Bác sĩ Trương Hữu Khanh: Nhiễm Omicron, không lo hậu Covid-19

Cập nhật: 11-03-2022 | 10:09:31

Hậu Covid-19 ở Delta trước đây có, nhưng chủ yếu vẫn là do yếu tố tâm lý, và thường không cần "chữa" mà chỉ là tập luyện. Còn những trường hợp bệnh nhân cần giải quyết các di chứng, cần phục hồi chức năng là những bệnh nhân nặng trong thời kỳ đầu vắc-xin chưa bao phủ, những người phải nằm hồi sức dài ngày.

Thống kê số ca MIS-C của Cơ quan Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC) với đường chấm chấm màu đen (đơn vị tính theo trục dọc phải) là số ca Covid-19, trong khi đường màu xanh biểu thị các trường hợp MIS-C (đơn vị tính theo trục dọc trái). Đường màu xanh đã về 0 khi Omicron chiếm lĩnh (Ảnh: CDC/chú thích bởi bác sĩ Trương Hữu Khanh)

Khi chúng ta bị stress thì có thể xuất hiện tất cả các triệu chứng liên quan đến hô hấp, tim mạch, tiêu hóa… Ví dụ như nhịp tim nhanh, nặng thở, trào ngược dạ dày.

Stress cũng có thể gây ra một vấn đề phiền toái mà nhiều người than gặp phải sau khi mắc Covid-19: mất ngủ. Mất ngủ chắc chắn ảnh hưởng đến sức khỏe, gây mệt mỏi, trong khi cơ thể sau bệnh siêu vi thì cần được nghỉ ngơi, ngủ bù.

Vì vậy nếu stress quá dẫn đến mất ngủ thì nên giải quyết việc mất ngủ đó, có thể dùng các loại thuốc ngủ thảo dược, tập thở để giảm stress. Bớt đọc lung tung, hỏi lung tung bạn bè để rồi bị "hù".

Sau này người ta thấy so với Delta thì Omicron rất ít gây hại ở người già, người có cơ địa nguy cơ; đặc biệt là ở người đã chích ngừa và trẻ em. Ví dụ MIS-C (hội chứng viêm đa hệ thống ở trẻ em sau Covid-19, một biến chứng hiếm gặp) thì biến mất luôn ở Mỹ khi Omicron lan rộng, cho dù số ca tăng cao.

Vì nguyên tắc của Omicron, theo các nghiên cứu đã được công bố, là chỉ tấn công đường hô hấp trên, chứ không đi xuống đường hô hấp dưới.

Tuy nhiên trong nhiễm siêu vi đường hô hấp thì có một số người có cơ địa đặc biệt, hiếm gặp có nguy cơ lan xuống dưới, hoặc bội nhiễm. Do đó cần đề phòng bội nhiễm ở nhóm đối tượng nguy cơ.

Bội nhiễm nghĩa là khi cơ thể mình đang yếu vì con virus gây Covid-19 này, hay một siêu vi đường hô hấp khác, thì tuy không bị con siêu vi đó tấn công vào đường hô hấp dưới nhưng lại bị các vi khuẩn khác nhân cơ hội tấn công vào. Nên mới thấy có những người đang khỏe vậy tự nhiên trở nặng, viêm phổi. Viêm phổi đó là do con vi khuẩn tấn công sau, chứ không do con siêu vi ban đầu.

Đề phòng bội nhiễm bằng cách giữ môi trường sạch sẽ, cẩn thận khi đi vào môi trường có nguy cơ nhiều vi khuẩn. Ví dụ nhà toàn F0 hết thì không cần đeo khẩu trang lúc bình thường nhưng khi đi vào nhà vệ sinh thì nên đeo, bởi nhà vệ sinh thường tù túng, ẩm ướt, là môi trường nhiều vi khuẩn dễ trú ngụ.

Bác sĩ Trương Hữu Khanh (Cố vấn khối Nhiễm, Bệnh viện Nhi Đồng 1)

Theo NLĐ

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=545
Quay lên trên