Cuộc chiến tại Ukraine tác động thế nào đến bầu cử Tổng thống Pháp?

Cập nhật: 21-04-2022 | 07:58:10

Một cơn ớn lạnh bất ngờ đang bao trùm chiến dịch tái tranh cử của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron. Sự chắc chắn của nhiệm kỳ thứ hai của ông bỗng trở nên mong manh khi các cuộc thăm dò cho thấy ứng cử viên cánh hữu Marine Le Pen đã tăng tốc và băng lên, đuổi sát nút ông.

Ông Macron là nguyên thủ quốc gia Tây Âu đầu tiên nhận được sự đồng tình của đông đảo người dân kể từ khi Nga mở chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine. Cuộc bầu cử bị chi phối hoàn toàn bởi một cuộc tranh luận về cuộc chiến này và cách xử lý tình trạng bi thảm ở Ukraine cùng hiện trạng rối bời dang diễn ra trên khắp Châu Âu.

Giai đoạn 1: Tranh luận gay gắt về bản sắc văn hóa Pháp

Trước khi nổ ra cuộc chiến tại Ukraine, những đối thủ cánh hữu của ông Macron luôn cố gắng chứng minh sự kiên trì của họ trong việc xây dựng một phiên bản Pháp trong cuộc luận chiến về bản sắc văn hóa của nước Pháp. Ứng cử viên Eric Zemmour muốn xây một bức tường để ngăn người nhập cư vượt biên vào Pháp. Valérie Pécresse, cựu lãnh đạo vùng Paris, hứa sẽ trục xuất bất kỳ người nước ngoài nào đã không làm việc trong một năm. Những chủ đề tranh luận trải rộng từ “chủ nghĩa tỉnh thức”, “thái độ phân biệt chủng tộc có hệ thống” đến những lý thuyết tổng quát về chủng tộc. Nếu như không phải tất cả những thứ này đều được viết bằng tiếng Pháp, chúng ta sẽ dễ dàng lầm tưởng rằng chúng dường như liên quan tới một cuộc bầu cử trên đất Mỹ.  

Nước Pháp đang phải vật lộn để đối phó với những hậu quả của quá khứ thực dân. Kể từ khi các thuộc địa cũ giành được độc lập trong những năm sau Thế chiến 2, đã có một lượng lớn người nhập cư đến từ Bắc Phi và vùng cận Sahara. Những người nhập cư này đã đáp ứng được nhu cầu bùng nổ về nhân lực trong thời kỳ hậu chiến nhưng trong 2 thập kỷ qua khi Pháp bước vào thời kỳ phi công nghiệp hóa, tỷ lệ thất nghiệp đã tăng vọt, trung bình trên toàn nước Pháp tỷ lệ khoảng 7,4% và chúng sẽ cao hơn nhiều ở các vùng ngoại ô của Pháp, nơi có đông đảo người nhập cư sinh sống. 


Tổng thống Emmanuel Macron và đối thủ Marine Le Pen

Giới tinh hoa chính trị và trí thức của Pháp - cả cánh tả và cánh hữu - thường bác bỏ những tuyên bố của người nhập cư và tầng lớp nghèo khó về sự tàn nhẫn của cảnh sát, những định kiến chủng tộc và sự phân biệt chủng tộc có hệ thống. Họ cho rằng, phân biệt đối xử không phải là vấn đề trong nền cộng hòa Pháp, một nền cộng hòa vốn không công nhận khái niệm chủng tộc và cấm thu thập số liệu thống kê về chủng tộc. Họ cũng chỉ trích Mỹ vì đã xuất khẩu những ý tưởng không thích hợp cho nước Pháp.

Bước ngoặt trong cuộc tranh cử

Cuộc khủng hoảng ở Ukraine đã không giải quyết được bất kỳ vấn đề nào trong số những vấn đề trên nhưng nó đã gạt chúng qua một bên trong các cuộc tranh cử và làm đảo lộn vị trí của các ứng cử viên.

