Tổng kết một chặng đường vinh quang, tiếp tục hành trình hướng ra biển lớn

Cập nhật: 21-04-2022 | 08:08:34

Sáng 20-4, phiên toàn thể Hội thảo khoa học “Tiếp nối truyền thống, tỉnh Bình Dương chặng đường 1/4 thế kỷ: Thành tựu và triển vọng” đã diễn ra với sự tham gia của 750 đại biểu tham dự. Chủ trì điều hành phiên toàn thể có đồng chí Nguyễn Văn Lợi, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh; PGS-TS Đoàn Minh Huấn, Ủy vi ên Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản; GS-TS Tạ Ngọc Tấn, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Lý luận Trung ương; TS. Nguyễn Hoàng Thao, Phó Bí Thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng ban Tổ chức hội thảo; đồng chí Võ Văn Minh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Phó trưởng Ban Tổ chức hội thảo .

Về phía khách mời, tham dự phiên toàn thể có đồng chí Nguyễn Minh Triết, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch nước, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Sông Bé; lãnh đạo và một số ủy viên Hội đồng Lý luận Trung ương; đại diện lãnh đạo các cơ quan Trung ương; các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo tỉnh Sông Bé, Bình Dương, Bình Phước qua các thời kỳ cùng sự tham dự của lãnh đạo các địa phương nước ngoài có ký kết chương trình hợp tác với tỉnh Bình Dương, đại diện các tổ chức quốc tế mà Bình Dương là thành viên; đại diện các cơ quan ngoại giao Việt Nam ở nước ngoài và cơ quan ngoại giao nước ngoài ở Việt Nam; đại diện các viện, trường, các chuyên gia, các nhà khoa học, nhà nghiên cứu, lãnh đạo các ban ngành địa phương trong tỉnh, lãnh đạo các hội, hiệp hội doanh nghiệp.

Toàn cảnh phiên toàn thể Hội thảo “Tiếp nối truyền thống, tỉnh Bình Dương chặng đường 1/4 thế kỷ: Thành tựu và triển vọng”. Ảnh: QUỐC CHIẾN

Kết tinh từ tinh thần đoàn kết, thống nhất, sáng tạo, đổi mới

Phát biểu khai mạc phiên toàn thể, đồng chí Nguyễn Văn Lợi khẳng định, hội thảo lần này có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, là dịp để Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Bình Dương bày tỏ sự tri ân đối với các thế hệ cha anh đi trước đã dày công xây dựng, gìn giữ và không ngừng vun đắp truyền thống đoàn kết, năng động, sáng tạo và nghĩa tình của người Sông Bé - Bình Dương; đã vượt qua vô vàn khó khăn, thử thách để kiến thiết, xây dựng vùng đất Sông Bé - Bình Dương không ngừng phát triển trong suốt 47 năm qua - kể từ ngày miền Nam được hoàn toàn giải phóng. Đặc biệt là 25 năm kể từ ngày 1-1-1997 - tỉnh Bình Dương được thành lập trên cơ sở chia tách từ tỉnh Sông Bé.

Hồi tưởng lại chặng đường đã qua, Bí thư Tỉnh ủy nhắc nhớ về câu chuyện Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Sông Bé bước vào thực hiện công cuộc kiến thiết, xây dựng quê hương trong điều kiện vô vàn khó khăn về mọi mặt. Từ những năm 1990, với tư tưởng nhạy bén và những quyết sách mang tính đột phá của Đảng bộ tỉnh Sông Bé; các thế hệ lãnh đạo tỉnh đã năng động, sáng tạo triển khai chủ trương “trải thảm đỏ thu hút đầu tư” và “trải chiếu hoa mời gọi nhân tài” để huy động các nguồn lực, đón làn sóng đầu tư của các doanh nghiệp trong và ngoài nước đến xây dựng quê hương Bình Dương. Đây là những viên gạch đầu tiên đặt nền móng cho tỉnh Bình Dương tiếp tục phát triển kể từ ngày 1-1-1997 đến nay.

Đồng chí Nguyễn Minh Triết (bên trái, hàng đầu), nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch nước cùng các đồng chí nguyên lãnh đạo tỉnh tham dự phiên toàn thể Hội thảo khoa học “Tiếp nối truyền thống, tỉnh Bình Dương chặng đường 1/4 thế kỷ: Thành tựu và triển vọng”. Ảnh: QUỐC CHIẾN

Kế thừa những thành quả rất quan trọng của tỉnh Sông Bé, suốt 25 năm qua, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Bình Dương luôn trăn trở, nỗ lực, bền bỉ phấn đấu, tìm cách bứt phá đi lên. Từ thực tiễn khó khăn của mình, Bình Dương đã quyết định tập trung xây dựng chiến lược phát triển kinh tế theo hướng hiện đại dựa trên phát huy lợi thế vị trí địa lý, nguồn lực sẵn có và tạo lập môi trường hấp dẫn thu hút vốn đầu tư trong và ngoài nước. Tỉnh chủ trương khuyến khích và tạo mọi điều kiện thuận lợi để các thành phần kinh tế đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh; kêu gọi và thu hút các nhà đầu tư, các tập đoàn kinh tế trên thế giới đến đầu tư cùng phát triển.

