Bình Dương - Dấu ấn 1/4 thế kỷ - Bài 5

Cập nhật: 25-12-2021 | 10:06:06

 

Bài 5: Thương mại - dịch vụ tăng tốc

Sau 35 năm cùng cả nước thực hiện công cuộc đổi mới, 25 năm xây dựng và phát triển, Bình Dương đã đạt được những thành tựu to lớn, khá toàn diện trên các lĩnh vực. Qua từng giai đoạn, cùng với sự phát triển vượt bậc về công nghiệp, thương mại - dịch vụ ngày càng thể hiện rõ nét văn minh, hiện đại, chất lượng cao.


Trên địa bàn tỉnh xuất hiện nhiều tên tuổi lớn của thế giới trong lĩnh vực thương mại dịch vụ. Trong ảnh: Người dân mua sắm tại Trung tâm thương mại AEON Mall Bình Dương

Đô thị đáng sống

25 năm qua, với sự năng động trong lãnh đạo, chỉ đạo và điều hành của Đảng bộ, chính quyền, Bình Dương đã thật sự chuyển biến đột phá trong phát triển công nghiệp - thương mại, dịch vụ - đô thị, tạo ra những tiện ích để người dân, chuyên gia yên tâm sống, làm việc, học tập và gắ́n bó lâu dài với địa phương.

Ông Yamamoto Kazuhito, Giám đốc Công ty TNHH Taisei Bijutsu Printing (Việt Nam), cho biết sau 15 năm đầu tư tại Bình Dương, ông nhận thấy Bình Dương đã có bước chuyển mình đáng kể. Trước đây, ông vẫn phải đi về hàng ngày giữa Bình Dương và TP.Hồ Chí Minh, nay đã ở lại Bình Dương. “Hiện Bình Dương đã có tất cả những dịch vụ tiện ích đáp ứng yêu cầu về sản xuất, kinh doanh cũng như cuộc sống. Các khu vực nhà ở chuyên gia được đầu tư xây dựng tốt, trường học, bệnh viện quốc tế ra đời nhiều. Hiện nay người Nhật Bản cư trú tại các căn hộ dịch vụ như Sora Gardens, hoặc những căn hộ mà Công ty Becamex Tokyu xây dựng ở thành phố mới Bình Dương hoàn toàn đạt chuẩn. Xung quanh khu vực thành phố mới cũng có các quán ăn, nhà hàng Nhật Bản, môi trường sống đã trở nên rất tốt, thuận tiện”, doanh nhân này khẳng định.

Là chuyên gia gắn với nhiều giai đoạn phát triển của Bình Dương, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Đình Thiên cho rằng ngay trong giai đoạn đầu của quá trình phát triển, Bình Dương thật sự nổi lên như điểm sáng về việc lựa chọn mô hình ưu việt, thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển trong khi các địa phương khác còn bỡ ngỡ trong định hướng. “Sự đúng đắn đầu tiên là Khu liên hợp công nghiệp - dịch vụ - đô thị (gọi tắt là khu liên hợp), điểm nhấn tạo sự bứt phá trong phát triển đô thị, ổn định xã hội. Sau đó là các khu đô thị, thương mại - dịch vụ, công nghiệp kiểu mẫu ra đời, nhân rộng ra ở rất nhiều tỉnh, thành. Tiếp đến là mô hình Thành phố thông minh, phát triển lên thành Vùng đổi mới sáng tạo Bình Dương. Tất cả đưa Bình Dương tiến lên nền kinh tế có giá trị gia tăng cao, trong đó đổi mới sáng tạo là nền tảng, động lực phát triển, Bình Dương ngày càng đáng sống”, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Đình Thiên chia sẻ.

TRONG GIAI ĐOẠN 2016-2020, TỔNG MỨC BÁN LẺ HÀNG HÓA VÀ DOANH THU DỊCH VỤ TIÊU DÙNG TĂNG BÌNH QUÂN 17,95%/NĂM, TRONG ĐÓ TỔNG MỨC BÁN LẺ HÀNG HÓA TĂNG BÌNH QUÂN 15,81%/NĂM. XUẤT KHẨU TĂNG BÌNH QUÂN 9,31%/NĂM, THỊ TRƯỜNG XUẤT KHẨU KHÔNG NGỪNG ĐƯỢC MỞ RỘNG.

Đáng chú ý, sức phát triển thương mại, dịch vụ tại các địa phương trong tỉnh có sự đồng nhất và mang tính kết nối. Ba thành phố trực thuộc tỉnh là Thủ Dầu Một, Dĩ An và Thuận An đang có rất nhiều tiềm năng phát triển, đang tiếp tục nỗ lực để có bước đột phá mới về thương mại, dịch vụ. TX.Tân Uyên và TX.Bến Cát tiếp tục phát triển cơ sở hạ tầng, tạo đột phá trong thu hút dịch vụ gắn công nghiệp, đô thị. Thành phố mới sẽ tiếp tục vai trò hạt nhân kết nối với các địa phương với các tòa tháp biểu tượng, bệnh viện, trường đại học, khu dân cư cao cấp, văn phòng, khách sạn 5 sao cũng bố trí dọc 2 bên đại lộ trung tâm. Đặc biệt, Trung tâm Thương mại thế giới Thành phố mới Bình Dương (WTC BD) được kỳ vọng trở thành trung tâm dịch vụ tích hợp thương mại toàn cầu, thu hút đối tác, các nhà đầu tư, nhân lực, trí thức, tạo điều kiện hình thành hệ sinh thái thương mại quốc tế, kết nối giao thương toàn vùng… WTC BD được kỳ vọng sẽ là động lực quan trọng để tạo đà cho Bình Dương phát triển thương mại điện tử, một xu thế ngày càng bùng nổ trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4.

