Dịch bệnh Covid-19 âm ỉ khiến nhu cầu sử dụng thuốc tân dược, vật tư y tế vẫn cao. Để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trước tình trạng mua hàng với giá cao bất hợp lý, kém chất lượng, Cục Quản lý thị trường tỉnh đã chỉ đạo lực lượng tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, quản lý thị trường (QLTT), góp phần giữ ổn định giá các mặt hàng.
Xử phạt nhiều vụ việc
Từ đầu năm đến nay, để bảo đảm ổn định thị trường hàng hóa, các ngành chức năng là thành viên của Ban Chỉ đạo 389 TP.Thủ Dầu Một đã chủ động lên kế hoạch, tăng cường công tác kiểm tra, nắm bắt thị trường, hoạt động sản xuất, kinh doanh và diễn biến cung - cầu, giá các mặt hàng là vật tư, thiết bị y tế.
Ông Nguyễn Hữu Thọ, Phó trưởng Ban Chỉ đạo 389 TP.Thủ Dầu Một, cho biết thực hiện chỉ đạo của Tổng cục QLTT, Ban Chỉ đạo 389 tỉnh, đơn vị đã chỉ đạo các cán bộ công chức trực thuộc ban tăng cường quản lý địa bàn, triển khai kế hoạch kiểm tra liên ngành, chuyên ngành hành nghề y, dược, thực phẩm chức năng, trang thiết bị, mỹ phẩm, vật tư y tế; kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật, nhất là các hành vi: Không niêm yết giá và bán theo giá niêm yết, giá kê khai; định giá, tăng giá bán hàng hóa bất hợp lý; găm hàng, đầu cơ tích trữ, kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ, không bảo đảm chất lượng, hàng giả.
Cán bộ Cục QLTT Bình Dương kiểm tra, kiểm kê sản phẩm vật tư y tế vi phạm hành chính trước khi tiêu hủy
Theo đó, các đơn vị đã chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan tiến hành kiểm tra liên ngành, chuyên ngành 16 cơ sở hành nghề y, dược tư nhân trên địa bàn. Từ đó, UBND TP.Thủ Dầu Một đã có quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế 4 cơ sở với số tiền phạt 30,5 triệu đồng. Bên cạnh đó, các ngành chức năng cũng tăng cường tuyên truyền, vận động, yêu cầu doanh nghiệp, đơn vị kinh doanh thuốc cam kết chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật. Hiện, ngành cũng đã yêu cầu 4 cơ sở viết bản cam kết, đề nghị 6 cơ sở đóng cửa và nhắc nhở 2 cơ sở kinh doanh vật tư y tế và thuốc tân dược trên địa bàn TP.Thủ Dầu Một.
Ông Nguyễn Phương Đông, Phó Cục trưởng Cục QLTT tỉnh, cho biết trong 6 tháng đầu năm 2022, ngành đã phối hợp với các sở, ngành chức năng, tiến hành kiểm tra 164 cơ sở thuộc lĩnh vực y tế, dược, phát hiện 9 vụ vi phạm, đề xuất phạt 78 triệu đồng, tạm giữ 3 thùng kit test nhanh Covid-19. Ngoài ra, các Đội QLTT cũng tham gia phối hợp các phòng chức năng thuộc UBND cấp huyện, thị và thành phố kiểm tra 64 cơ sở đối với lĩnh vực thú y, y tế, an toàn thực phẩm. Kết quả các đội phát hiện và lập biên bản vi phạm hành chính 9 trường hợp vi phạm, tiến hành xử phạt với tổng số tiền trên 52 triệu đồng.
Tiếp tục siết chặt thị trường
Trước tình hình thị trường thuốc tân dược, vật tư y tế còn những diễn biến phức tạp, lực lượng chức năng vẫn đang tiếp tục phối hợp triển khai các biện pháp nghiệp vụ, xây dựng phương án, kế hoạch kiểm tra, kịp thời xử lý các hành vi vi phạm theo quy định của pháp luật.
Theo ông Nguyễn Phương Đông, qua nắm bắt diễn biến thị trường, hiện nay các mặt hàng như mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, thuốc uống và vật tư, trang thiết bị y tế phòng chống dịch, trong đó có mặt hàng kít test nhanh đang được bày bán rất đa dạng, nhiều chủng loại với giá cả cũng khác nhau. Do đó, Cục QLTT Bình Dương khuyến cáo người tiêu dùng trong việc lựa chọn nhà thuốc có uy tín, không nên mua những mặt hàng không rõ nguồn gốc, xuất xứ, bán trôi nổi trên thị trường hoặc các trang mạng. Nếu mua phải hàng giả, hàng kém chất lượng không chỉ gây ảnh hưởng tới sức khỏe của người tiêu dùng mà còn ảnh hưởng tới công tác phòng, chống dịch của cả cộng đồng.
Cũng theo ông Nguyễn Phương Đông, việc kiểm tra, giám sát các sản phẩm nêu trên là một trong những phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm đã và đang được Cục QLTT triển khai thực hiện. Trong thời gian tới, bên cạnh việc duy trì thường xuyên công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, Cục QLTT cũng phối hợp với các lực lượng chức năng tăng cường tuyên truyền, ký cam kết đối với các chủ cơ sở, doanh nghiệp, đơn vị kinh doanh thuốc tân dược chấp hành các quy định của pháp luật. Qua đó, góp phần nâng cao ý thức của các chủ cơ sở, không lợi dụng dịch bệnh để đầu cơ, găm hàng, nâng giá, gây rối loạn thị trường, góp phần bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
THANH HỒNG