Những thành tựu của Bình Dương trong 1/4 thế kỷ qua là sản phẩm kết tinh từ tinh thần đoàn kết, thống nhất, sáng tạo, đổi mới; là kết quả của cả một quá trình nỗ lực, phấn đấu bền bỉ, liên tục qua nhiều nhiệm kỳ của các thế hệ cán bộ lãnh đạo, của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân trong tỉnh; đặc biệt là nhờ có sự quan tâm chỉ đạo, tạo điều kiện của Trung ương; sự phối hợp, hỗ trợ kịp thời của các địa phương, các nhà khoa học, chuyên gia trong và ngoài nước.

 

Nhờ đó, từ một tỉnh nông nghiệp là chủ yếu, đến nay Bình Dương đã chuyển mình, vươn lên trở thành một tỉnh phát triển, có tốc độ công nghiệp hóa, đô thị hóa cao trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực. Từ một tỉnh dựa chủ yếu vào nông nghiệp, đến nay tỷ trọng khu vực nông nghiệp chỉ còn khoảng 3%, công nghiệp 67% và dịch vụ 21%. Bình Dương đã bứt phá vươn lên trở thành điểm sáng thu hút đầu tư trong cả nước. Riêng đầu tư nước ngoài, đến nay đạt trên 39 tỷ đô la Mỹ. Hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, hạ tầng giao thông được đầu tư ngày càng đồng bộ, hiện đại. Tốc độ đô thị hóa nhanh, đạt tỷ lệ trên 82% và 4 năm liên tiếp gần đây, Diễn đàn cộng đồng thông minh thế giới đã vinh danh Vùng thông minh Bình Dương là 1 trong 21 cộng đồng có chiến lược phát triển thành phố thông minh tiêu biểu trên thế giới. Lĩnh vực văn hóa, xã hội tiếp tục phát triển, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được nâng lên. Công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị đạt nhiều kết quả tích cực. Quốc phòng - an ninh được giữ vững. Uy tín, thương hiệu và hình ảnh của Bình Dương ngày càng được nâng cao trong nước và trên thế giới.

Thành công từ xây dựng cơ chế, chính sách tốt

Tại phiên toàn thể Hội thảo “Tiếp nối truyền thống, tỉnh Bình Dương chặng đường 1/4 thế kỷ: Thành tựu và triển vọng”, PGS-TS Nguyễn Văn Hiệp, Chủ tịch Hội đồng trường Đại học Thủ Dầu Một khẳng định, trong 25 năm tiếp nối con đường đổi mới (1997-2022), Bình Dương đã có nhiều chính sách và giải pháp phát triển kinh tế - xã hội vượt trội, từ kích hoạt đầu tư đến chuyển đổi cơ cấu kinh tế, tìm và góp phần xây dựng quy chế cho khu công nghiệp; đột phá xây dựng cơ sở hạ tầng, khơi thông nguồn lực trong nước và quốc tế, phát triển đô thị, nông thôn theo hướng văn minh, hiện đại; sáng tạo giải quyết các vấn đề xã hội. Những chính sách này đã giúp Bình Dương khai mở lộ trình công nghiệp hóa và làm nên dấu ấn của một thời kỳ phát triển sôi động nhất trong lịch sử địa phương, cũng như trong công cuộc đổi mới của đất nước. Bình Dương đang cần một chu kỳ phát triển mới, với những chính sách giải pháp vượt trội mới. PGS-TS Nguyễn Văn Hiệp đề xuất tỉnh Bình Dương cần xem xét mô hình tăng trưởng để tìm điểm kích hoạt cho giai đoạn mới, hoạch định một chiến lược đô thị hóa kết hợp giữa quy hoạch vật lý và quy hoạch xã hội, kiến tạo bản sắc theo không gian địa hình và không gian văn hóa xã hội, sớm xác lập quan điểm về quy hoạch và quản lý dân cư theo hướng tiên tiến, hiện đại; xây dựng chiến lược phát triển lao động và xã hội đạt trình độ ASEAN, các tiêu chuẩn về lao động và xã hội theo các chuẩn mực phù hợp với tiêu chuẩn của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO); phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao phù hợp với nhu cầu của thời đại công nghiệp 4.0

