Những năm qua, hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp trong Khu công nghiệp (KCN) Việt Nam - Singapore (VSIP) trên địa bàn tỉnh luôn ổn định, phát triển. Các KCN này đã và đang thu hút nhiều tập đoàn lớn trên thế giới đến làm ăn.
Dây chuyền sản xuất của Nhà máy sản xuất Tetra Pak Bình Dương. Ảnh: PHƯƠNG LÊ
Vốn FDI đạt 8,360 tỷ USD
Chỉ tính từ đầu năm đến nay, các KCN VSIP trên địa bàn tỉnh tiếp tục thu hút nhiều doanh nghiệp nước ngoài đến đầu tư. Điển hình, mới đây Công ty Tetra Pak (100% vốn Thụy Điển) đã khánh thành nhà máy sản xuất hộp giấy tiệt trùng đầu tiên tại Việt Nam (KCN VSIP II-A), với tổng vốn đầu tư 120 triệu Euro. Nhà máy cung cấp các sản phẩm cho thị trường nội địa và xuất khẩu, hiện công suất 12 tỷ hộp giấy mỗi năm, trong tương lai mở rộng lên đến 20 tỷ hộp giấy mỗi năm. Tetra Pak Bình Dương là một trong những nhà máy công nghiệp đầu tiên ở Việt Nam áp dụng những tiêu chuẩn về môi trường mới nhất và khắt khe nhất nhằm đáp ứng các yêu cầu của chứng nhận LEED vàng - phiên bản 4 được công nhận toàn cầu (giấy chứng nhận cho các công trình xây dựng được cấp bởi Hội đồng Xây dựng xanh Mỹ).
Ông Adolfo Orive, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc điều hành Tetra Pak, cho biết việc đầu tư phát triển nhà máy mới là minh chứng mạnh mẽ cho cam kết dài hạn của công ty tại Bình Dương nói riêng và Việt Nam nói chung. Công ty mong muốn góp phần vào sự phát triển kinh tế của Bình Dương, tạo cơ hội việc làm và thúc đẩy công nghiệp địa phương phát triển.
Trong 6 tháng qua, thu hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI) vào các KCN VSIP trên địa bàn tỉnh tiếp tục tăng so với cùng kỳ năm 2018. Cụ thể, các KCN này đã thu hút gần 228 triệu USD vốn FDI, tăng 2,35% so với cùng kỳ năm 2018 và đạt 65,13% kế hoạch năm 2019, trong đó cấp mới giấy chứng nhận đầu tư cho 10 dự án với tổng vốn đăng ký gần 91 triệu USD, tăng vốn đầu tư 24 dự án với vốn tăng thêm trên 137 triệu USD, điều chỉnh khác cho 102 trường hợp.
Đến nay, các KCN VSIP do Ban Quản lý KCN VSIP quản lý có 549 dự án FDI còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký 8,360 tỷ USD, trong đó có 495 dự án đã đi vào hoạt động. Một số doanh nghiệp tăng vốn đầu tư để mở rộng quy mô sản xuất, kinh doanh. Điều đó cho thấy hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp ổn định và có chiều hướng tăng trưởng. Trong 6 tháng cuối năm 2019, Ban Quản lý KCN VSIP phấn đấu thu hút thêm 120 triệu USD vốn FDI.
Về đầu tư trong nước, trong 6 tháng đầu năm 2019 các KCN VSIP trên địa bàn tỉnh thu hút gần 1.063 tỷ đồng. Đến nay, các KCN do Ban Quản lý KCN VSIP quản lý có 42 dự án đầu tư trong nước với tổng vốn đăng ký trên 9.842 tỷ đồng (chỉ tính các dự án có đăng ký đầu tư tại Ban Quản lý theo quy định của Luật Đầu tư năm 2014).
Doanh nghiệp hoạt động hiệu quả
Mới đây, Tập đoàn TATA của Ấn Độ đã khánh thành Nhà máy sản xuất TATA Coffee Việt Nam tại KCN VSIP II (xã Tân Bình, huyện Bắc Tân Uyên). Đây là nhà máy sản xuất cà phê sấy lạnh có công suất 5.000 tấn/năm, được xây dựng trên diện tích 8 ha, tổng vốn đầu tư trên 1.473 tỷ đồng. Nhà máy đi vào hoạt động góp phần để tập đoàn cung ứng, mở rộng thị trường xuất khẩu.
Ông Parvathani Harish, Tổng Giám đốc điều hành TATA Việt Nam, cho biết cà phê sấy lạnh là sản phẩm chiến lược tương lai của TATA. Việc đưa nhà máy đi vào hoạt động tại Bình Dương công ty mong muốn mang đến thị trường Việt Nam sản phẩm chất lượng tốt nhất, qua đó góp phần thúc đẩy ngành công nghiệp càphê Việt Nam phát triển mạnh mẽ hơn.
Ghi nhận cho thấy, trong 6 tháng đầu năm 2019, các chỉ tiêu về doanh thu, xuất nhập khẩu của doanh nghiệp hoạt động trong các KCN VSIP trên địa bàn tỉnh tiếp tục tăng trưởng ổn định. Cụ thể, tổng vốn đầu tư thực hiện của các doanh nghiệp hoạt động trong các KCN này ước đạt 176,15 triệu USD, bằng 108% so với cùng kỳ, đạt 58,72% kế hoạch; doanh thu ước đạt 4,95 tỷ USD, bằng 119% so với cùng kỳ, đạt 60,37% kế hoạch; xuất khẩu ước đạt 3,15 tỷ USD, bằng 108% so với cùng kỳ, đạt 50,81% so với kế hoạch; nộp ngân sách 38,75 triệu USD, bằng 104% so với cùng kỳ năm 2018, đạt 59,16% kế hoạch năm 2019.
Theo lãnh đạo Ban Quản lý KCN VSIP, hơn 20 năm qua đơn vị luôn nỗ lực thực hiện hiệu quả cơ chế “một cửa”, “một dấu”, đột phá về cải cách thủ tục hành chính. Bên cạnh đó, công ty đã tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng hiện đại, đạt tiêu chuẩn quốc tế, qua đó tạo môi trường đầu tư thông thoáng, có sức hấp dẫn nhà đầu tư. Bên cạnh đó, việc thu hút, đào tạo, cung cấp nguồn nhân lực nhằm đáp ứng yêu cầu của các nhà đầu tư… cũng rất được Ban Quản lý quan tâm. Ban Quản lý còn kết nối tổng hòa giữa phát triển công nghiệp với thương mại - dịch vụ và đô thị. Chính những yếu tố đó đã góp phần giúp VSIP phát triển thương hiệu, trở thành điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư trên thế giới.
PHƯƠNG LÊ