Kinh tế Bình Dương đột phá- Kỳ 9

Cập nhật: 14-10-2015 | 08:37:25

Kỳ 9: Ngành dịch vụ logistics phát triển mạnh

Hoạt động logistics tại Công ty TNHH MTV Tân Cảng Sóng Thần (phường Bình Hòa, TX.Thuận An)

5 năm qua, chương trình phát triển dịch vụ chất lượng cao của tỉnh Bình Dương đã được triển khai thực hiện đồng bộ, thu hút mọi thành phần kinh tế tham gia; trong đó có sự đóng góp lớn của hoạt động chuyên chở, lưu giữ và cung cấp hàng hóa (logistics), góp phần thúc đẩy kinh tế của Bình Dương phát triển.

Thúc đẩy phát triển kinh tế

Thực hiện Kế hoạch số 3905/KH-UBND ngày 28-12- 2012 của UBND tỉnh về việc phát triển dịch vụ logistics của tỉnh Bình Dương giai đoạn 2011- 2015 và tầm nhìn đến năm 2020, đến nay bước đầu Bình Dương đã đạt được những thành quả nhất định.

Trên địa bàn tỉnh Bình Dương hiện có 4 cảng sông là cảng An Sơn (TX.Thuận An), cảng Thạnh Phước (TX.Tân Uyên), cảng Bình Dương (TX. Dĩ An) và cảng Bà Lụa (TP. Thủ Dầu Một) và 64 bến thủy nội địa đang hoạt động. Các dịch vụ cảng đường sông và bến thủy nội địa hiện đang phát triển mạnh, phục vụ tốt cho việc bốc dỡ hàng hóa, lưu kho và thông quan nội địa.

Bên cạnh đó, hiện Bình Dương có 2 dịch vụ ICD (cảng cạn) là ICD Sóng Thần, Cụm cảng và Trung tâm Logistics Dĩ An. ICD Sóng Thần có cơ sở hạ tầng hoàn chỉnh, trang thiết bị xếp dỡ hiện đại gồm hệ thống kho phân phối, kho ngoại quan với tổng diện tích 500.000m2.

Đi vào hoạt động từ năm 2003, Cụm cảng và Trung tâm Logistics Dĩ An có tổng diện tích quy hoạch là 57 ha, bao gồm 2 giai đoạn và 5 hạng mục chính là: Trung tâm logistics hiện hữu và mở rộng, cảng thủy nội địa, hệ thống đường giao thông kết nối, trung tâm logistics và khu dịch vụ logistics.

Về hệ thống kho bãi hàng hóa, hiện Bình Dương có khoảng 48 doanh nghiệp hoạt động trên lĩnh vực logistics tại các khu công nghiệp, bao gồm các lĩnh vực kinh doanh như: Vận tải và cho thuê container; xây dựng và cho thuê nhà xưởng, kho bãi; dịch vụ đóng nhãn, thu gom, phân phối hàng hóa; dịch vụ tư vấn hỗ trợ xuất nhập khẩu; dịch vụ giao nhận và khai báo hải quan… cơ bản đáp ứng yêu cầu lưu thông hàng hóa trong và ngoài nước của các doanh nghiệp trong tỉnh và Đông Nam bộ…

Đại diện Sở Công thương cho biết những dự án đầu tư vào lĩnh vực logistics tại Bình Dương ngày càng có quy mô hơn, mức độ chuyên môn hóa cao, cung cấp dịch vụ trọn gói đã và đang góp phần quan trọng trong việc thúc đẩy nền kinh tế của địa phương phát triển, đặc biệt là lĩnh vực lưu thông phân phối trong nước và xuất nhập khẩu.

Thu hút đầu tư hạ tầng

Việt Nam đã và đang ký kết các hiệp định thương mại song phương, đa phương như Hiệp định thương mại tự do (FTA) Việt Nam - EU, Hiệp định Đối tác Kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP)... Để tận dụng những lợi thế từ các hiệp định này và tiếp tục thu hút nhiều dự án đầu tư vào Bình Dương cũng như đáp ứng nhu cầu sử dụng dịch vụ logistics của doanh nghiệp ngày càng tăng, Bình Dương đã đề ra mục tiêu phát triển loại hình dịch vụ logistics trên địa bàn.

Theo đó, trong thời gian tới Bình Dương sẽ tiếp tục kêu gọi đầu tư xây dựng các cảng; duy trì hoạt động các bến thủy nội địa hiện hữu bảo đảm đáp ứng nhu cầu vận chuyển du lịch và các mặt hàng nhỏ, lẻ trong và ngoài tỉnh. Bình Dương cũng đề xuất mở thêm một số bến thủy trên các sông Đồng Nai, Sài Gòn và Thị Tính để phục vụ vận chuyển vật liệu xây dựng, phân bón… Đối với hệ thống cảng ICD, tiếp tục triển khai xây dựng giai đoạn 2 dự án Cụm cảng và Trung tâm Logistics Dĩ An với diện tích quy hoạch 20 ha; đồng thời chú trọng phát triển các tuyến vành đai để tăng khả năng kết nối toàn mạng lưới, xây dựng tuyến quốc lộ 13 trên cao, đường vành đai 3 TP.Hồ Chí Minh, trục Đông - Tây Dĩ An… bảo đảm cho lượng hàng hóa lưu thông và xuất khẩu của Bình Dương ngày càng thuận lợi (Còn tiếp).

Đánh giá về tầm quan trọng của ngành logistics đối với sự phát triển kinh tế của Bình Dương, ông Trần Văn Nam, Chủ tịch UBND tỉnh, cho biết trong phát triển kinh tế, Bình Dương luôn chú trọng thu hút các ngành công nghiệp, dịch vụ chất lượng cao, trong đó đặc biệt chú trọng phát triển các loại hình logistics. Đây là một ngành dịch vụ rất có tiềm năng phát triển và phù hợp với chủ trương, định hướng phát triển kinh tế của tỉnh. Với lợi thế rất lớn là nằm trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và có nhiều thuận lợi về vị trí địa lý, hệ thống giao thông, Bình Dương là địa bàn giàu tiềm năng phát triển ngành logistics.

PHƯƠNG LÊ

 

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=1148
Quay lên trên