Để bước sang một giai đoạn mới, bỏ lại phía sau những thách thức, theo PGS-TS Vũ Tuấn Hưng, Viện Khoa học xã hội vùng Nam bộ, Bình Dương cần xây dựng chính sách đãi ngộ đa dạng, hợp lý để đội ngũ công chức, viên chức bảo đảm được đời sống ở mức trung bình khá trong xã hội. Các chính sách được ban hành cần đồng bộ với nhau từ việc thu hút, tuyển dụng, đào tạo, sắp xếp việc làm, đánh giá thi đua, khen thưởng... để khuyến khích, giữ chân lực lượng nhân lực làm việc trong khu vực công. Bên cạnh đó, tỉnh tiếp tục hoàn thiện cơ chế quản lý cán bộ, công chức như: Tiêu chuẩn về ngạch công chức, vị trí việc làm, nâng ngạch...; cơ chế loại bỏ, kỷ luật những người không hoàn thành nhiệm vụ, vi phạm kỷ luật... để bảo đảm sự công bằng, khách quan giữa người làm được việc và người không làm được việc.

“Tỉnh cần thu hút, sử dụng cán bộ, công chức đúng với chuyên môn, năng lực để các cá nhân có thể được phát huy hết khả năng, năng lực, kiến thức, giá trị của bản thân; xây dựng môi trường làm việc lý tưởng để thu hút được nhiều hơn nhân tài vào làm việc trong khu vực công vì môi trường làm việc sáng tạo, phương tiện làm việc hiện đại, thông tin công việc minh bạch, công khai, đầy đủ. Điều này sẽ khiến cho các cá nhân làm việc trong điều kiện đó cống hiến hơn trong công việc, giữ họ làm việc, gắn bó lâu hơn với tổ chức...”, PGS-TS Vũ Tuấn Hưng đề xuất.

Điển hình của kinh tế Nhà nước theo định hướng Xã hội chủ nghĩa

Cả PGS-TS Trần Đình Thiên, thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ, PGS-TS Trần Du Lịch, thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ và rất nhiều học giả khác đều thống nhất rằng thành công của Bình Dương luôn có bóng dáng của “cánh chim đại bàng Becamex IDC”. Và Becamex IDC không chỉ mang tầm vóc trụ cột trong việc sát cánh cùng Bình Dương qua từng giai đoạn phát triển cụ thể mà đó còn là minh chứng rõ ràng vai trò của kinh tế Nhà nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Thành công từ Becamex IDC bác bỏ các hoài nghi rằng vai trò của kinh tế Nhà nước là không hiệu quả. Để rồi, tất cả phải nhìn lại vấn đề rằng Bacamex IDC, mô hình kinh tế nhà nước đã có tầm nhìn đúng đắn, hiểu được sứ mệnh phát triển cùng với sự phát triển của địa phương, tham gia vào cả lý luận lẫn thực tiễn để kiến tạo nên một Bình Dương với một vị thế vững vàng sau 25 năm.

Đồng chí Nguyễn Văn Lợi, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh tham quan mô hình công nghệ triển lãm trong khuôn khổ chương trình hội thảo

Ông Phạm Ngọc Thuận, Tổng Giám đốc Becamex IDC cho rằng những thành quả đạt được là nhờ sự hỗ trợ của nhiều đối tác và bạn bè quốc tế, là quá trình thu hút và học hỏi từ các đối tác, từng bước định hình mô hình phát triển của tỉnh, tiến từng nấc thang trong quá trình phát triển.

Trong giai đoạn mới, Bình Dương là một trong những tỉnh đầu tiên trong cả nước phải đối mặt với bẫy thu nhập trung bình. Chính vì thế, Bình Dương càng cần phải sớm đổi mới mô hình phát triển, tập trung vào phát triển những hệ sinh thái kiểu mới, hệ sinh thái công nghiệp thông minh, lấy đổi mới sáng tạo và khoa học công nghệ làm động lực, lấy việc phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao làm trọng tâm, trên nền tảng triết lý phát triển của tỉnh: “Môi trường đầu tư hiệu quả - Xã hội nhân văn hài hòa - Chính quyền năng động kiến tạo”. Bình Dương tự tin sẽ vượt qua được thách thức, vươn lên một phân khúc mới, đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Đề xuất, gợi mở về hướng đi mới

Đề xuất, gợi mở hướng đi mới cho Bình Dương, PGS-TS Trần Đình Thiên, thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh, cộng hưởng cơ hội và áp lực phát triển ở “vị trí mới” được xác lập tạo cho Bình Dương một vị thế mới, đặt tỉnh vào một tình thế buộc phải thay đổi căn bản cách tiếp cận phát triển. Bình Dương phải lựa chọn và triển khai một chiến lược phát triển mới bảo đảm khai thác tiềm năng và lợi thế vốn có nhưng hầu như chưa được “đánh thức” do không đủ nguồn lực và thiếu những điều kiện kích phát tối thiểu, biến chúng thành lợi thế cạnh tranh hiện thực. Đó là yêu cầu tối thượng, cũng là định hướng hành động có tính nguyên tắc cho mọi nỗ lực phát triển của Bình Dương cho đến tận hôm nay.

