho cây phải hợp lý về số lần, loại phân và thuốc để cây phòng trừ sâu bệnh, phát triển tốt. Xung quanh vườn lan, anh Nhơn trồng xen các loại cây lá màu như trúc đá, đinh lăng, phát tài… để cung cấp đa dạng cho thị trường. Hiện tại, vườn lan Hiền Nhơn của anh cắt cành 2 đến 3 lần/tuần, đạt khoảng 2.000 cành, cho thu nhập hàng tháng từ 10 - 14 triệu đồng.

Qua quá trình nghiên cứu và học tập các mô hình chuyển đổi cây trồng phù hợp với tình hình phát triển của địa phương, anh Nhơn còn phát triển lan trồng chậu để phục vụ thị trường tết. Song song với phát triển vườn lan, anh Nhơn còn lập được vườn mai khoảng hơn 100 gốc. Anh vừa trồng, ghép và kinh doanh dịch vụ cho thuê, chăm sóc mai, bán mai. Anh Nhơn cho biết: “Đa số cây mai được mua về là mai nguyên thủy. Sau đó ghép cành - loại có hoa to đẹp và nhiều cánh. Cây mai được tăng, giảm lượng đạm đúng thời điểm, cắt tỉa, thay phân thay đất và tăng lượng đạm sau tết. Tạo dựng vườn mai được một năm có thể bán ra thị trường”. Từ vườn mai và lan, mỗi mùa tết anh Nhơn có thể thu nhập khoảng hơn 100 triệu đồng. Có kinh nghiệm, sự chuẩn bị đầu tư về kỹ thuật, với niềm đam mê, xác định thị trường rõ ràng và chịu khó, anh Nhơn đã thành công mô hình trồng hoa lan và mai, sẵn sàng những bông hoa đẹp góp chút xuân trong Tết Nguyên đán 2018.

Lúc thất bại đừng nản chí

Cũng khởi nghiệp từ hoa, anh Nguyễn Hoàng Việt (xã Thường Tân, huyện Bắc Tân Uyên) cho rằng lúc thất bại đừng nản chí. Anh Việt tốt nghiệp khóa y sĩ trường Cao đẳng Y tế Đồng Nai năm 2011, sau đó về công tác tại địa phương. Cuối năm 2012, anh Việt bắt đầu mô hình trồng lan chỉ chừng 30m2 với giàn đơn sơ và nhỏ có chi phí 15 triệu đồng. Vườn của anh lúc đó có các loại lan rừng và lan rừng được nuôi cấy công nghiệp như thủy tiên vuông, mành trúc, hải yến, hoàng lạp, giáng hương, sóc lào, denro, moraka... Khi mới khởi nghiệp do chưa có nhiều kinh nghiệm về loại lan rừng nên anh Việt đã gặp không ít khó khăn. Anh Việt kể: “Tháng 7-2013, mưa bão nhiều, giàn lan sơ sài nên bị sập, tôi lại không có kinh nghiệm sử dụng thuốc ngừa bệnh và lựa chọn giá thể trồng lan. Mùa mưa năm đó thiệt hại hơn 10 triệu đồng; giàn lan còn trơ lại khung sắt và ít lan bệnh còi cọc. Không bỏ cuộc, tôi đầu tư mua những loại lan công nghiệp ở các vườn khoảng 10 triệu đồng. Lần này tiếp tục gặp thất bại vì mua lan giá rẻ, cây lan suy yếu, mang theo mầm bệnh, không phân thuốc được như vườn chuyên nghiệp nên 1/3 số lan bị chết. Trong khi đó, những giò lan rừng được trồng lay lắt ít phân thuốc và treo bơ vơ lại phát triển xanh tốt. Thấy vậy, tôi bắt đầu nghiên cứu kỹ hơn đặc tính loại lan rừng. Năm 2014, tôi quyết định tập trung vào trồng các loại lan rừng, rồi tự thiết kế và thi công lại vườn”.

 Nhờ sự nỗ lực, chịu khó học hỏi và siêng năng lao động, anh Nguyễn Hoàng Việt đã làm nên nền tảng vững chắc cho vườn lan rừng. Ảnh: K.TUYẾN

Vườn lan rừng ban đầu chỉ có rễ và lá, nhưng anh Việt đã kiên nhẫn chờ đợi. Mỗi một mầm xanh vươn ra là một niềm hy vọng làm anh không nản chí khi gặp thất bại. Cứ thế, những cây lan còn sống sót lại phát triển và tạo động lực cho anh tiếp tục lập vườn. Xác định thị trường lan rừng ngày càng được nhiều người ưa chuộng, qua mối quan hệ bạn bè, anh Việt đã đi nhiều nơi để tìm những loại lan rừng về trồng; đồng thời nhập số lượng lớn, mỗi chuyến từ 20 - 50kg. Sau khi mua lan về, anh Việt chọn cây tốt để bán lẻ còn cây xấu để trồng.

Vươn lên từ những lần thất bại, hiện tại anh Việt có được diện tích 264m2 lan rừng với khoảng 10 loại như phi điệp tím, trầm rừng, ngọc điểm, đuôi cáo, long tu… Mô hình lan rừng của anh Việt cho thu nhập trung bình từ 60 - 70 triệu đồng/năm.

 K.TUYẾN

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên