Những ngày gần đây, số ca F0 của tỉnh liên tục tăng. Nhiều người dân có tâm lý lo lắng bị lây nhiễm Covid-19 nên làm test nhanh ngay khi tiếp xúc F0, test liên tiếp nhiều ngày hoặc làm xét nghiệm PCR. Theo các chuyên gia y tế, việc này gây lãng phí và không cần thiết.
Anh Nguyễn Văn Hậu, ở khu phố 5, phường Phú Hòa, TP.Thủ Dầu Một được xác định là F1 khi trong gia đình có 3 trường hợp nhiễm Covid-19. Vì quá lo lắng nên anh Hậu ngày nào cũng làm test nhanh Covid-19. Không tin kết quả test nhanh, anh Hậu lại làm xét nghiệm RT-PCR. Trao đổi với chúng tôi về trường hợp này, bác sĩ Huỳnh Minh Chín, Phó Giám đốc Sở Y tế, cho biết: Việc này không cần thiết và gây lãng phí, bởi sau khi tiếp xúc với F0 phải có thời gian nhất định để vi rút nhân lên, xét nghiệm ngay không có giá trị, ít nhất phải 3 - 4 ngày sau khi tiếp xúc.
Người dân không nên lạm dụng việc test nhanh tại nhà. Ảnh: ĐỖ TRỌNG
“Nếu vừa tiếp xúc với nguồn lây hoặc ở giai đoạn ủ bệnh, bạn có thể đã nhiễm bệnh song tải lượng vi rút thấp… nếu test ngay thì không chính xác vì khả năng âm tính cao bởi vi rút chưa nhân lên đủ số lượng để phát hiện bằng test nhanh. Trong trường hợp người tiếp xúc gần không có triệu chứng thì có thể test vào ngày thứ 5 và ngày thứ 7 sau khi tiếp xúc F0. Trong trường hợp gia đình có người mang thai, người mắc bệnh lý nền, nếu lo lắng quá thì trước hết cần tuân thủ biện pháp “5K” theo khuyến cáo của Bộ Y tế và đợi đến ngày thứ 4 mới nên test, trường hợp âm tính thì ngày thứ 7 test lại”, bác sĩ Huỳnh Minh Chín nói. Cũng theo bác sĩ Huỳnh Minh Chín, người dân chỉ cần test nhanh Covid-19 khi có các biểu hiện nghi ngờ, như: Ho, sốt, chảy nước mũi, đau nhức mình… Các nghiên cứu đã cho thấy tải lượng vi rút của F0 cao nhất trong vòng 5 ngày kể từ khi có triệu chứng đầu tiên. Đây là lúc các xét nghiệm Covid-19 có thể phát hiện chính xác nhất.
Liên quan đến quan niệm cho rằng test nhanh âm tính là khỏi bệnh Covid-19, PGS-TS Nguyễn Lân Hiếu, Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh, cho biết quan điểm này là hoàn toàn không đúng. Nhiễm SARS-CoV-2 không đồng nghĩa với bị bệnh Covid-19. Nhiễm SARS-CoV-2 đơn giản là vi rút vào cơ thể còn bệnh Covid-19 là khi miễn dịch của cơ thể gây phản ứng quá mẫn dẫn đến tổn thương phổi, nặng hơn là các cơ quan khác. Để nhận định dấu hiệu tổn thương phổi cần theo dõi nồng độ oxy (SPO2). Miễn dịch quá mẫn nếu có thường xảy ra ngày thứ 5 đến ngày thứ 10 từ khi có triệu chứng, vì vậy thời gian theo dõi sức khỏe là 10 ngày từ khi khởi phát triệu chứng.
Test nhanh âm tính là nguy cơ thấp vì còn ít hoặc không còn vi rút ở đường hô hấp trên, không liên quan đến bệnh Covid-19 ở phổi. Khi lượng vi rút giảm xuống là miễn dịch lên và có thể thành quá mẫn để chuyển thành bệnh Covid-19. Vậy nên, ngày thứ 5 test nhanh âm tính thì chúng ta không được chủ quan mà vẫn phải theo dõi SPO2 đủ 10 ngày. Trong khi làm xét nghiệm PCR nhận định đoạn gen của vi rút, không phân biệt vi rút đó sống hay chết. Nếu một người có miễn dịch bình thường (không uống thuốc ức chế miễn dịch hay bị ung thư máu...), qua 10 ngày theo dõi, sức khỏe ổn nhưng xét nghiệm PCR vẫn dương tính thì đó là xác vi rút, không có khả năng lây bệnh hay gây bệnh. Xét nghiệm PCR ở đa số F0 không có ý nghĩa, chỉ tốn tiền và test lại PCR âm hay dương không liên quan đến nguy cơ hậu Covid-19.
Xét nghiệm kháng nguyên nhanh Covid-19 hiện đã khá phổ biến không chỉ ở các cơ sở y tế mà còn đối với các đơn vị, hộ gia đình. Xét nghiệm nhanh kháng nguyên cũng đã được Bộ Y tế chấp nhận là một phần để xác định có mắc Covid-19 hay không. Trong hướng dẫn mới về quản lý tại nhà đối với người mắc Covid-19 vừa ban hành, Bộ Y tế cho phép người dân tự xác định mắc Covid-19 bằng test nhanh thay vì để nhân viên y tế thực hiện hoặc giám sát từxa.
Theo bác sĩ Huỳnh Minh Chín, để có kết quả test nhanh chính xác, trước hết cần lựa chọn mua đúng loại test nhanh kháng nguyên SARS-CoV-2 đã được Bộ Y tế cấp phép. Sau khi lựa chọn các loại test nhanh được cấp phép, người dân cần tuân thủ các bước theo đúng hướng dẫn kèm theo bộ test tùy nhà sản xuất: Lấy mẫu đúng, thao tác đúng và xử lý rác thải đúng quy định. Bộ sinh phẩm xét nghiệm kháng nguyên SARS-CoV-2 gồm 7 thành phần, được để ở nhiệt độ phòng từ 15 - 30 độ C trước khi xét nghiệm khoảng 30 phút. Bộ sinh phẩm bị nhiễm ẩm có thể làm giảm độ ổn định của chất thử. Người dân cần sử dụng ngay khi mở khay thử ra khỏi giấy bạc và thực hiện test nhanh, không sử dụng sinh phẩm hết hạn sử dụng, đồng thời đọc kết quả theo đúng thời gian tùy theo hướng dẫn của từng loại sinh phẩm. PGS-TS Nguyễn Lân Hiếu nhấn mạnh: “Trên thanh kết quả test, vạch mờ hay đậm không nói lên được bệnh nặng, nhẹ, nhiều hay ít vi rút. Khi có xét nghiệm test nhanh dương tính, không nhất thiết phải làm xét nghiệm RT-PCR khẳng định”.
HOÀNG LINH