Những ngày qua, nắng nóng kéo dài đã ảnh hưởng không nhỏ đến nhu cầu sử dụng nước sinh hoạt của người dân xã Định An, huyện Dầu Tiếng. Để có nước sinh hoạt, mỗi gia đình trong xã đều phải thực hiện một lúc nhiều giải pháp như đào giếng khơi, khoan giếng, xây bể chứa nước mưa…
Nguồn nước suy giảm mạnh
Hiện nay, xã Định An chưa có trạm cấp nước tập trung. Tuy vậy, nguồn nước ngầm trên địa bàn xã có chất lượng tốt được xác định là nước hợp vệ sinh, có thể sử dụng trực tiếp cho sinh hoạt và sản xuất mà không qua lắng lọc. Những năm qua, hầu hết người dân địa phương sử dụng giếng khoan tự đầu tư. Tuy nhiên, bước vào mùa khô năm nay xã có 109 hộ thiếu nước sinh hoạt do nguồn nước tại giếng khoan cạn kiệt.
Theo cán bộ tài nguyên - môi trường xã Định An, hiện mực nước ngầm phổ biến thấp hơn cùng kỳ năm 2015 khoảng 2 - 3m. Nguyên nhân thiếu nước là do một số vùng người dân khoan giếng để khai thác nước ngầm tầng sâu đã làm cho lượng nước ngầm ở tầng nông giảm mạnh hoặc không có nước; bên cạnh đó do xã nằm ở khu vực triền núi, mạch nước ngầm ở khu vực này rất nông, trữ lượng nước ngầm ít; trong khi đó địa bàn xã nằm gần núi Cậu có nhiều đá tảng nên việc khoan giếng cũng gặp không ít khó khăn.
Trạm trung chuyển nước với dung tích 400m3 đang được tiến hành xây dựng nhằm cung cấp đủ nguồn nước cho người dân xã Định An. Ảnh: QUỲNH NHIÊN
Bà Trương Thị Muội, ở ấp Chiến Thắng cho biết, nhiều gia đình trong ấp đã đào 2 - 3 giếng khơi nhưng vẫn không có nước. Với giếng khoan, các gia đình phải bỏ chi phí khoan giếng tới 2 - 3 lần, độ sâu 30 - 50m, thậm chí tới 70m nhưng nguồn nước vẫn không có. Riêng gia đình bà, nguồn nước giếng khoan ngày càng cạn dần, không đủ phục vụ cho nhu cầu sinh hoạt hàng ngày của gia đình.
Hộ ông Vũ Tiến Quỳnh, ở ấp An Thọ cũng đang lâm vào tình trạng thiếu nước, phải sử dụng nguồn nước từ gia đình hàng xóm để sinh hoạt. Theo ông Quỳnh, tuy đã sinh sống tại đây gần 20 năm và thiếu nước sinh hoạt không phải bây giờ mới diễn ra, song chưa khi nào giếng nước nhà ông lại cạn kiệt sớm như hiện nay. Hơn một tháng trở lại đây, giếng cạn nước nên gia đình ông bơm rất vất vả, mỗi lần bơm được 10 - 15 phút là hết nước. Tuy vậy, gia đình ông còn khá hơn nhiều gia đình khác trong xã, có gia đình giếng chỉ bơm được vài can nước là hết, nước lại đục ngầu.
Ngoài ra, trên địa bàn xã Định An không có các công trình thủy lợi hay hệ thống kênh mương, do phần lớn diện tích đất nông nghiệp của xã là trồng cây cao su nên không cần thiết phải có thủy lợi để bơm tưới. Với hơn 5.100 ha cao su tại địa phương, thời tiết nắng nóng kéo dài cùng với lượng mưa thấp cũng đã ảnh hưởng một phần đến sản lượng mủ của cây.
Thực hiện các giải pháp kịp thời
Trước thực trạng nói trên, xã Định An đã khẩn trương phối hợp với các đơn vị chức năng triển khai hàng loạt giải pháp. Trong những ngày này, UBND xã đã giải quyết cấp tạm ứng ngân sách địa phương tiến hành mua, lắp đặt bồn chứa nước, hỗ trợ kinh phí chở nước đến khu vực không có nguồn nước bằng xe bồn. Hiện tại, xã đã lắp đặt 3 bồn nước lưu động với dung tích 2.000 lít để giải quyết nhu cầu sử dụng nước trước mắt cho người dân. Các bồn nước lắp đặt tại những nơi công cộng hoặc gần giếng có nước trong nhà người dân để những hộ không có nước trong vùng đến lấy nước sinh hoạt. Việc lấy nước sinh hoạt này hoàn toàn miễn phí, UBND xã sẽ hỗ trợ trả tiền điện cho việc bơm nước từ giếng lên bồn chứa.
Bà Hoàng Thị Thư, Chủ tịch UBND xã Định An cho biết, ngoài những giải pháp nói trên, địa phương đã nhận được sự quan tâm của UBND tỉnh hỗ trợ xây dựng trạm trung chuyển nước với dung tích 400m3, tổng kinh phí 23 tỷ đồng. Trạm trung chuyển này được đặt tại ấp An Thọ có nhiệm vụ lấy nguồn nước từ Trạm xử lý nước xã Minh Tân, cách đó khoảng 4km để phục vụ nhu cầu sinh hoạt cho người dân.
Ông Nguyễn Đạo Tình, Chỉ huy trưởng công trình Trạm trung chuyển nước cho biết, dự án này do Trung tâm nước sạch và vệ sinh môi trường tỉnh tiến hành, được khởi công từ ngày 10-3, thời gian hoàn thành là 180 ngày. Dự kiến, đến tháng 9-2016, công trình sẽ hoàn thành và đưa vào sử dụng nhằm đáp ứng nhu cầu sử dụng nước sinh hoạt của người dân.
UBND xã Định An cũng đã triển khai kế hoạch phòng chống hạn hán trên địa bàn tỉnh năm 2016 nhằm chủ động đối phó với tình hình hạn hán. Trong đó, mục tiêu chung là thực hiện tốt công tác phòng chống hạn hán do ảnh hưởng của hiện tượng El Nino với cường độ mạnh đang ảnh hưởng trực tiếp đến địa phương và trên địa bàn tỉnh. Bên cạnh đó, các ngành chức năng và chính quyền các địa phương, người dân trong tỉnh thực hiện tiết kiệm nước và cân đối khả năng cung cấp nước phục vụ cho nhu cầu sử dụng trên địa bàn tỉnh theo thứ tự ưu tiên cấp nước sinh hoạt, sản xuất nông nghiệp...
QUỲNH NHIÊN