Bứt phá với công nghệ

Trong giai đoạn 2021-2025, cùng với lộ trình định vị lại thương hiệu trên trường quốc tế, Bình Dương đồng bộ tiến hành các giải pháp phát triển thương mại - dịch vụ chất lượng cao. Đó có thể coi là tạo động lực mới, thu hút mạnh mẽ nguồn lực để đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội địa phương dựa trên nền tảng công nghệ hiện đại.

Ông Võ Văn Minh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, khẳng định trong quy hoạch phát triển, Bình Dương hướng đến tạo ra giá trị gia tăng mới, tập trung đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, bổ sung chương trình dịch vụ cao cấp, đẩy mạnh chuỗi cung ứng, logistics, cơ sở hạ tầng, phát triển giao thông đa dạng. Bình Dương tiếp tục tạo sự đột phá trong việc đầu tư phát triển hạ tầng, triển khai các dự án quan trọng liên quan đến hạ tầng giao thông kết nối, nổi bật là các dự án kết nối vùng, tạo sức bật cho lĩnh vực thương mại, dịch vụ chất lượng cao.

Ông Nguyễn Thanh Toàn, Giám đốc Sở Công thương, khẳng định Bình Dương đã và đang trở thành nơi hội tụ của nhiều doanh nghiệp, tập đoàn bán lẻ hàng đầu thế giới. Cùng với chủ trương việc đẩy mạnh thu hút đầu tư lĩnh vực thương mại - dịch vụ chất lượng cao, tăng cường hợp tác phát triển các kênh thương mại cho hàng hóa, để nâng tầm hàng hóa trong giai đoạn mới, Bình Dương cũng đã và đang chú trọng phát triển dịch vụ logistics. Trong đó, chú trọng phát triển các trung tâm logistics, kho vận hiện đại kết hợp với phương thức vận tải đường thủy (cảng sông). Tỉnh tập trung phát triển giao thông đường thủy đồng thời phối hợp với TP.Hồ Chí Minh thực hiện việc nâng tĩnh không cầu Bình Lợi, xây dựng mới cảng An Tây, cảng Bến Súc, cảng Thanh An, cảng An Sơn, cảng Thái Hòa… tạo hướng ra cho hàng hóa Bình Dương trong giai đoạn mới.

Tỉnh cũng xác định không thể đứng ngoài cuộc xu hướng phát triển không ngừng của công nghệ 4.0. Bình Dương đẩy mạnh chuyển đổi số trên tất cả các lĩnh vực, lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm và đối tượng phục vụ. Các ngành, địa phương nỗ lực phát triển các hệ thống dữ liệu, phần mềm tương tác trên môi trường số để thúc đẩy, dẫn dắt người dân, doanh nghiệp cùng tham gia quá trình chuyển đổi số, tạo nên sự lan tỏa trên toàn tỉnh, giảm chi phí xã hội, tạo sự công khai, minh bạch trong quản lý nhà nước và cung cấp các dịch vụ công; khuyến khích, hỗtrợdoanh nghiệp vừa và nhỏ thực hiện chuyển đổi số. Hiện các ngành dịch vụ chất lượng cao như tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, thương mại, thông tin truyền thông, kho cảng và vận tải chuyên dùng... thực hiện chuyển đổi số mạnh mẽ. Các dịch vụ hải quan điện tử, khai thuế qua mạng, nộp thuế điện tử phát triển nhằm tạo thuận lợi tối đa cho doanh nghiệp. (Còn tiếp)

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Đình Thiên: “Bình Dương biết xác định chính xác các đột phá chiến lược trong cả nhiệm kỳ và trong từng thời kỳ. Phát triển hạ tầng là trọng tâm, đặc biệt là hạ tầng giao thông. Song song đó, Bình Dương chú trọng xây dựng quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội, hạ tầng cơ sở một cách bài bản, khoa học, hiện đại và điều hành tuân thủ theo đúng quy hoạch đề ra. Từ đó, tạo ra những đột phá mới, trở thành một trong những địa phương phát triển năng động, bền vững. Trong thành công đó, phải kể đến Tổng Công ty Becamex IDC, một doanh nghiệp mạnh, chung tay kiến tạo hạ tầng thương mại dịch vụ, hạ tầng công nghệ thông tin, hạ tầng giáo dục đào tạo và y tế, góp phần quan trọng phục vụ mục tiêu phát triển bền vững của Bình Dương”.

TIỂU MY

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=1258
Quay lên trên