Hiện Bình Dương đang là nơi tập trung nhiều cơ sở, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, cung cấp thực phẩm cho khu vực phía Nam. Trước tình hình an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) đang trở thành nỗi lo của người tiêu dùng, ngành nông nghiệp tỉnh nhà đang nỗ lực đem lại bữa ăn ngon và lành cho người dân
Biện pháp chế tài còn quá nhẹ
Nếu so với 1 - 2 năm về trước, các trang trại chăn nuôi trồng trọt đạt tiêu chuẩn ATVSTP (VietGAP) trên địa bàn tỉnh còn rất thấp thì đến nay đã có những bước chuyển biến tích cực. Đến nay, toàn tỉnh có 15 trang trại nuôi heo, 2 công ty chăn nuôi heo, 3 trang trại gà, 7 trang trại trồng cây ăn quả và 2 trang trại rau màu đạt chuẩn VietGAP. Kết quả này cho thấy sự chuyển biến tích cực trong tư duy của những người làm nông nghiệp trên địa bàn tỉnh, với mong muốn đem lại bữa ăn an toàn cho người tiêu dùng. Tuy nhiên, trên thực tế vẫn có không ít hộ nông dân trong tỉnh còn làm ăn gian dối, gây tổn hại sức khỏe cho người tiêu dùng. Một trong những nguyên nhân xảy ra tình trạng nói trên là do các biện pháp chế tài khi xử lý vi phạm ATVSTP còn quá nhẹ, chưa đủ sức răn đe các đối tượng làm ăn bất chính.
Chợ phiên nông sản an toàn Bình Dương được tổ chức lần đầu tiên vào tháng 6-2015 đã gây được sự chú ý lớn của người dân và doanh nghiệp. Trong ảnh: Khách mua hàng nông sản sạch tại chợ phiên. Ảnh: P.HIẾU
Mới đây, Chi cục Thú y tỉnh đã phát hiện và xử lý hơn 200 con heo đang được bơm nước tại TX.Bến Cát để tăng trọng lượng. Hộ gia đình thực hiện vụ việc này đã bị cơ quan chức năng phạt 5,5 triệu đồng, nhưng rõ ràng vẫn còn quá nhẹ; nếu số lượng heo bơm nước này không bị phát hiện kịp thời, khi tung ra thị trường số tiền lời còn cao hơn mức phạt. Tương tự, vào tháng 10-2015, Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh đã phát hiện 1 hộ bán chuối tại phường Thuận Giao, TX.Thuận An có hành vi phun thuốc để kéo dài thời gian bảo quản. Hộ này sau đó đã bị phạt 6,4 triệu đồng. Theo các cơ quan chức năng, mức phạt này không đủ sức răn đe, nếu 200kg chuối chứa chất bảo quản không kịp thời bị tiêu hủy thì sức khỏe người tiêu dùng bị ảnh hưởng rất nghiêm trọng.
Ông Trần Văn Cường, Chi cục trưởng Chi cục Thú y tỉnh cho biết, một trong những nguyên nhân khiến cho công tác bảo đảm ATVSTP gặp khó khăn chính là hệ thống pháp luật của nước ta còn quá nương tay đối với hành vi gây tổn hại sức khỏe cho người khác. Các biện pháp chế tài hiện tại chỉ mang tính nhắc nhở là chính. Chính vì thế, nhiều người vì cái lợi trước mắt sẵn sàng gây hại cho cả cộng đồng.
Sẽ sớm có chợ đầu mối nông sản an toàn
Ông Nguyễn Minh Tâm, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh chia sẻ, hiện nay một số hộ nông dân vẫn còn thói quen dùng nhiều thuốc bảo vệ thực vật trong sản xuất rau quả. Để thay đổi cung cách sản xuất của người nông dân, bình quân mỗi tháng chi cục đã tổ chức 2 - 3 đợt tập huấn chuyên môn, danh mục thuốc bảo vệ thực vật được sử dụng và liều lượng cho phép để bảo đảm an toàn cho người sử dụng. Theo ông Tâm, công tác này cần phải được tổ chức thường xuyên, lâu dài nhằm giúp nông dân sớm bỏ các phương pháp trồng trọt lạc hậu, gây hại cho môi trường và sức khỏe người tiêu dùng.
Chỉ trong quý I-2016, Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh đã tổ chức 31 lớp tập huấn về quy trình kỹ thuật sản xuất rau an toàn theo hướng VietGAP, cách phòng trừ sâu bệnh cho 1.539 nông dân trên địa bàn tỉnh. Theo ghi nhận, hiện nay một số trang trại trồng trọt, chăn nuôi đạt chuẩn VietGAP của tỉnh đang tham gia vào “Chuỗi cung ứng ATVSTP” của TP.Hồ Chí Minh. Qua đó cho thấy, nếu người sản xuất, kinh doanh chân chính thì đầu ra cho nông sản của họ sẽ ngày càng được rộng mở. Trách nhiệm bảo vệ sức khỏe cho cả cộng đồng chính là yếu tố quyết định thành công trong tình hình sản xuất nông nghiệp hiện nay
Tháng 6-2015, Chợ phiên nông sản an toàn lần đầu tiên được tổ chức tại Bình Dương thực sự đã đem lại tín hiệu lạc quan cho người tiêu dùng lẫn các doanh nghiệp sản xuất nông nghiệp sạch. Phiên chợ nông sản này sau khi được tổ chức theo định kỳ vào ngày thứ bảy và chủ nhật hàng tuần đã gây được tiếng vang. Hiện nay, phiên chợ nông sản an toàn đã được xã hội hóa, hiện đang có 2 cửa hàng bán nông sản an toàn được duy trì hàng ngày tại khu vực khách sạn Becamex - đại lộ Bình Dương (TP.Thủ Dầu Một) theo mô hình phiên chợ nông sản an toàn mà Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã gây dựng.
Ông Phan Văn Nam, Chi cục trưởng Chi cục Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, Bình Dương đang hướng tới việc xây dựng mới chợ nông sản tập trung với quy mô không thua kém các chợ đầu mối của TP.Hồ Chí Minh. Đây là bước đi hết sức cần thiết trong việc siết chặt quản lý về ATVSTP, nó vừa có lợi cho người tiêu dùng vừa khuyến khích ngành sản xuất nông nghiệp của địa phương phát triển theo hướng thân thiện với môi trường và bảo đảm sức khỏe cho cộng đồng.
PHÙNG HIẾU