Thoạt đầu, ông Macron chiếm giữ vị trí cao, người đã thể hiện mình như là một nguyên thủ quốc gia nhiều hơn là một chính trị gia trước sự kiện này. Ông di chuyển hăng hái giữa Kiev, Moscow và Geneva trong vai trò Chủ tịch luân phiên của Hội đồng châu Âu. Dẫu rằng những nỗ lực để tránh một cuộc chiến tranh của ông đã thất bại nhưng hoạt động ngoại giao con thoi của ông vẫn còn tiếp tục sau khi binh lính Nga tiến vào Ukraine.

Ông Macron đã trì hoãn việc tuyên bố chính thức ra tranh cử của mình cho đến ngày cuối cùng, sát thời hạn cho phép. Ông cảnh báo rằng, việc tranh cử tổng thống không thể cấp bách bằng những công việc khác ở vào những "thời điểm cực kỳ khó khăn" mà châu Âu sắp phải trải qua. Trong các cuộc thăm dò vào đầu tháng 3 thực hiện bởi Ifop, một hãng thăm dò dư luận của Pháp, hơn 30% cử tri cho biết họ sẽ bỏ phiếu cho ông Macron trong vòng đầu tiên; đối với vòng hai, trên cơ sở những giả định về các ứng viên tiềm năng sẽ trụ lại, các cuộc thăm dò đều đã dự đoán một chiến thắng dễ dàng cho ông Macron.

Nhưng, chiến lược của ông Macron tránh đối đầu trực diện với những vấn đề chính sách đối nội cuối cùng dường như đã va phải một bức tường thành. Các số liệu thăm dò dư luận do tuần báo Dimanche của Pháp công bố ngày 10-4 cho thấy ưu thế dẫn đầu của ông Macron so với bà Le Pen đã thu hẹp chỉ còn 5 điểm trong giai đoạn sau khi kết thúc vòng đầu tiên và trước cuộc đối đầu ở vòng 2 dự kiến diễn ra vào ngày 24-4. Ưu thế dẫn trước 5 điểm này thực sự là mỏng manh nếu biết rằng sai số của những cuộc thăm dò dư luận thường xấp xỉ 2,3% và cho đến nay có đến 25% cử tri vẫn chưa có quyết định cuối cùng.

Quân bài “phăng teo” trong ván bài sôi động của cuộc bầu cử Tổng thống Pháp năm 2022 là Zemmour, một cây bút bình luận báo chí và là một nhân vật thuộc giới truyền thông, một kẻ “ngoại đạo” trong đời sống chính trị Pháp. Sở trường của Zemmour là những phát biểu cực đoan, nó khiến người ta hay liên tưởng tới ông Donald Trump.

Ông Zemmour cũng xây dựng chiến dịch tranh cử của mình dựa trên những luận điệu cay nghiệt chống lại người nhập cư. Các cơ quan tư pháp đã 3 lần tuyên phạt ông ta vì những phát ngôn kích động sự thù hận. 

Người Hồi giáo là mục tiêu tấn công chính của ông Zemmour, một trong những bản tuyên án của tòa là nhắm vào tuyên bố của ông cho rằng người Hồi giáo chỉ có thể lựa chọn hoặc Hồi giáo hoặc nước Pháp. Ông chủ trương thành lập Bộ Di cư và trả tiền để tống tiễn những người nhập cư ra khỏi Pháp, trục xuất những người không làm việc trong 6 tháng và cấm đặt tên nước ngoài hoặc tên Hồi giáo cho trẻ em được sinh ra ở Pháp.

Nhưng, cảnh tượng hàng nghìn người châu Âu chạy trốn khỏi cuộc chiến tranh ở Ukraine đã khiến sức mạnh của lực lượng chống nhập cư nhanh chóng bị đè bẹp. Tổng thống Macron ngay lập tức tuyên bố rằng Pháp sẽ "chia sẻ trách nhiệm giúp đỡ người tị nạn" và hầu hết các ứng cử viên khác đều ủng hộ việc mở cửa biên giới cho người tị nạn Ukraine. Ông Zemmour lúc này mắc kẹt với quan điểm cứng rắn về vấn đề nhập cư, đã đưa ra đề xuất rằng thay vì mời người Ukraine đến Pháp, chính phủ nên hỗ trợ Ba Lan để giải quyết cuộc khủng hoảng người tị nạn. Zemmour tụt xuống vị trí thứ năm trong các cuộc thăm dò.

