Năm 2022, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của cả nước ước đạt 731,5 tỷ đô la Mỹ, tăng 9,5% so với năm 2021, trong đó xuất khẩu tăng 10,6% và nhập khẩu tăng 8,4%, xuất siêu 11,2 tỷ đô la Mỹ. Với những nỗ lực vượt khó, Bình Dương đã xuất siêu 9,1 tỷ đô la Mỹ/11,2 tỷ đô la Mỹ cả nước, con số này đã góp phần mang cân đối cán cân thương mại, mang lại giá trị thặng dư cao. Hơn 50% doanh nghiệp (DN) trong cuộc điều tra mới đây tin tưởng năm 2023 sản xuất, kinh doanh sẽ ổn định, kinh tế Bình Dương sẽ tiếp tục tăng trưởng.
Hơn 50% DN trong cuộc khảo sát mới đây tin tưởng sản xuất, kinh doanh trong quý I-2023 sẽ ổn định và nhiều triển vọng tăng trưởng tốt
Phục hồi mạnh
Năm 2022, mặc dù còn chịu nhiều tác động tiêu cực chung của kinh tế thế giới, nhưng nỗ lực vượt khó, triển khai nhiều giải pháp tháo gỡ khó khăn, nền kinh tế Bình Dương phục hồi khá tốt sau thời gian dịch bệnh. Đánh giá của Cục Thống kê tỉnh nhìn nhận, trong 6 tháng đầu năm 2022, hầu hết các chỉ tiêu kinh tế - xã hội của tỉnh có mức tăng trưởng khá cao so với cùng kỳ năm 2021.
Tuy nhiên, do ảnh hưởng xung đột giữa Nga - Ukraine, giá xăng dầu, khí đốt tăng cao làm tăng chí phí vận tải, sản xuất, kinh doanh của DN, lạm phát tăng cao tại nhiều nước trên thế giới làm cầu tiêu dùng của thị trường giảm. Cùng với đó, chính sách Zero Covid của Trung Quốc làm gián đoạn nguồn cung nguyên vật liệu cho sản xuất. Bên cạnh đó, do thiếu hụt lực lượng lao động có tay nghề cao, chậm giải ngân vốn đầu tư công và phát sinh các khoản tăng chi cho an sinh xã hội cũng gây nên những rào cản trong phát triển.
Ông Ngô Văn Mít, Cục trưởng Cục Thống kê Bình Dương, cho biết dữ liệu thống kê cho thấy, trong 6 tháng cuối năm 2022, tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh gặp nhiều khó khăn. Rõ nét nhất là từ tháng 7-2022 đến nay, trị giá xuất khẩu hàng hóa của tỉnh giảm mạnh, từ mức bình quân 3,3 - 3,4 tỷ đô la Mỹ/tháng ở các tháng đầu năm. đến tháng 7-2022 giảm còn 2,9 tỷ đô la Mỹ. Tiếp tục giảm dần đến tháng 11-2022 chỉ còn 2,5 tỷ đô la Mỹ, giảm từ 500 - 900 triệu đô la Mỹ hàng hóa xuất khẩu/tháng so với các tháng đầu năm 2022.
Tuy nhiên, với quyết tâm cao, UBND tỉnh đã triển khai thực hiện nhanh chóng các nghị quyết, văn bản của Chính phủ, bộ ngành Trung ương và của Tỉnh ủy, HĐND tỉnh về phát triển kinh tế - xã hội năm 2022 theo từng tháng, từng quý nên hoạt động sản xuất, kinh doanh có xu hướng phục hồi ổn định và đời sống người dân được cải thiện, tình hình kinh tế - xã hội đạt được nhiều kết quả tích cực. Cụ thể, tổng sản phẩm trong tỉnh (GRDP) ước tăng 8% so với cùng kỳ (kế hoạch tăng 8 - 8,3%). Điều đáng khích lệ khi GRDP bình quân đầu người của tỉnh năm 2022 tăng thêm 10 triệu đồng, đạt 166 triệu đồng/ năm so với năm 2021 là 156 triệu đồng/năm.
