Khơi thông tiềm năng sau 20 năm quan hệ ngoại giao Việt Nam - Hoa Kỳ - Kỳ 2

Cập nhật: 08-07-2015 | 08:50:45

 Kỳ 2: Những đơn hàng vượt đại dương

Đằng sau những đơn hàng triệu đô la Mỹ của Hợp tác xã (HTX) mây tre lá Ba Nhất (phường Uyên Hưng, TX.Tân Uyên) xuất sang Mỹ là những câu chuyện đầy cảm động trong mối quan hệ ngoại giao giữa hai nước Việt Nam - Hoa Kỳ.

 Gian nan thâm nhập thị trường Mỹ

Năm 1977, bà Nguyễn Thị Cúc thành lập HTX mây tre lá Ba Nhất để giúp người nghèo, trẻ em mồ côi vượt qua hoàn cảnh khó khăn. Tuy nhiên, trong một thời gian dài HTX hoạt động rất khó khăn, chủ yếu làm hàng mỹ nghệ xuất khẩu sang các nước Đông Âu. Đến những năm 90, Thủ tướng Chính phủ ra Chỉ thị 16 cho giải thể HTX các cấp. Sau quyết định này 60 triệu đồng tiền vốn của HTX không được hoàn trả, 18 triệu đồng tiền sản phẩm nằm kho không có nơi tiêu thụ, vài tháng đã ẩm mốc phải đem đi đốt bỏ.

Không chịu cảnh ngồi yên nhìn HTX lao xuống dốc, bà Cúc đi đến quyết định bán căn nhà đang ở để tìm hướng đi mới. “Lúc đó liều lắm chứ, bán căn nhà lấy 80 triệu đồng để tìm đầu ra cho HTX nhưng chồng con lại phải đi thuê trọ để ở. Biết làm sao được, tui không thể bỏ nghề vì còn nhiều người sống dựa vào mình”, bà Cúc chia sẻ. Với số tiền này, bà tìm cách đi nước ngoài để tìm thị trường. Đó là một chuyến đi đầy mạo hiểm và bà phải dùng rất nhiều mối quan hệ để có thể lên được máy bay.

Sự thành công của HTX Ba Nhất là một minh chứng sinh động cho mối quan hệ tốt đẹp giữa Việt Nam - Hoa Kỳ trong suốt 20 năm qua. Trong ảnh: Bà Nguyễn Thị Cúc hướng dẫn xã viên kỹ thuật đan giỏ bằng cói để xuất khẩu sang Hoa Kỳ. Ảnh: K.VINH

Tháng 10-1990, nhờ một người quen, bà Cúc lấy danh nghĩa là nhân viên Công ty Tiểu thủ công nghiệp Vũng Tàu để đi Liên Xô. Sang được Liên Xô, bà Cúc mới bắt đầu quá cảnh sang Philippines và Trung Quốc học hỏi cách làm của họ rồi sang các nước châu Âu để tìm hiểu thị trường. Cũng từ đó bà bắt đầu có những khái niệm mới mẻ nhưng đầy hấp dẫn về thị trường Mỹ. Bà nghĩ, sẽ có một ngày nào đó sản phẩm thủ công mỹ nghệ Việt Nam phải thâm nhập thị trường đầy tiềm năng này, đàng hoàng cạnh tranh với các nước khác.

Đến năm 1993, nhận thấy đã đến lúc có thể phát triển mạnh mẽ bà Cúc quyết định lấy 2 ha đất nông nghiệp của gia đình ở thị trấn Uyên Hưng (nay là phường Uyên Hưng, TX.Tân Uyên) làm nhà xưởng. Từ đó, lượng hàng làm ra nhiều hơn và bà tiếp tục tìm cách… xuất ngoại sản phẩm. Những đơn hàng từ nước ngoài liên tục đưa về trong nước khiến bà Cúc thêm quyết tâm tìm cách thâm nhập thị trường Mỹ.

Dù ở thời điểm đó, những thông tin về thị trường Mỹ nói riêng và các giao dịch giữa hai nước nói chung là rất hiếm hoi nhưng thông qua một số mối quan hệ riêng, sản phẩm mây tre lá mỹ nghệ của HTX Ba Nhất vẫn được bày bán tại Mỹ. Đây là một điều vô cùng khó khăn trong điều kiện giao thương giữa hai nước ở thời điểm trước năm 1995 còn nhiều trở ngại. Để làm được điều này, bà Cúc đã phải lặn lội tìm hướng đi. Không bán hàng trực tiếp được vào thị trường Mỹ, HTX Ba Nhất tìm cách xuất hàng hóa quá cảnh sang Canada hoặc Hà Lan rồi thông qua các công ty thương mại tại đây nhập vào thị trường Mỹ.

Nhận thấy hàng của mình tốt và có thể cạnh tranh được ở thị trường giàu tiềm năng này, bà Cúc quyết định bằng mọi giá phải bán hàng trực tiếp sang thị trường giàu tiềm năng này. Thuận lợi là từ ngày 11-7-1995, Tổng thống Mỹ B.Clinton và Thủ tướng Việt Nam Võ Văn Kiệt tuyên bố bình thường hóa quan hệ ngoại giao giữa hai nước, gác lại quá khứ và mở ra một chương mới trong lịch sử hai nước. Từ đây, cơ hội cho những đơn vị làm ăn kinh tế như HTX Ba Nhất vào thị trường Mỹ đã được mở ra một cách vững vàng.

