Tạp chí Popular Mechanics dẫn lời Thượng nghị sĩ của Đảng Cộng hòa Deb Fischer cho biết, tại một phiên điều trần về đề xuất ngân sách trước Ủy ban Quân vụ Thượng viện Mỹ mới đây, Không quân Mỹ muốn “cho về vườn” 1.468 máy bay trong vòng 5 năm tới trong khi chỉ mua thêm 467 chiếc.
Điều này đồng nghĩa trong 5 năm tới, số lượng máy bay của Không quân Mỹ sẽ giảm 1.001 chiếc, còn 4.500 chiếc so với con số 5.501 chiếc như hiện nay.
Theo Thượng nghị sĩ Fischer, Không quân Mỹ có kế hoạch “cho nghỉ hưu” 369 máy bay chỉ riêng trong tài khóa 2023. Số liệu này có phần khác so với những gì mà lực lượng này từng công bố trước đó, là sẽ loại biên tổng cộng 250 máy bay trong tài khóa 2023, trong đó “cho về vườn” 150 máy bay và chuyển giao 100 máy bay không người lái MQ-9 Reaper cho “một cơ quan khác của Chính phủ Mỹ”.
Máy bay của Không quân Mỹ trong một lần tham gia diễn tập tại Căn cứ không quân Eielson ở bang Alaska. Ảnh: US Air Force
Không quân Mỹ từ chối bình luận về con số chênh lệch 119 máy bay mà Thượng nghị sĩ Fischer đưa ra. Tuy nhiên, tờ Air Force Magazine lưu ý con số cắt giảm 1.001 máy bay trong 5 năm tới (tức khoảng 200 chiếc/năm) mà Thượng nghị sĩ Fischer đề cập là “phù hợp với những nỗ lực trước đây của Không quân Mỹ trong việc cắt giảm số lượng máy bay của lực lượng này”.
Tạp chí Popular Mechanics cho biết, trong tài khóa 2023, Không quân Mỹ có kế hoạch “cho về vườn” 21 máy bay cường kích A-10 Thunderbolt và thay thế bằng các máy bay tiêm kích F-16 với số lượng tương đương, đồng thời loại biên 33 máy bay tiêm kích F-22 Raptor không còn khả năng chiến đấu, giữ lại 123 chiếc F-22 Raptor còn khả năng chiến đấu và 31 chiếc F-22 Raptor chỉ phục vụ nhiệm vụ huấn luyện. Số lượng cắt giảm còn lại rơi vào các máy bay vận tải, máy bay tiếp nhiên liệu, 100 chiếc MQ-9 Reaper như đã đề cập ở trên...
Không quân Mỹ được cho là một trong những lực lượng đang sở hữu những máy bay chiến đấu “già cỗi nhất” trên thế giới. Tờ Air Force Magazine cho biết, thời gian phục vụ trung bình của các máy bay chiến đấu trong Không quân Mỹ là 29,1 năm. Trong khi đó, “tuổi thọ” phục vụ trung bình của các máy bay chiến đấu trong Hải quân và Lục quân Mỹ lần lượt là 14,4 năm và 15,3 năm, trong Không quân Australia là 8,9 năm và Không quân Anh là 16,5 năm.
Trang mạng Defense News chỉ ra rằng, khoảng 50% số máy bay của Không quân Mỹ hiện nay được đưa vào sử dụng từ thập niên 1980, thậm chí là từ đầu thập niên 1960. Theo Tạp chí Popular Mechanics, một số máy bay như máy bay ném bom B-1B Lancer có thời gian phục vụ trung bình trong Không quân Mỹ là 34,1 năm, máy bay tiêm kích F-15C là 37,69 năm, thậm chí máy bay tiếp nhiên liệu trên không KC-135 Stratotanker là 60,35 năm.
Tạp chí Popular Mechanics nhấn mạnh: “Ngày càng trở nên khó khăn và tốn kém để duy trì những máy bay già cỗi này và Không quân Mỹ chỉ muốn loại bỏ chúng để dành tiền mua các loại máy bay mới. Vấn đề tuổi thọ phục vụ của các máy bay trong Không quân Mỹ một phần là do tình trạng “nghỉ mua sắm” khi "Chiến tranh lạnh" kết thúc; việc chú trọng vào các cuộc chiến trên bộ giai đoạn hậu 11-9; sức ép về ngân sách cùng sự chậm trễ trong nghiên cứu, phát triển một số loại máy bay mới đưa vào biên chế.
Trong điều kiện lý tưởng, Không quân Mỹ sẽ dừng việc cắt giảm trong tương lai một khi các loại máy bay như máy bay tiêm kích thuộc Chương trình chiếm ưu thế trên không thế hệ tiếp theo (NGAD), máy bay ném bom B-21 Raider và máy bay tiêm kích F-35 được mua với số lượng lớn. Một khả năng khác là sắm thêm nhiều máy bay chiến đấu không người lái có giá thành rẻ hơn”.
Trên thực tế, tại phiên điều trần trước Ủy ban Quân vụ Thượng viện Mỹ, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin đã khẳng định cần phải loại biên những máy bay “không thể sống sót” nếu xảy ra giao tranh, đồng thời chuyển số ngân sách dùng để duy trì chúng sang những loại máy bay có thể “đóng vai trò quyết định” trong tương lai.
Phát biểu với báo giới vừa qua, Bộ trưởng Không quân Mỹ Frank Kendall cho biết, lực lượng này đã phải đưa ra “những lựa chọn khó khăn” về việc cắt giảm các máy bay được xem là “di sản” để có nguồn lực phục vụ cho chương trình hiện đại hóa nhằm đối phó với “một môi trường đe dọa đang thay đổi”.
Trong khi đó, theo Đại tướng Charles Q. Brown, Tham mưu trưởng Không quân Mỹ, “số lượng đơn thuần” không nói lên được toàn bộ câu chuyện và lực lượng này cần chuyển sang các loại máy bay bảo đảm “sẽ giành chiến thắng trong tương lai”.
“Xét tới các mối đe dọa thì năng lực chúng ta có hiện nay không phải là thứ chúng ta sẽ cần trong tương lai. Nếu bạn cứ bám vào tất cả năng lực chúng ta có hiện nay, bạn sẽ không trở nên tốt hơn trong tương lai”, tờ Air Force Magazine dẫn lời Tham mưu trưởng Không quân Mỹ.
Theo QĐND