Trước quan ngại vốn tín dụng đang chảy mạnh vào bất động sản (BĐS) sẽ tạo rủi ro cho nền kinh tế, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã điều chỉnh cơ cấu cho vay BĐS phù hợp với tình hình thực tế. Đối với các ngân hàng thương mại, tín dụng cho lĩnh vực BĐS năm 2019 đang được kiểm soát chặt chẽ.
Khách hàng giao dịch tại Ngân hàng TMCP Phát triển nhà TP.Hồ Chí Minh - Chi nhánh Bình Dươn.gẢnh: THANH HỒNG
Duy trì cho vay mua nhà ở
Tại Ngân hàng Thương mại cổ phần (TMCP) Kỹ Thương (Techcombank) hiện có chương trình “Ưu đãi lãi vay, mua ngay nhà mới” với lãi suất 6,79%/năm, áp dụng cố định trong vòng 12 tháng. Còn Ngân hàng TMCP Dầu khí (PVcombank) đang có chương trình “Sẵn vốn ngay, an cư trong tầm tay”; theo đó khách hàng có nhu cầu vay vốn để mua, xây, sửa nhà trong thời gian này sẽ được hưởng mức lãi suất ưu đãi 7,49%/năm trong 6 tháng đầu và 8,99%/ năm trong 12 tháng sau đó, thời gian vay kéo dài 20 năm.
Tại Ngân hàng TMCP Quốc dân (NCB), áp dụng lãi suất cho vay mua nhà, sửa nhà ở mức tương đối thấp so với sản phẩm vay mua nhà trả góp của các ngân hàng khác. Cụ thể, NCB đưa ra mức lãi vay 9,5%/ năm cố định trong vòng 24 tháng; mức 7,99%/năm trong vòng 12 tháng và 6,5% trong vòng 6 tháng; thời hạn vay dài nhất là 25 năm, hạn mức cho vay lên đến 90% giá trị căn nhà.
Ngân hàng TMCP Quân đội (MB) mới đây cũng công bố dành 2.500 tỷ đồng cho vay mua BĐS, mua ô tô, sản xuất, kinh doanh… lãi suất áp dụng từ 7%/năm đối với vay mua ô tô, 7,49%/năm với vay mua, xây dựng, sửa chữa nhà đất, cho vay mua nhà, đất dự án và tối thiểu 8,2%/năm khi khách hàng vay phục vụ sản xuất, kinh doanh.
Cho vay đúng đối tượng
Trước quan ngại vốn tín dụng đang chảy mạnh vào BĐS sẽ tạo rủi ro cho nền kinh tế, NHNN đã điều chỉnh cơ cấu cho vay BĐS. Nhờ đó, trong 6 tháng đầu năm 2019, tăng trưởng tín dụng đối với lĩnh vực BĐS đã được kiểm soát theo hướng giảm dần tỷ trọng cấp tín dụng kinh doanh BĐS, hướng nguồn vốn đến phân khúc nhà ở đáp ứng nhu cầu thực của người dân.
Ông Trần Ngọc Linh, Giám đốc Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển (BIDV) - Chi nhánh Bình Dương, cho biết ngân hàng đang lĩnh hội chủ trương siết tín dụng BĐS của cơ quan quản lý rất chặt chẽ. “Gần đây, chúng tôi được yêu cầu kiểm soát chặt chẽ hơn về hồ sơ vay vốn đối với cho vay BĐS, có thêm một số điều kiện trong xét duyệt vay vốn so với năm ngoái. Vì vậy, số hồ sơ đủ điều kiện xét vay BĐS tại đơn vị có thể giảm nhẹ trong những tháng tới”, ông Linh nói.
Theo lãnh đạo các ngân hàng TMCP trên địa bàn tỉnh, việc đầu tư tín dụng đối với lĩnh vực BĐS còn tiềm ẩn nhiều rủi ro đối với ngành ngân hàng. Nguyên nhân là do quy định pháp luật đối với thị trường BĐS còn nhiều bất cập, đặc biệt là các quy định điều chỉnh đối với một số loại hình BĐS mới. Bên cạnh đó, đầu tư kinh doanh BĐS là kênh đầu tư có kỳ vọng lợi nhuận cao dễ dẫn đến đầu cơ trên thị trường; đồng thời vẫn còn tình trạng mất cân đối cung - cầu tại một số phân khúc BĐS… Vì vậy, ngân hàng vẫn phải thận trọng khi cho vay lĩnh vực này.
Ông Võ Đình Phong, Giám đốc NHNN - Chi nhánh Bình Dương, cho biết trong những năm gần đây cơ cấu tín dụng tiếp tục có sự điều chỉnh tích cực, trong đó tín dụng tập trung vào lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên. Trong khi đó, tín dụng đối với một số lĩnh vực nhiều rủi ro như BĐS, chứng khoán… vẫn được ngành ngân hàng kiểm soát tốt.
Trong thời gian tới, NHNN tiếp tục theo dõi chặt chẽ tốc độ tăng trưởng tín dụng BĐS, diễn biến thị trường BĐS để có chỉ đạo điều hành phù hợp; đồng thời tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát đối với các tổ chức tín dụng có tốc độ tăng trưởng tín dụng đối với lĩnh vực kinh doanh BĐS cao, tỷ trọng lớn. Bên cạnh đó, NHNN cũng đẩy mạnh công tác truyền thông về định hướng điều hành, cũng như các điều chỉnh quy định về cấp tín dụng đối với lĩnh vực BĐS.
THANH HỒNG