Bình Dương - Dấu ấn 1/4 thế kỷ- Bài 3

Cập nhật: 23-12-2021 | 08:33:07

Bài 1: Khởi đầu cho hành trình bứt phá

Bài 2: Dám nghĩ, biết làm

Bài 3: Đoàn kết, đồng thuận - Sức mạnh thời đại của Bình Dương công nghiệp hóa

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã căn dặn: “Đoàn kết là một truyền thống cực kỳ quý báu của Đảng và của dân tộc ta. Các đồng chí từ Trung ương đến các chi bộ cần phải giữ gìn sự đoàn kết nhất trí của Đảng như giữ gìn con ngươi của mắt mình”. Khi bước vào quá trình xây dựng và phát triển, Đảng bộ tỉnh Bình Dương đã đặc biệt chú trọng thực hiện đoàn kết, thống nhất trong nội bộ; cùng với đó là sự đồng thuận của nhân dân, tạo nên sức mạnh mang tính thời đại để tỉnh thực hiện thành công quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

Quốc lộ 13, con đường mang sứ mệnh lịch sử trong quá trình đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa của Bình Dương Ảnh: QUỐC CHIẾN

 

Giữ gìn đoàn kết trong Đảng

Trong thời gian đầu Bình Dương bước vào quá trình xây dựng và phát triển, công cuộc đổi mới của đất nước cũng bắt đầu đi vào chiều sâu, trọng trách lãnh đạo của cấp ủy Đảng nặng nề hơn. Xây dựng Đảng thật sự trong sạch, vững mạnh trở thành yêu cầu bức thiết, liên quan đến thành bại của sự nghiệp đổi mới, cũng như con đường phát triển đã được vạch ra của Bình Dương. Vì vậy, Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ VI đã xác định rõ: Xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh, đặc biệt coi trọng công tác xây dựng Đảng và quy hoạch, đào tạo cán bộ là khâu cơ bản, then chốt, là yếu tố quyết định.

Đồng chí Nguyễn Minh Đức, nguyên Bí thư Tỉnh ủy, cho biết khi tỉnh Sông Bé được chia tách để thành lập 2 tỉnh Bình Dương và Bình Phước, chiều hướng phát triển đối với Bình Dương đã được đặt ra rất thuận lợi. Lúc này, tinh thần đoàn kết, thống nhất trong nội bộ là yếu tố rất quan trọng. Trong quá trình triển khai các nhiệm vụ, tỉnh rất quyết liệt trong nội bộ Ban Thường vụ, Ban Chấp hành, đặc biệt nhấn mạnh nguyên tắc tập trung dân chủ trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành. Mọi công việc đều có sự thống nhất, xuyên suốt từ cấp ủy, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể.

"…Chủ trương mà hợp lòng, người dân thể hiện niềm vui mừng ngay. Vì thế, lúc đó, khi đưa ra các chủ trương, tỉnh đặc biệt chú trọng lắng nghe ý kiến của nhân dân. Nhờ đó mà các chủ trương mở đường sá theo hình thức BOT, tỉnh làm được rất sớm và khá nhanh bởi người dân luôn đồng tình, ủng hộ…”

(Đồng chí Nguyễn Minh Triết, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Sông Bé, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch nước)

Chính nhờ phát huy bài học về đoàn kết, thống nhất trong nội bộ nên Đảng bộ tỉnh đã tạo được sự thống nhất về tư tưởng và hành động đối với các chủ trương, chính sách trong phát triển kinh tế - xã hội, từ đó việc thực hiện công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành được xuyên suốt. Nhờ vậy, sau 10 năm thực hiện công cuộc đổi mới và 5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VII, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ VI, cán bộ, đảng viên và nhân dân Bình Dương đã đoàn kết chặt chẽ, nỗ lực tìm tòi, phấn đấu vươn lên. Bình Dương đã giành được nhiều thành tựu to lớn, khá toàn diện trên mọi lĩnh vực và đặc biệt là tạo ra được bầu không khí phấn khởi trong đời sống chính trị, đời sống tinh thần của cán bộ, đảng viên, các tầng lớp nhân dân.

Dưới sự lãnh đạo của Tỉnh ủy, sự quan tâm hỗ trợ của Trung ương, tỉnh đã tập trung xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật và hạ tầng kinh tế - xã hội để thúc đẩy nhanh việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp - dịch vụ - nông lâm nghiệp; phát triển kinh tế nhiều thành phần với cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước. Nhờ có chủ trương phát triển kinh tế - xã hội, sự lãnh đạo đúng đắn của cấp ủy Đảng, đến năm 2000, hầu hết các chỉ tiêu quan trọng đều đạt và vượt mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ VI đã đề ra.

