Kỳ 1: Cải thiện đầu tư, gia tăng xuất khẩu
Sau 8 năm Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) (7.11.2006 - 7.11.2014), kinh tế nước ta đã có bước phát triển mạnh mẽ. Trong thuận lợi chung mà WTO mang lại, kinh tế của Bình Dương đã có sự bứt phá, nổi bật là thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) và xuất khẩu tăng mạnh.
Vốn FDI tăng tốc
Có thể nói, một trong những lĩnh vực kinh tế thành công nhất sau khi Việt Nam tham gia WTO là thu hút vốn FDI. Với thuận lợi về nguồn nhân lực, đất đai, môi trường đầu tư… chỉ trong thời gian ngắn Việt Nam đã trở thành điểm đến hấp dẫn cho doanh nghiệp đầu tư nước ngoài.
Sự tham gia mạnh mẽ của nguồn FDI đưa kim ngạch xuất khẩu của tỉnh tăng trưởng ổn định. Trong ảnh: Sản xuất găng tay xuất khẩu tại Công ty TNHH Showa Gloves (Nhật Bản) tại Khu công nghiệp Việt Nam - Singapore 1 (TX.Thuận An). Ảnh: T.BÌNH
Trong thành quả thu hút vốn FDI vào Việt Nam, Bình Dương nổi lên là một trong những địa phương có nhiều dự án, nguồn vốn và đầu tư hiệu quả nhất của cả nước. Đặc biệt, lãnh đạo tỉnh đã tiếp tục phát huy tính năng động, sáng tạo trong lãnh đạo, điều hành, tập trung xây dựng hạ tầng giao thông, các khu công nghiệp đồng bộ, hiện đại nhằm đón đầu lợi thế cạnh tranh. Nhờ đó, đến thời điểm này Bình Dương trở thành địa phương thứ 4 của cả nước thu hút vốn FDI vượt ngưỡng 20 tỷ đô-la Mỹ.
Sự khác biệt trong thu hút đầu tư vốn FDI trong 8 năm qua là số lượng các quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào tỉnh ngày càng nhiều. Nếu trước đây chủ yếu là các quốc gia và vùng lãnh thổ đến từ châu Á như Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore, Đài Loan… thì đến nay, đã có nhiều doanh nghiệp đến từ Mỹ, Đức, Anh, Hà Lan, Phần Lan, Đan Mạch… Đến nay đã có 39 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào tỉnh.
Ông Marcus IP, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Liên doanh Nam Phương Textile, doanh nghiệp vừa khởi công nhà máy sản xuất vải có vốn đầu tư 120 triệu USD cho biết, sau khi gia nhập WTO kinh tế Việt Nam có tốc độ tăng trưởng tốt và môi trường đầu tư trở nên thuận lợi hơn. Sắp tới Việt Nam ký kết Hiệp định Đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) cũng là lý do để doanh nghiệp chọn lựa đầu tư tại Bình Dương. “Với những thuận lợi đó, chúng tôi tin rằng đầu tư vào Việt Nam sẽ hiệu quả. Sản phẩm của công ty sẽ cạnh tranh tốt ở thị trường các nước”, ông Marcus IP khẳng định.
Ấn tượng xuất siêu
Một thuận lợi nữa là, sau khi Việt Nam gia nhập WTO thị trường xuất khẩu đã mở rộng lên 193 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó hơn 160 thành viên WTO có quan hệ xuất khẩu với các doanh nghiệp tại Bình Dương. Nhờ tỉnh chú trọng phát triển công nghiệp có hàm lượng công nghệ cao, hạn chế tối đa ngành công nghiệp thâm dụng nhiều lao động, đồng thời chú trọng phát triển công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp chế biến hàng xuất khẩu đã từng bước nâng cao sức cạnh tranh sản phẩm công nghiệp của các doanh nghiệp trong tỉnh trên thị trường quốc tế. Nhờ đó, bên cạnh các sản phẩm truyền thống như thủ công mỹ nghệ, mủ cao su, gỗ, giày dép, các sản phẩm từ nông - lâm - thủy sản, xuất khẩu của tỉnh có thêm nhiều ngành hàng có hàm lượng chất xám và năng lực cạnh tranh cao như điện tử, linh kiện, phụ tùng ô tô - xe máy, dược phẩm, mỹ phẩm…; những sản phẩm mới này chiếm tỷ trọng rất cao trong bức tranh xuất khẩu của tỉnh.Cùng với thành tựu thu hút vốn FDI, sau 8 năm Việt Nam gia nhập WTO, lĩnh vực xuất khẩu của tỉnh đã phát triển vượt bậc. Nếu như năm 2006, xuất khẩu của tỉnh đạt chưa đến 5 tỷ đô-la Mỹ/năm thì từ năm 2007 đến nay, xuất khẩu của tỉnh liên tục tăng cao với mức bình quân gần 20%/năm. Năm 2013 xuất khẩu đạt hơn 14,44 tỷ đô-la Mỹ; trong 10 tháng đầu năm 2014 xuất khẩu đạt gần 12,8 tỷ USD, dự kiến cả năm 2014 xuất khẩu đạt 16 tỷ USD.
Hiện nay đang là thời điểm kinh tế thế giới còn gặp nhiều khó khăn, do đó chưa thấy hết được sự tác động tích cực của việc Việt Nam gia nhập WTO. Tuy vậy, trên bình diện chung, WTO đã mang lại nhiều lợi ích thiết thực. Ở góc độ địa phương, kinh tế của Bình Dương đã phát triển mạnh mẽ, thu hút được nhiều nguồn vốn đầu tư và xuất khẩu rất hiệu quả. Song những thành tựu này không phải tự thân mà có, mà đó là kết quả của những nỗ lực, chủ động tận dụng cơ hội trong những năm Việt Nam gia nhập WTO, cũng như sự chuẩn bị tốt về cơ sở hạ tầng giao thông, công nghiệp, nguồn lực phục vụ nhà đầu tư… của lãnh đạo tỉnh. (còn tiếp).
Kết quả thu hút vốn FDI trước và sau khi Việt Nam gia nhập WTO của Bình Dương cho thấy có sự tăng tốc. Nếu như đến tháng 11-2006 toàn tỉnh mới có 1.264 doanh nghiệp FDI với vốn đầu tư 6,3 tỷ USD, bình quân mỗi dự án có vốn đầu tư gần 5 triệu USD thì đến nay, Bình Dương đã có 2.359 dự án với vốn đăng ký đầu tư 20,3 tỷ đô-la Mỹ, tăng 1,86 lần về số lượng dự án và tăng hơn 3,2 lần về vốn đầu tư. Trong số vốn FDI này, ngày càng có nhiều tập đoàn lớn đầu tư vào tỉnh, qua đó nâng vốn bình quân mỗi dự án tăng lên hơn 8,6 triệu USD, gấp 1,7 lần so với thời điểm trước lúc Việt Nam gia nhập WTO.
T.MINH