Nỗ lực cao
Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư, tính từ đầu năm đến ngày 15- 12, tỉnh đã thu hút được 6.235 DN đăng ký kinh doanh mới, với tổng số vốn 40.165,5 tỷ đồng; 1.681 DN điều chỉnh tăng vốn, với tổng số vốn tăng thêm 62.900 tỷ đồng. Khu vực đầu tư trực tiếp nước ngoài năm 2022 đã thu hút 3,1 tỷ đô la Mỹ, tăng 48,8% so với cùng kỳ. Trong đó cấp giấy chứng nhận đầu tư mới 69 dự án với tổng số vốn đăng ký 1,9 tỷ đô la Mỹ và 22 dự án điều chỉnh vốn với tổng vốn tăng 23,7 triệu đô la Mỹ, góp vốn, mua cổ phần 172 dự án với tổng vốn gần 1,17 tỷ đô la Mỹ, tăng 74,3% so với năm 2021.
Lĩnh vực thương mại, dịch vụ của tỉnh cũng có nhiều tín hiệu tích cực. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng năm 2022 đạt 269.290 tỷ đồng, tăng 16,8% so với cùng kỳ. Vốn đầu tư phát triển toàn xã hội đạt 150.188 tỷ đồng, trong đó nguồn vốn ngoài Nhà nước 79.327 tỷ đồng, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài 60.484 tỷ đồng.
Trong năm 2022 dù còn gặp vô vàn khó khăn, nhưng tỉnh đã nỗ lực thực hiện khá tốt công tác đầu từ công, đưa tỷ lệ giải ngân vốn lên mức cao nhất có thể. Nguyên nhân dẫn đến việc thực hiện vốn đầu tư công trong năm 2022 chưa đạt kỳ vọng, do còn tồn tại một số nguyên nhân bất cập chung của cả nước chưa thể khắc phục triệt để. Bên cạnh đó, một số nguyên nhân như giá nguyên vật liệu xây dựng tăng đột biến trong thời gian qua cũng ảnh hưởng nhất định đến tiến độ thực hiện của nguồn vốn đầu tư công, có tình trạng nhà thầu thi công cầm chừng để chờ giá vật liệu hạ nhiệt, nhất là những nhà thầu ký hợp đồng với đơn giá cố định…
Tỉnh đã triển khai khởi công nhiều công trình trọng điểm mang tính liên kết vùng, đồng thời hoàn thành đưa vào sử dụng nhiều công trình trọng điểm trên các lĩnh vực của tỉnh cũng như các địa phương. Theo đó, giải ngân kế hoạch đầu tư công 4.404 tỷ đồng, đạt 50,6% kế hoạch, đã đóng góp đáng kể để khôi phục, phát triển kinh tế - xã hội.
Năm 2023, tỉnh sẽ tập trung tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, quyết tâm điều hành, tổ chức thực hiện thắng lợi kế hoạch đầu tư công. Khẩn trương hoàn tất các thủ tục pháp lý, bố trí đủ vốn, tiến hành đền bù, khởi công một số dự án hạ tầng giao thông trọng điểm như đường Vành đai 3, Vành đai 4, đường cao tốc TP.Hồ Chí Minh - Thủ Dầu Một - Chơn Thành... Tiếp tục thực hiện quyết liệt cải cách hành chính, chuyển đổi số, xây dựng chính quyền điện tử và đô thị thông minh; cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh nhằm phát triển bền vững.
Kết quả điều tra xu hướng kinh doanh tại 448 DN thuộc ngành công nghiệp chế biến, chế tạo trong toàn tỉnh, cho thấy có 13,5% số DN đánh giá tình hình sản xuất, kinh doanh trong quý IV-2022 tốt hơn quý trước, có 59,8% số DN đánh giá khó khăn và 26,7% số DN cho rằng tình hình sản xuất, kinh doanh ổn định. Trong các yếu tố chủ yếu ảnh hưởng đến sản xuất, kinh doanh của DN trong quý IV có 54% DN đánh giá do nhu cầu thị trường quốc tế thấp; 16,1% DN cho rằng do không tuyển được lao động theo yêu cầu; có 17,8% DN đánh giá do thiếu nguyên nhiên vật liệu; có 31,6% DN cho rằng do gặp khó khăn về tài chính; 5,3% DN đánh giá do thiết bị công nghệ lạc hậu. Tuy vậy, có 50,4% DN trong cuộc điều tra đánh giá, trong quý I của năm 2023 tình hình sản xuất, kinh doanh sẽ ổn định và tốt hơn, trong đó có 20% số DN đánh giá xu hướng sẽ tốt lên và 30,4% số DN cho rằng tình hình sản xuất, kinh doanh ổn định. |
MINH DUY