Đồng thuận - chìa khóa thành công

Cùng với tinh thần đoàn kết, thống nhất trong nội bộ Đảng, sự đồng thuận của các tầng lớp nhân dân trong tỉnh cũng là một yếu tố nền tảng để Bình Dương từng bước vươn lên, bứt phá trong quá trình đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, phát triển kinh tế - xã hội, không ngừng nâng cao đời sống nhân dân.

Ngay từ thời còn là tỉnh Sông Bé, lòng dân đã luôn được lãnh đạo cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương đặc biệt coi trọng. Đồng chí Nguyễn Minh Triết, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Sông Bé, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch nước, chia sẻ vùng đất Sông Bé - Bình Dương bị chiến tranh tàn phá nặng nề. Cuộc sống của người dân sau chiến tranh gặp vô vàn khó khăn nhưng hướng đi mới đã tạo điều kiện cho người dân có cuộc sống ngày càng khá hơn. Lòng tin, niềm vui của người dân ngày càng lớn hơn. Cho đến hôm nay, lòng tin của nhân dân đối với Đảng vẫn không thay đổi, rất tin tưởng vào vai trò lãnh đạo của Đảng.

Sông Bé, rồi Bình Dương đi lên với con đường đã chọn là đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, cùng với tư duy đột phá, những chủ trương, chính sách mang tính tiên phong, thì sự đồng lòng của người dân là rất quan trọng. Theo đồng chí Nguyễn Minh Triết, sự đồng lòng, ủng hộ của người dân là rất rõ, nhất là trong lĩnh vực đất đai. Đơn cử như khi đó tỉnh Sông Bé dù đất đai hoang hóa nhiều, trong khi người dân lại không có đất để sản xuất, rất bất hợp lý. Và khi tỉnh tính toán giao đất cho người dân sản xuất nhưng khi đó chưa có cơ chế, chính sách hoàn thiện, lãnh đạo tỉnh vì thế bị nhắc nhở, người dân rất thương. Rồi khi lãnh đạo tỉnh không bị khiển trách gì, người dân ai cũng rất mừng. “Điều đó cho thấy rằng, giữa người dân với lãnh đạo cấp ủy, chính quyền rất gắn bó, chung một chiến hào. Cán bộ bị kỷ luật mà dân thương, cán bộ được xóa kỷ luật thì dân mừng. Cho nên, sự đồng lòng ủng hộ của nhân dân đối với các chủ trương, đường lối phát triển lúc đó là đặc biệt quan trọng, cho đến nay, đây cũng là một trong những yếu tố mang tính quyết định”, đồng chí Nguyễn Minh Triết nói.

Tiếp nối mạch nguồn ấy, tiếp nối bài học về lòng dân, bước vào quá trình xây dựng và phát triển từ đầu năm 1997, Đảng bộ, chính quyền tỉnh luôn chú trọng phát huy quyền làm chủ của nhân dân. Cụ thể, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã có Chỉ thị số 08-CT/TV ngày 3-7-1998 về việc triển khai thực hiện Quy chế dân chủ ở xã, phường, thị trấn. Quan điểm chỉ đạo là đặt việc phát huy quyền làm chủ của nhân dân ở xã, phường, thị trấn trong cơ chế tổng thể của hệ thống chính trị. Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ.

Nhờ phát huy tinh thần “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”, các chủ trương, đường lối phát triển kinh tế - xã hội đều được nhân dân đồng thuận, từ đó chung tay thực hiện. Điều rõ nét nhất về sức mạnh lòng dân chính là sự đồng thuận của người dân đối với công tác giải tỏa, đền bù, giải phóng mặt bằng để xây dựng những tuyến đường giao thông huyết mạch, hình thành các khu công nghiệp trên địa bàn.

Khi những con đường mới thênh thang tạo điều kiện giao thương thuận lợi cho nhân dân được mở ra; khi những khu công nghiệp được xây dựng, tạo công ăn việc làm, tạo cơ hội phát triển kinh tế gia đình; đời sống nhân dân không ngừng được cải thiện, người dân biết rằng họ chính là chủ thể hướng đến của những chủ trương, chính sách mà Đảng, Nhà nước đề ra. Và lòng dân, sự đồng thuận của nhân dân cũng chính là sức mạnh thời đại để Bình Dương cất cánh… (còn tiếp)

Chính nhờ phát huy bài học về đoàn kết, thống nhất trong nội bộ nên Đảng bộ tỉnh đã tạo được sự thống nhất về tư tưởng và hành động đối với các chủ trương, chính sách trong phát tri ển kinh tế - xã hội, từ đó việc thực hiện công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành được xuyên suốt.

Đ.THANH

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=1046
Quay lên trên