Không phát hiện = không lây truyền

Cập nhật: 02-12-2019 | 09:35:48

Cùng với 11 tỉnh, thành phố trên cả nước, Bình Dương đã triển khai chiến dịch quốc gia K=K. Từ các tài liệu truyền thông, sự kiện cộng đồng, các hoạt động truyền thông xã hội lồng ghép thông điệp K=K vào điều trị thuốc kháng vi rút (ARV) và dự phòng trong chiến lược phòng, chống HIV/AIDS.

 Cán bộ Trung tâm Y tế TP.Thủ Dầu Một phát tài liệu truyền thông K=K cho giới trẻ

Điều trị HIV đã góp phần cải thiện đáng kể sức khỏe, chất lượng cuộc sống, tuổi thọ của người có HIV và cũng làm tăng hiệu quả của chương trình phòng chống HIV/AIDS. Không phát hiện = không lây truyền thường gọi tắt là K=K là một người có HIV uống thuốc ARV hàng ngày theo chỉ định, đạt được và duy trì tải lượng virút dưới ngưỡng phát hiện sẽ thực sự không có nguy cơ làm lây truyền HIV sang bạn tình HIV âm tính của họ.

Bác sĩ Huỳnh Thanh Hà, Phó Giám đốc Sở Y tế, cho biết để giúp những người có HIV và bạn tình của họ nhận được lợi ích tối đa từ chiến lược dự phòng này, điều quan trọng là cán bộ y tế cần thông tin rõ ràng về lợi ích cũng như những thách thức trong việc đạt được và duy trì tải lượng HIV dưới ngưỡng phát hiện. Hầu hết mọi người sẽ đạt được tải lượng vi rút dưới phát hiện được trong vòng 6 tháng sau khi bắt đầu điều trị ARV. Nhiều người sẽ đạt tải lượng vi rút dưới ngưỡng phát hiện nhanh hơn với một số phác đồ điều trị thuốc ARV tối ưu.

Tính đến hết tháng 10-2019, trên địa bàn tỉnh có 6.405 trường hợp nhiễm HIV, số mắc mới là 566 trường hợp, có 165 trường hợp chuyển sang AIDS, 40 trường hợp tử vong. Nỗ lực giúp người có HIV duy trì cuộc sống, chiến dịch K=K truyền thông và quảng bá rộng rãi trong cộng đồng để người có hành vi nguy cơ tăng cường xét nghiệm sớm HIV; người bệnh HIV/AIDS có cuộc sống tích cực, tiếp cận sớm dịch vụ điều trị, tuân thủ điều trị và xét nghiệm tải lượng HIV định kỳ. Ngoài ra, chiến dịch cũng nhắc nhở người cung cấp dịch vụ và cộng đồng giảm kỳ thị và phân biệt đối xử với người nhiễm HIV/AIDS. Từ đó, làm thay đổi quan niệm nhiễm HIV không còn là bệnh vô phương cứu chữa mà là một bệnh truyền nhiễm mãn tính có thể dự phòng và điều trị được.

Tại lễ khởi động chiến dịch K=K do Sở Y tế tổ chức mới đây, bác sĩ Nguyễn Kim Chi, Giám đốc CDC Hoa Kỳ văn phòng TP.Hồ Chí Minh, cho rằng thông điệp K=K rất quan trọng, vì trước đây việc kỳ thị, phân biệt đối xử với người nhiễm HIV còn phổ biến vì lo ngại việc lan truyền HIV. Tuy nhiên, với những bằng chứng khoa học K=K, xã hội không còn lo ngại lây truyền bệnh, do đó việc kỳ thị, phân biệt đối xử cũng giảm đi, hỗ trợ người có HIV tự tin vào bản thân để điều trị tốt hơn.

 “Với K=K chúng ta có thể tin tưởng việc đạt được mục tiêu 90-90-95 vào năm 2020 (90% tổng số người nhiễm HIV biết được tình trạng nhiễm của bản thân; 90% số người biết được tình trạng nhiễm của bản thân được điều trị kháng HIV; 95% số người được điều trị ARV có tải lượng vi rút dưới ngưỡng ức chế, giảm nguy cơ lây truyền…”.

(Bác sĩ Huỳnh Thanh Hà, Phó Giám đốc Sở Y tế)

Bác sĩ Võ Thị Tuyết Nhung, Phó Giám đốc HAIVN Hồ Chí Minh, cũng đưa ra những bằng chứng khoa học về “không phát hiện = không lây truyền”. Đến nay ít nhất đã có 4 nghiên cứu khác nhau trên hàng chục ngàn người không có HIV quan hệ tình dục với người có HIV đang điều trị ARV có tải lượng vi rút dưới 200 bản sao/ml máu, cho thấy không có trường hợp nào bị lây nhiễm HIV.

Để thông điệp lan tỏa ra cộng đồng, ngoài vai trò truyền thông của cán bộ y tế còn có sự tham gia của các nhóm cộng đồng. Anh Tống Văn Nam, trưởng nhóm “Kết nối trẻ” cho hay thời gian qua nhóm liên tục thực hiện các chiến dịch về truyền thông nâng cao nhận thức và phát các vật phẩm y tế. Ngoài ra, nhóm còn thực hiện các xét nghiệm nhanh, giúp phát hiện sớm tình trạng bệnh. Khi người đi làm xét nghiệm biết được bệnh tình, “Kết nối trẻ” hỗ trợ họ kết nối với chương trình điều trị và tư vấn tuân thủ điều trị thành công. Anh cho biết việc thực hiện xét nghiệm hoàn toàn miễn phí, thân thiện, bảo mật, nên bạn trẻ yên tâm đến với “Kết nối trẻ” bất kỳ lúc nào.

Từ nhiều kênh thông tin khác nhau, người có HIV đã biết và yên tâm điều trị bằng thuốc ARV và đã thành công. Chị N.N.A. là một điển hình cụ thể. Chị đã sử dụng thuốc ARV 5 năm. Qua xét nghiệm, chị đạt được và duy trì tải lượng vi rút dưới ngưỡng phát hiện. Giờ đây chị thấy thoải mái, tự tin, không lo sợ lây truyền HIV cho chồng. Hiện tại chị là thành viên của nhóm “Giảm phân biệt, kỳ thị với người có HIV”, chị chính là nhân chứng kêu gọi những người có HIV điều trị bằng thuốc ARV.

 HỒNG THÁI

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=508
Quay lên trên