Không để thiếu nước kéo dài

Cập nhật: 26-03-2016 | 10:39:22

Theo nhận định của Đài khí tượng thủy văn tỉnh Bình Dương, trong các tháng mùa khô 2015- 2016 khu vực tỉnh Bình Dương tổng lượng mưa có khả năng ở mức thấp so với trung bình nhiều năm từ 20 - 40%. Nền nhiệt độ trong các tháng còn lại của năm 2015 và 3 - 4 tháng đầu năm 2016 có xu hướng cao hơn trung bình nhiều năm từ 0,5 - 1,5oC. Từ đầu năm 2016 đến nay, lượng mưa, dòng chảy sông suối đều thiếu hụt so với trung bình nhiều năm, dẫn đến hạn hán xảy ra ở một số nơi trên địa bàn tỉnh.

 Khắc phục thiếu nước sản xuất

Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh tại Chỉ thị số 17/CT-UBND ngày 11-11-2015 về việc tăng cường các biện pháp phòng chống hạn, nhiễm mặn và cháy rừng mùa khô năm 2016 vào các ngày 9, 10, 15, 16-3-2016, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã chủ trì, phối hợp với Chi cục Thủy lợi và các địa phương tổ chức kiểm tra tình hình hạn hán và công tác phòng chống hạn mùa khô năm 2016.

Bình Dương đang sử dụng nhiều biện pháp khác nhau để ứng phó tình trạng thiếu hụt nước cho sản xuất lẫn sinh hoạt. Trong ảnh: Hồ Dầu Tiếng đóng vai trò cực kỳ quan trọng trong điều tiết nước cho các tỉnh, thành trong khu vực. Ảnh: S.T

Các địa phương được kiểm tra bao gồm: xã Định An, Thanh An (huyện Dầu Tiếng), xã Tân Định, Thường Tân, Lạc An, Đất Cuốc (huyện Bắc Tân Uyên). Đây là các xã điển hình có khả năng xảy ra tình trạng hạn hán, thiếu nước cho sinh hoạt và cho sản xuất nông nghiệp. Theo đó, các đơn vị đã tiến hành kiểm tra diễn biến hạn hán, tình hình các nguồn nước tưới, nước sinh hoạt hiện nay và khả năng cung cấp trước mắt; việc thực hiện các tiêu chuẩn quốc gia về quy trình quản lý vận hành công trình thủy lợi; tình hình quản lý vận hành, điều tiết nước tưới và kết quả thực hiện tưới của các công trình thủy lợi trên; các biện pháp phòng, chống hạn đã triển khai và kế hoạch thực hiện trong thời gian tới…

Theo kết quả kiểm tra ban đầu, địa bàn các xã được kiểm tra hầu hết cây trồng chủ yếu là cây cao su nên không có nhu cầu nước tưới. Các loại cây trồng khác như cây ăn trái, lúa, hoa màu người dân sử dụng nước từ nguồn giếng khoan và sông suối để tưới. Một số diện tích cây trồng sử dụng nguồn nước từ công trình thủy lợi được phân bố cụ thể: hồ Cần Nôm tưới cho diện tích 151 ha (lúa 65 ha, cây ăn trái 46,3 ha, thủy sản 5 ha); hồ Dốc Nhàn tưới cho diện tích 43,05 ha (lúa 36,92 ha, màu 3,8 ha, thủy sản 2,33 ha); hồ Đá Bàn tưới cho diện tích 428,18 ha (lúa 408,68 ha, màu 9,50 ha, thủy sản 10 ha); trạm bơm Tân Mỹ I tưới cho diện tích 79,6 ha (lúa 52 ha, màu 27,2 ha, thủy sản 0,4 ha).

Nhìn chung, các công trình thủy lợi bảo đảm nước tưới cho sản xuất nông nghiệp trong vụ Đông - Xuân 2016, còn vụ Hè- Thu 2016, đơn vị quản lý khai thác công trình thủy lợi khuyến cáo bà con nông dân xuống giống chậm sau khi có mưa (thời gian từ ngày 15 đến 30-5-2016).

Cần nâng cao ý thức sử dụng nước

Tại xã Định An (huyện Dầu Tiếng) có khoảng 109 hộ thiếu nước sinh hoạt. UBND xã đã xây dựng phương án lắp đặt các bồn chứa nước tập trung tại các khu vực để đáp ứng nhu cầu thiết yếu của người dân. Đồng thời, Trung tâm đầu tư khai thác thủy lợi và nước sạch vệ sinh môi trường nông thôn thuộc Chi cục Thủy lợi cũng đã tiến hành khởi công xây dựng dự án Trạm cấp nước sạch nông thôn xã Định An, dự kiến hoàn thành trong tháng 9-2016, bảo đảm cung cấp nước sạch cho người dân trong xã sử dụng.

Tại xã Tân Định (huyện Bắc Tân Uyên) có khoảng 140 hộ đang thiếu nước. UBND xã đã phối hợp với UBND huyện Bắc Tân Uyên và Công ty TNHH MTV Cấp thoát nước - Môi trường Bình Dương lắp đặt đường ống cung cấp nước đến điểm Bưu điện văn hóa xã để người dân đến chở nước về sinh hoạt. Các xã khác được kiểm tra không xảy ra tình trạng thiếu nước sinh hoạt.

Ông Lê Phước Thành, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, tình trạng hạn hán, thiếu nước sinh hoạt có diễn ra ở một số xã vùng sâu, vùng xa trên địa bàn tỉnh, tuy nhiên còn ở mức độ nhẹ, chưa ảnh hưởng nhiều đến đời sống cũng như sản xuất của người dân. Trước tình hình nắng nóng còn kéo dài, khả năng xảy ra thiếu nước sinh hoạt, nước tưới cho sản xuất nông nghiệp có thể tiếp tục diễn ra, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có văn bản đề nghị các đơn vị quản lý khai thác công trình thủy lợi, UBND các huyện, thị xã, thành phố và UBND các xã, phường, thị trấn cần tăng cường công tác kiểm tra, tuyên truyền rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng về tình hình thời tiết, tình hình thiếu nước mùa khô năm 2016 để người dân nâng cao ý thức sử dụng tiết kiệm nước.

Khẩn trương chống hạn

Để phòng, chống hạn có hiệu quả, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị các địa phương triển khai nghiêm túc chỉ thị của UBND tỉnh về tăng cường thực hiện các giải pháp phòng, chống hạn, xâm nhập mặn năm 2016, đối phó với ảnh hưởng của hiện tượng El Nino. Cụ thể, UBND các huyện, thị xã, thành phố, Công ty TNHH MTV Cấp thoát nước - Môi trường Bình Dương tổ chức kiểm tra chặt chẽ nguồn nước, cân đối khả năng cung cấp nước cho các nhu cầu sử dụng trên địa bàn, ưu tiên phục vụ sinh hoạt và các ngành sản xuất, kinh doanh chủ lực của địa phương. Ngoài ra, các bên có liên quan cần chủ động lập kế hoạch, phương án phòng, chống hạn, nhiễm mặn cụ thể cho từng vùng, từng công trình, tăng cường các biện pháp bổ sung nguồn nước sinh hoạt, sản xuất…

 

QUỲNH NHIÊN

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=802
Quay lên trên