Các đề xuất cực đoan đã có tác dụng ngoài ý muốn của ông ta bởi chúng đã  khiến ứng cử viên dân túy Le Pen tỏ ra ôn hòa hơn. Kể từ khi thua ông Macron trong cuộc tranh cử tổng thống năm 2017, bà đã hạ bớt giọng trong rất nhiều luận điểm cực đoan của đảng Tập hợp Quốc gia mà bà lãnh đạo. Để lôi kéo các cử tri ôn hòa, bà Le Pen không còn nhắc đến các đề xuất rút khỏi khu vực đồng euro và rút khỏi Liên minh châu Âu. 

Sau khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine, bà Le Pen tập trung chiến dịch tranh cử của mình nhắm vào những vấn đề kinh tế. Hóa ra đó là một quyết định đúng đắn. Các cuộc thăm dò hiện cho thấy sức mua là mối quan tâm chính của cử tri Pháp khi lạm phát leo thang và giá xăng dầu tăng cao trong bối cảnh cuộc chiến ở Ukraine vẫn tiếp diễn. Bà Le Pen tạo ra một sự tương phản ấn tượng với quan điểm kỹ trị triệt để của ông Macron và các dự án bị phê phán gay gắt của ông như dự án cải cách lương hưu và tăng tuổi nghỉ hưu. Bà kêu gọi cắt giảm thuế và  xoáy sâu vào sự đối lập giữa hoàn cảnh kinh tế khá giả của giới tinh hoa ở các thành phố so với hoàn cảnh kinh tế khó khăn của các tầng lớp lao động nông thôn, những nơi bà được ủng hộ triệt để.

Những nỗ lực của ông Macron nhằm xóa bỏ hình ảnh của mình như là "vị tổng thống của những người giàu" nhanh chóng bị cuốn trôi bởi một cơn địa chấn giận dữ  liên quan tới việc chính quyền của ông thường xuyên sử dụng công ty tư vấn McKinsey&Co. để hoạch định chính sách. Vì thế, tại một cuộc biểu dương lực lượng với quy mô lớn trước bầu cử vào ngày 10-4, để lấy lại được ưu thế vượt trội trước đây của mình, ông Macron đã lên tiếng cảnh báo về sự nguy hiểm của phe cực hữu và thể hiện mình như là người bảo vệ các giá trị truyền thống của Pháp, những giá trị phổ quát như tự do, bình đẳng và bác ái, ông cũng thề sẽ chống lại đến cùng "những kẻ sẽ gieo rắc, đầu độc và làm rạn nứt đất nước bằng sự chia rẽ”. Để xoa dịu nỗi đau vì giá xăng tăng cao, chính phủ của ông đã giảm giá 15 xu một lít tại các máy bơm. Ông Macron cũng chỉ trích gay gắt đảng của bà Le Pen, ông mô tả đó là một đảng "gia tộc" theo kiểu “cha truyền con nối”.

Sự tàn khốc của cuộc chiến ở Ukraine hiện nay và những hậu quả kinh tế, xã hội của nó đã bóp nghẹt cuộc tranh luận vừa mới chỉ bắt đầu về bản sắc và căn tính của nước Pháp. Các câu hỏi lớn sẽ vẫn còn day dứt nước Pháp kể cả sau cuộc bầu cử: Pháp là gì? Ai là người Pháp? Pháp sẽ đi đâu?

Hiện tại, cuộc thảo luận này đã tạm bị đình chỉ bởi mối đe dọa cấp bách nhất hiện nay đối với nước Pháp không phải là vấn đề căn cước văn hóa của một đất nước hàng đầu ở châu Âu như Pháp mà là cuộc chiến ở Ukraine. Những tiếng bom nổ trong lúc này ở Ukraine dường như là quá xa để có thể nghe thấy ở trên đất Pháp nhưng nó vẫn sẽ là yếu tố mang ý nghĩa quyết định trong các phòng bỏ phiếu vào ngày 24-4 tới đây, ảnh hưởng của kết quả cuộc bầu cử không chỉ bó hẹp trong biên giới nước Pháp mà sẽ lan tỏa ra trên toàn thế giới. 

Theo CAND

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=1402
Quay lên trên