Từ bức thư đặc biệt

Đến tháng 11-2000, Việt Nam chào đón sự kiện rất đặc biệt là Tổng thống Mỹ B.Clinton và phu nhân chính thức sang thăm Việt Nam. Biết đây là cơ hội rất lớn để đưa sản phẩm của mình chiếm lĩnh thị trường Mỹ, bà Cúc gác lại mọi công việc ở HTX mua vé máy bay đi Hà Nội. Ra đến Hà Nội, chưa kịp nghỉ ngơi gì bà Cúc soạn một lá thư bằng tiếng Anh nội dung gửi Chính phủ Hoa Kỳ tạo điều kiện để sản phẩm của HTX vào thị trường Mỹ một cách thuận lợi. Soạn xong thư nhưng bà rất lo là làm sao thư đến được tay đệ nhất phu nhân nước Mỹ. Bà lân la đến gần, kẹp tờ báo tiếng Anh vào tay rồi phe phẩy lui tới khu vực Tổng thống Mỹ tham dự tiệc chiêu đãi. Có cơ hội, bà Cúc chỉ kịp thốt lên một câu: “Please let me a letter!” rồi đưa thư cho đệ nhất phu nhân Hilary Clinton.

Điều bất ngờ rất lớn đối với HTX Ba Nhất là bà Hilary Clinton rất nhiệt tình với những đề xuất trong bức thư tay kể trên. Sau khi về Mỹ được vài tuần, phu nhân Tổng thống Mỹ lập tức hồi âm bằng thư tay. Một ngày cuối năm 2000, bà Cúc được Đại sứ quán Mỹ gọi điện thoại đến và trao thư phúc đáp của bà Hilary Clinton. Theo đó, phía Mỹ tích cực giúp đỡ bà đem sản phẩm HTX Ba Nhất vào thị trường của họ bằng cách tài trợ tiền và bảo lãnh cho HTX tham gia các hội chợ.

Hội chợ quốc tế đầu tiên mà HTX Ba Nhất vinh dự được tham gia là Hội chợ quốc tế Atlanta năm 2003. Từ hội chợ này, các hãng bán lẻ của Mỹ đã có cái nhìn khác đi về hàng mây tre lá Việt Nam, bởi trước đó dù nhu cầu thị trường Mỹ rất lớn nhưng hàng Trung Quốc vẫn chiếm đại đa số trên các kệ hàng. Cũng nhờ vào chuyến đi ấy mà giờ đây hàng ngàn mẫu mã, sản phẩm của HTX Ba Nhất được các hãng bán lẻ hàng đầu như World Mark, Target, Ikea… của Mỹ nhận phân phối. Đến nay, nhờ làm ăn có uy tín với các nhà bán lẻ hàng đầu của Mỹ sản phẩm của HTX Ba Nhất đã có mặt trên 40 nước theo kênh phân phối của các hãng bán lẻ nước này. Đó cũng là niềm tự hào chung của giới mỹ nghệ trong nước.

Bà Cúc cho biết, việc thâm nhập vào được thị trường Mỹ là bước đột phá để đơn vị có những bước tiến vững vàng như hôm nay. Trong đó, việc quyết định bắt tay với các hãng bán lẻ lớn như World Mark, Ikea, Target... là nền móng vững chắc để sản phẩm HTX làm ra vươn xa khắp thế giới. “Làm ăn ở thị trường Mỹ không thể tham cái lợi trước mắt mà quên đi cái lợi lâu dài. Bắt tay với các hãng bán lẻ, dù sản phẩm của mình bán cho họ giá không cao nhưng được cái chỉ phải chuyên tâm sản xuất thu lời từ số lượng bán ra. Chứ nếu tham tỷ suất lợi nhuận cao mà tự đi chào hàng, bán lẻ thì phá sản ngay. Trong tình hình khó khăn hiện nay, với Ba Nhất, giải pháp tốt nhất đang thực thi là phải luôn bán cái người ta cần chứ không chỉ bán cái mà mình đang có. Nhờ thế, khách luôn tìm đến chúng tôi, dù bây giờ hàng mây tre lá có rất nhiều cơ sở sản xuất”, bà Cúc chia sẻ.

 Năm 2014, kim ngạch xuất khẩu sang thị trường Mỹ của HTX Ba Nhất đã đạt 220,7 tỷ đồng, tăng 17% so với năm trước. Trong điều kiện nhiều doanh nghiệp mây tre lá trong cả nước lâm vào cảnh khó khăn, thậm chí phải giải tán thì HTX Ba Nhất vẫn đạt doanh thu ổn định, vững vàng vượt khó để tiếp tục đồng hành cùng hơn 20.000 lao động nghèo gắn bó với mình. Đó là một minh chứng sống động cho sự thành công lớn khi hợp tác làm ăn với doanh nghiệp Hoa Kỳ. Đằng sau những đơn hàng đều đặn vượt đại dương ấy là cả một chặng đường dài nỗ lực tìm kiếm thị trường, kịp thời nắm bắt thời cơ lớn khi hai nước chính thức bình thường hóa quan hệ song phương suốt 20 năm qua.

 

 Kỳ cuối: Tạo điều kiện cho sự hợp tác bền vững

 KHÁNH VINH

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=600
Quay lên trên