Để bước đi trên con đường đó, Bình Dương đã phải nỗ lực, sáng tạo, trả giá bằng cả những mất mát song đó là con đường đúng đắn, dũng cảm nhất mà Bình Dương đã chọn. PGS-TS Trần Đình Thiên mong muốn Trung ương có những cơ chế đặc biệt dành cho Bình Dương để Bình Dương không còn đối diện với những rủi ro trên con đường mà tỉnh đã chọn; bên cạnh đó, cần có cách nhìn nhận đánh giá riêng Bình Dương để đúc kết kinh nghiệm cho cả nước học hỏi như là điển hình của câu chuyện dám nghĩ, dám làm.

Trong khi đó, TS. Trần Du Lịch, thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ cho rằng, sau 1⁄4 thế kỷ, Bình Dương đã trở thành một tỉnh công nghiệp (xét theo cơ cấu giá trị trong cơ cấu kinh tế). Nhưng để phát triển bền vững, Bình Dương cũng đang đứng trước 3 thách thức lớn cần được giải quyết, là: (1) Cơ chế quản lý nhà nước trên địa bàn còn nhiều bất cập, chưa phát huy sự năng động, sáng tạo; tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm của chính quyền địa phương trong việc huy động nguồn lực cho sự phát triển. (2) Hạ tầng giao thông kết nối vùng vẫn chưa thể nối kết thuận lợi để khai thác lợi thế trong giao lưu hàng hóa và phát triển đô thị. (3) Khu vực thương mại - dịch vụ tăng trưởng chậm; các khu đô thị mới không thu hút được dân cư; lao động nhập cư tạo ra áp lực lớn về mặt xã hội. Điều này đặt ra thách thức đối với Bình Dương trong hành trình phía trước mà muốn giải quyết được Bình Dương phải có hướng đi đúng đắn đặt trong bối cảnh Chính phủ có những cơ chế đặc thù cho vùng kinh tế trọng điểm phát triển.

Tổng thuật tại hội thảo, TS. Nguyễn Hoàng Thao đánh giá, theo chủ đề hội thảo, những kết quả thu được trong quá trình chuẩn bị vừa qua và những kết quả diễn ra trong 2 ngày hội thảo (19 và 20-4), cho thấy về cơ bản hội thảo đã hoàn thành nhiệm vụ, đạt được mục tiêu đề ra, khẳng định sự kiện chia tách và thành lập tỉnh Bình Dương của Đảng, Nhà nước là quyết sách đúng đắn; thể hiện tầm nhìn xa, trông rộng và trách nhiệm to lớn trước quyền lợi và tương lai của nhân dân Bình Dương; nhờ đó đã mở đầu thời kỳ mới cho sự phát triển đột phá trong 1/4 thế kỷ qua. Đó cũng là tiền đề để Bình Dương tiếp tục hành trình hướng ra biển lớn, xây dựng tỉnh Bình Dương ngày càng giàu mạnh.

GS-TS Tạ Ngọc Tấn, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Lý luận Trung ương:
Với những thành công từ hội thảo lần này, Bình Dương đã và đang có những thế và lực mới để đi tiếp con đường mà tỉnh lựa chọn. Với sự cầu thị, năng động, sáng tạo vốn có, kỳ vọng rằng trong giai đoạn mới, Bình Dương vững vàng bước đi trên con đường mà tỉnh lựa chọn, không chỉ vươn xa trong khu vực mà có thể sánh ngang bằng những thành phố mà Bình Dương đã và đang học hỏi, kết nối.
PGS-TS Mai Thanh Phong, Hiệu trưởng trường Đại học Bách Khoa TP.Hồ Chí Minh:
Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra đã thúc đẩy khoa học và công nghệ phát triển mạnh mẽ nhằm tạo hiệu suất lao động cao hơn. Bình Dương với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2030 cần xem khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo là một nội dung quan trọng trong các đột phá chiến lược và được xác định là động lực chính để tăng trưởng kinh tế. Đây sẽ là hướng đột phá để Bình Dương vươn xa.

TIỂU MY

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=2566
Quay lên trên