Khuyến khích chăn nuôi tập trung, bảo đảm an toàn dịch bệnh

Cập nhật: 06-05-2020 | 07:58:16

Đoàn công tác của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) vừa có buổi làm việc với UBND tỉnh về công tác tái đàn, tăng đàn, khôi phục chăn nuôi heo sau dịch tả heo châu Phi (DTHCP) trên địa bàn tỉnh. Báo cáo với đoàn tại buổi làm việc, ông Mai Hùng Dũng, Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh cho biết công tác tái đàn, khôi phục chăn nuôi heo của tỉnh đang triển khai khá hiệu quả. Sắp tới Bình Dương có hướng giảm dần chăn nuôi nhỏ lẻ, khuyến khích phát triển chăn nuôi tập trung, trang trại.

 Nhiều trang trại lớn đang tăng, tái đàn sau khi DTHCP được khống chế. Trong ảnh: Trang trại heo của Công ty TNHH Nông nghiệp Trường Thịnh (xã An Thái, huyện Phú Giáo)

 Tăng đàn, tái đàn hiệu quả

Năm 2019, tình hình chăn nuôi trong tỉnh gặp không ít khó khăn do ảnh hưởng trực tiếp của bệnh DTHCP xảy ra từ tháng 5-2019. Theo đó, có hiện tượng heo chết bất thường ở 1.394 hộ/trại chăn nuôi tại 84 xã, phường, thị trấn của 9 huyện, thị, thành phố với tổng số heo chết và buộc tiêu hủy 87.116 con. Đến cuối năm 2019, qua thống kê của ngành thú y, tổng đàn heo trên địa bàn tỉnh còn gần 650.000 con, giảm 15,14% so với trước khi xảy ra bệnh DTHCP.

Do tính chất đặc thù của bệnh DTHCP là chưa có vắc-xin phòng bệnh nên chính quyền địa phương và cơ quan chức năng nhận định tình hình bệnh DTHCP vẫn còn có thể tiếp tục xảy ra ở những nơi chăn nuôi an toàn sinh học kém, không bảo đảm điều kiện vệ sinh thú y. Từ những nhận định trên, cùng với việc nghiêm túc thực hiện tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và hướng dẫn của Bộ NN&PTNT, trong thời gian qua UBND tỉnh đã quan tâm chỉ đạo, triển khai đồng bộ nhiều giải pháp để phòng, chống bệnh DTHCP. Đến nay, bệnh DTHCP trên địa bàn tỉnh cơ bản đã được khống chế, nhiều địa phương trong tỉnh đã qua 30 ngày không còn bệnh tái phát.

Tuy nhiên, việc tái đàn chăn nuôi đa số chỉ ở các trang trại chăn nuôi gia công của các công ty. Tại các trang trại chăn nuôi tư nhân tiến độ tái đàn chậm, nguyên nhân chủ yếu do lo ngại dịch bệnh tái phát và khan hiếm con giống. Nhiều chủ trại chăn nuôi cho hay trong thời gian vừa qua, các công ty chăn nuôi đều lưu hành giống nội bộ trong hệ thống, không xuất bán con giống ra ngoài. Vì vậy, để tái đàn người chăn nuôi phải mua con giống với giá cao, từ 160.000 - 170.000 đồng/kg. Bên cạnh đó, có không ít công ty và trang trại chăn nuôi sử dụng cả heo cái 3 máu để làm giống tạm thời, làm nguồn cung heo thịt khan hiếm, đa phần nguồn heo xuất thịt là heo đực.

Nhiều chính sách hỗ trợ

Ngay từ khi DTHCP đang xảy ra, tỉnh đã đặc biệt quan tâm để giữ bằng được đàn heo trong hệ thống trang trại, đàn heo giống. Bình Dương đã có cơ chế hỗ trợ giữ an toàn dịch bệnh và duy trì bằng được đàn heo nái để sau khi kết thúc dịch bệnh sẽ có điều kiện khôi phục đàn heo một cách nhanh nhất. Do đó, công tác tái và khôi phục đàn heo của tỉnh đã có nhiều thuận lợi, triển khai nhanh và hiệu quả. Đồng thời, Sở NN&PTNT cũng đã tham mưu kịp thời cho UBND tỉnh ban hành văn bản chỉ đạo, hướng dẫn các ngành, các cấp thực hiện công tác tái đàn. Đến thời điểm tháng 4-2020, tổng đàn heo trên địa bàn tỉnh ước đạt gần 800.000 con, tăng 21,84% so với thời điểm đầu tháng 1-2020. Điều này đã cho thấy hiệu quả công tác quản lý nhà nước mà UBND tỉnh và các ngành chức năng đã thực hiện để khống chế bệnh DTHCP; đồng thời các trang trại, công ty chăn nuôi đều được tạo điều kiện thuận lợi để cung cấp sản phẩm cho thị trường.

Để thúc đẩy, khuyến khích việc tái đàn an toàn, UBND tỉnh cũng đã chỉ đạo cơ quan chức năng tích cực triển khai thực hiện Quyết định 04/2016/QĐ- UBND về chính sách khuyến khích phát triển nông nghiệp theo hướng nông nghiệp đô thị, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Hiện nay, ngành chăn nuôi tỉnh tiếp tục được quy hoạch theo hướng phát triển chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao tại 4 huyện phía bắc của tỉnh. Đến nay, đã có 23 trang trại chăn nuôi tiếp cận được chính sách nêu trên với tổng vốn đầu tư đã được phê duyệt vay và giải ngân trên 243 tỷ đồng.

Ông Mai Hùng Dũng, Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, cho biết ngay từ khi xảy ra DTHCP, tỉnh cùng các cấp, các ngành chỉ đạo quyết liệt, đồng bộ nhiều giải pháp trong công tác phòng, chống DTHCP. Tuy tình hình dịch bệnh đã được khống chế, nhưng các địa phương, người chăn nuôi tuyệt đối không chủ quan trong việc tiếp tục phòng, chống bệnh DTHCP. Hiện nay, công tác tái đàn, khôi phục chăn nuôi heo của tỉnh đang triển khai khá hiệu quả. Sắp tới, tỉnh có hướng giảm dần chăn nuôi nhỏ lẻ, khuyến khích phát triển chăn nuôi tập trung, phát triển trang trại; đồng thời tỉnh cũng đang tập trung, tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển các trang trại chăn nuôi quy mô lớn.

 Ông Phùng Đức Tiến, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT đánh giá cao công tác phòng, chống bệnh DTHCP, công tác tăng đàn, tái đàn trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua, nhất là trong tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp. Đồng thời, ông nhấn mạnh tỉnh cần tiếp tục đẩy mạnh việc chuyển giao, ứng dụng khoa học công nghệ trên lĩnh vực chăn nuôi, triển khai hiệu quả những chính sách của Nhà nước, của tỉnh về hỗ trợ người chăn nuôi trên địa bàn bảo đảm an toàn dịch bệnh và an toàn thực phẩm.

 THOẠI PHƯƠNG

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=598
Quay lên trên