Bình Dương - Dấu ấn 1/4 thế kỷ- Bài 8

Cập nhật: 29-12-2021 | 08:53:11

Bài 7: Nông nghiệp phát triển, nông thôn đổi mới

Bài 8: Giáo dục - Đào tạo phát triển vượt bậc

Trong 25 năm xây dựng và phát triển, ngay từ những năm đầu tách tỉnh, Bình Dương đã xác định phát triển giáo dục - đào tạo (GD-ĐT) là mục tiêu hàng đầu, là động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Với sự quan tâm đầu tư đúng mức, sự nghiệp giáo dục của tỉnh đã có bước phát triển vượt bậc, không chỉ góp phần nâng cao dân trí mà còn đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ công nghiệp hóa, hiện đại hóa của tỉnh nhà.

Trường lớp đáp ứng nhu cầu học tập

Là người con của mảnh đất Sông Bé - Bình Dương, đồng thời nhiều năm gắn bó với ngành GD-ĐT, phóng viên đã chứng kiến sự thay đổi không ngừng về mọi mặt của sự nghiệp “trồng người” tỉnh nhà. Nhìn lại năm 1997, số trường được lầu hóa trên địa bàn tỉnh rất ít, đa số là phòng học cấp 4. Vậy mà 25 năm sau, hệ thống trường lớp đã phát triển rộng khắp các địa phương. Từ nông thôn đến thành thị, trường lầu mọc lên ngày càng nhiều, con em nhân dân được tạo điều kiện học tập ở nơi gần nhất. Đến nay, cơ sở vật chất trường lớp cơ bản đáp ứng yêu cầu quy mô phát triển giáo dục. Hiện nay, toàn tỉnh có 728 đơn vị trường học với hơn 499.000 học sinh (HS), có 303/384 trường công lập được lầu hóa, đạt tỷ lệ 78.9%.

Trường THPT Chuyên Hùng Vương (TP.Thủ Dầu Một) tuyên dương, khen thưởng HS đạt giải HS giỏi quốc gia năm học 2019-2020

Ngoài dáng vẻ bề thế, khang trang, các trường còn xây dựng trường học “xanh, sạch, đẹp”. Màu xanh của hoa, cây xanh phủ khắp sân trường. Các trường mầm non, tiểu học còn được trang trí, điểm xuyết thêm bằng các tiểu cảnh, thư viện xanh ở mọi góc sân trường… tạo cho HS tâm lý “mỗi ngày đến trường là một ngày vui”. Trường học không chỉ sạch đẹp, đáp ứng xu thế dạy học hiện đại, các trang thiết bị dạy học hiện đại cũng được ngành GD-ĐT trang bị, đầu tư cho các trường. Tại nhiều trường học trong tỉnh, trong các lớp học thầy trò cùng dạy và học qua bảng tương tác thông minh, các máy chiếu dần thay thế cho bảng đen; phòng học lab, hệ thống âm thanh dạy học tiếng Anh cũng được trang bị cho nhiều trường học.

Cùng với quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, đội ngũ nhà giáo cũng được nâng tầm nhằm đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT. Theo đánh giá của ngành GD-ĐT, phần lớn giáo viên và cán bộ quản lý được bồi dưỡng và có ý thức tự bồi dưỡng để nâng cao năng lực chuyên môn và năng lực quản lý. Đến nay, gần 100% giáo viên và cán bộ quản lý được đào tạo đạt chuẩn trở lên. Ngành thường xuyên rà soát, bổ sung biên chế qua từng năm học nhằm đáp ứng nhu cầu học tập, phát triển ngày càng cao của xã hội, đáp ứng được yêu cầu đổi mới của ngành.

Chỉ tính trong 5 năm trở lại đây, ngành chú trọng phát triển đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục về năng lực chuyên môn, kỹ năng xây dựng và thực hiện kế hoạch giáo dục theo định hướng phát triển năng lực HS; đổi mới phương pháp dạy học, kiểm tra đánh giá, tổ chức các hoạt động trải nghiệm sáng tạo; tăng cường giáo dục phát triển thể chất, đạo đức, lối sống, kỹ năng, giáo dục khởi nghiệp phù hợp với từng cấp học; phòng chống bạo lực học đường. Cán bộ quản lý và giáo viên của tỉnh không ngừng đổi mới, sáng tạo trong giảng dạy. Các thầy cô đã tổ chức nhiều hình thức dạy học tích cực, dạy học tích hợp liên môn, sử dụng thiết bị dạy học hiện đại, đưa STEM vào giảng dạy cho HS…

Chất lượng vượt trội

Quan tâm chăm lo sự nghiệp “trồng người”, hàng năm, tỉnh luôn ưu tiên dành ngân sách chi cho sự nghiệp giáo dục. Chính từ sự đầu tư đúng mức về cơ sở vật chất, thiết bị, đội ngũ… chất lượng giáo dục của tỉnh đã có bước tiến đáng kể. Trong các kỳ thi tốt nghiệp THPT gần đây, Bình Dương đã tạo được tiếng vang trong cả nước về kết quả thi tốt nghiệp THPT. Cụ thể, năm 2020 Bình Dương xếp thứ 2 trong cả nước về điểm trung bình chung các môn thi tốt nghiệp THPT, nhiều môn thi xếp thứ hai và thứ ba trong cả nước. Ở kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021, Bình Dương đã có sự bứt phá khi dẫn đầu cả nước về kết quả tốt nghiệp. Trong đó, tỷ lệ tốt nghiệp khối THPT đạt 99,95%, điểm trung bình chung các môn thi là 7,030 điểm, xếp hạng 1/63 tỉnh, thành phố trên cả nước; điểm trung bình của 7/9 môn thi được xếp hạng nhất, nhì, ba trên cả nước. Kết quả đối sánh điểm thi tốt nghiệp THPT và điểm học bạ lớp 12 các môn: Toán, vật lý, sinh học có độ lệch thấp nhất trong 63 tỉnh thành.

