Trong bối cảnh chính sách tiền tệ được thắt chặt để chống lạm phát, “van” tín dụng cho lĩnh vực phi sản xuất gặp khó khăn, nhiều ngân hàng thương mại đang đẩy mạnh cho vay khu vực nông nghiệp - nông thôn. Cơ quan quản lý và điều hành chính sách – Ngân hàng Nhà nước, cũng liên tục phát đi các thông điệp khuyến khích các ngân hàng đẩy mạnh tín dụng cho nông nghiệp - nông thôn, xem đây là định hướng chính sách tín dụng ưu tiên hàng đầu trong năm 2012.
Nhiều tiềm năng
Hiện nay, Agribank vẫn là ngân hàng chủ đạo trong cho vay khu vực nông nghiệp - nông thôn. Trong 10 tháng đầu năm 2011, Agribank đã thực hiện các giải pháp mở rộng đầu tư phục vụ sản xuất kinh doanh, tập trung cho vay nông nghiệp, nông thôn, giảm dư nợ cho vay lĩnh vực phi sản xuất, giảm lãi suất cho vay đối với lĩnh vực sản xuất từ 2%-4%/năm. Tính đến 31-10-2011, dư nợ cho vay nông nghiệp - nông thôn tăng 28.583 tỷ đồng, tăng 13% so cuối năm 2010.
Theo TS Nguyễn Ngọc Bảo, Chủ tịch Hội đồng thành viên Agribank, trong 2 tháng cuối năm 2011 (gối một phần sang quý 1-2012), hàng loạt các biện pháp đã được đề ra để thúc đẩy tăng trưởng tín dụng của Agribank khoảng 5%, hầu hết là tăng vốn cho vay nông nghiệp - nông thôn. Ông Bảo cũng cho biết, mục tiêu trong năm 2012 của nhà băng này là đưa tỷ trọng cho vay khu vực nông thôn lên 80%, thay vì 67% như hiện tại.
“Ngân hàng Nhà nước khuyến khích tất cả các ngân hàng tập trung đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp - nông thôn; quy định tất cả các tổ chức tín dụng phải có ít nhất dư nợ tương ứng với khoảng 20% tổng dư nợ của mình để phục vụ lĩnh vực này. Ngân hàng nào không có điều kiện, có thể chuyển số vốn tương ứng về cho Agribank để cho vay lĩnh vực nông nghiệp - nông thôn”
Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình
Không chỉ Agribank, nhiều ngân hàng khác cũng đang triển khai nhiều giải pháp để khơi thông nguồn tín dụng cho nông nghiệp - nông thôn. Trên cơ sở kết hợp tối đa các nguồn vốn, một số ngân hàng đã có chính sách lãi suất ưu đãi thấp hơn từ 1%-2%/năm so với cho vay lĩnh vực khác. Trong khối ngân hàng cổ phần, tính đến thời điểm này LienVietPostBank đã cho vay khu vực nông nghiệp - nông thôn hơn 4.000 tỷ đồng, chiếm khoảng 40% dư nợ tín dụng của ngân hàng này.
TS Nguyễn Đức Hưởng, Phó Chủ tịch Thường trực HĐQT LienVietPostBank cho biết, cho vay nông thôn là phương thức “cho vay tay phải thu nợ tay trái”. Theo đó, ngân hàng là trung gian giữa nông dân với doanh nghiệp, cho nông dân vay và thu nợ doanh nghiệp vì nông dân bán sản phẩm cho doanh nghiệp.
Hơn nữa cho vay nông nghiệp có độ rủi ro thấp, vì các món cho vay thường nhỏ và không tập trung. Ông Lê Đức Thọ, Phó Tổng Giám đốc VietinBank cũng chia sẻ, trong bối cảnh chính sách tiền tệ thắt chặt như hiện nay, khách hàng nông nghiệp là một kênh khá an toàn, ổn định, đồng thời đúng chủ trương của nhà nước, dù lợi nhuận không bằng cho vay phi sản xuất.
Ưu tiên hàng đầu năm 2012
Theo Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình, nông nghiệp - nông thôn sẽ là lĩnh vực ưu tiên hàng đầu trong chính sách tín dụng của Ngân hàng Nhà nước năm 2012. Trên cơ sở các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội đã được Quốc hội thông qua, Ngân hàng Nhà nước đặt kế hoạch tăng trưởng tín dụng của hệ thống ngân hàng năm 2012 sẽ ở mức 15%-17%.
Ngoài ưu tiên cho lĩnh vực phát triển nông nghiệp - nông thôn, nguồn tín dụng ngân hàng sẽ được hướng vào lĩnh vực xuất khẩu, công nghiệp phụ trợ, cho vay các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Ngân hàng Nhà nước sẽ có quy định cụ thể hơn trong vấn đề cho vay đối với lĩnh vực phi sản xuất và các lĩnh vực không khuyến khích; xem xét lại nhu cầu vốn cho vay mua nhà ở của những người dân có thu nhập trung bình, thu nhập thấp, cũng như vay vốn để xây dựng các nhà an sinh xã hội ở thành thị cũng như ở các khu công nghiệp.
Thống đốc Nguyễn Văn Bình cho biết, để giúp hệ thống ngân hàng có thể giảm lãi suất cho vay trong lĩnh vực nông nghiệp - nông thôn, một mặt các ngân hàng thương mại phải tính toán dành vốn và chi phí nghiệp vụ thỏa đáng cho mục tiêu này để hạ dần lãi suất cho vay, một mặt Ngân hàng Nhà nước sẽ có những chính sách phù hợp, ví dụ đối với các ngân hàng hoạt động tích cực, có dư nợ lớn ở lĩnh vực nông nghiệp - nông thôn và các đối tượng cần hỗ trợ, Ngân hàng Nhà nước có thể có ưu tiên về mức dự trữ bắt buộc, hoặc sẽ dành một phần tiền cung ứng cho tái cấp vốn để các tổ chức tín dụng cho vay nông nghiệp - nông thôn. Ngân hàng Nhà nước sẽ lấy Agribank làm trụ cột, đồng thời giao nhiệm vụ cho ngân hàng này phải có dư nợ tín dụng trong lĩnh vực nông nghiệp - nông thôn của năm 2012 chiếm 75%-80% tổng dư nợ.
Theo SGGP