Qua 25 năm đầu tư cho sự nghiệp “trồng người”, giờ đây chất lượng giáo dục của tỉnh đã đồng đều giữa các vùng miền. Trong các kỳ thi tốt nghiệp THPT, nhiều trường ở vùng nông thôn có tỷ lệ HS tốt nghiệp THPT đạt 100%. Sánh vai với HS ở các địa bàn đô thị phía Nam, HS các trường những địa phương phía Bắc như huyện Phú Giáo, Dầu Tiếng năm nào cũng có HS trúng tuyển vào các trường đại học thuộc tốp đầu. Tại những sân chơi trí tuệ do ngành GD-ĐT tổ chức như: HS giỏi văn - giải thưởng Sao Khuê, HS giỏi toán - giải thưởng Lương Thế Vinh, hay các cuộc thi khoa học kỹ thuật, thi sáng tạo khoa học kỹ thuật dành cho thanh thiếu niên và nhi đồng bao giờ cũng có HS ở những vùng nông thôn dành được giải thưởng.

Chất lượng giáo dục đại trà ngày một nâng lên, Bình Dương còn khẳng định hiệu quả GD-ĐT qua chất lượng giáo dục mũi nhọn. Tại các kỳ thi HS giỏi quốc gia trong những năm gần đây, số HS đạt giải liên tục tăng; có năm, HS tỉnh nhà đã đạt được giải nhất. Với tinh thần hiếu học, tại cuộc thi khoa học kỹ thuật cấp quốc gia, năm nào HS Bình Dương cũng đem vinh quang về cho tỉnh qua những giải thưởng các em đã giành được. (Còn tiếp)

Xây dựng xã hội học tập, trường lớp ở bậc phổ thông được đầu tư; hệ thống các trường đại học, cao đẳng, dạy nghề trên địa bàn tỉnh phát triển đa dạng, đáp ứng nhu cầu học tập của các tầng lớp nhân dân. Việc đa dạng các loại hình trường lớp theo hướng xã hội hóa giáo dục được tỉnh chú trọng.

* Tiến sĩ Nguyễn Thị Nhật Hằng, Giám đốc Sở GD-ĐT:
25 năm qua, sự nghiệp GD-ĐT của tỉnh phát triển khá đồng bộ về quy mô, chất lượng, cơ sở vật chất và đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý. Công tác xã hội hóa giáo dục được đẩy mạnh. Quy mô trường lớp từng bước được mở rộng với nhiều loại hình như trường công lập, bán công, dân lập, các trường chuyên nghiệp, dạy nghề, các trường đại học theo tiêu chuẩn quốc tế nhằm đáp ứng nhu cầu nâng cao dân trí, đào tạo nguồn nhân lực của tỉnh. Tỉnh quan tâm bổ sung đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục, từng bước chuẩn hóa về chất lượng; duy trì tỷ lệ thỏa đáng từ tổng chi ngân sách hàng năm để đầu tư phát triển cơ sở vật chất cho ngành cơ bản đáp ứng được yêu cầu, bảo đảm chất lượng dạy và học.
* Nhà giáo ưu tú Nguyễn Văn Sơn, Hiệu trưởng trường THPT Chuyên Hùng Vương:
Được tỉnh quan tâm đầu tư mọi mặt cho ngành GD-ĐT, chất lượng giáo dục đại trà và mũi nhọn của tỉnh đi lên từng bước vững chắc. Nhiều năm qua, tỉnh đã đầu tư cho giáo dục đồng bộ và ngày càng tăng lên từ cơ sở vật chất, đến đội ngũ; từ mầm non đến THPT, giáo dục đại học. Đặc biệt, ngành còn được tỉnh đầu tư cho trường chuyên, trường THPT chất lượng cao, trường THCS tạo nguồn. Ngoài ra, tỉnh còn tạo điều kiện phát triển hệ thống trường ngoài công lập. Điều này đã góp phần cùng với hệ thống trường công lập đáp ứng nhu cầu học tập của nhân dân địa phương.
* Thầy Trần Công Thành, Hiệu trưởng trường Tiểu học Bình Mỹ (huyện Bắc Tân Uyên):
Tôi vào ngành từ năm 1991, đã công tác tại nhiều trường học của huyện Tân Uyên trước đây, hiện nay là Bắc Tân Uyên. Gắn bó lâu năm với ngành, tôi đã chứng kiến sự nghiệp GD-ĐT tỉnh nhà có sự thay đổi lớn, nhất là từ năm 1997 đến nay. Giai đoạn mới tách tỉnh, trường lớp một số địa phương ở Tân Uyên còn tạm bợ, chủ yếu là cấp 4. Được sự quan tâm của tỉnh, ngành, chính quyền địa phương và toàn xã hội, trường học từ mầm non, tiểu học THCS, THPT trên địa bàn huyện đã dần được lầu hóa, nhiều trường đạt chuẩn quốc gia, trong đó có trường Tiểu học Bình Mỹ.

HỒNG THÁI

 

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=867
Quay lên trên