Thời gian qua, dù Bình Dương có tốc độ tăng trưởng khá cao nhưng các chỉ số vĩ mô vẫn gặp nhiều khó khăn, như xuất khẩu vẫn giảm ảnh hưởng đến doanh nghiệp (DN) sản xuất, xuất khẩu trong tỉnh. Về nhập khẩu, so với cùng kỳ, con số tăng trưởng thấp hơn cùng kỳ cho thấy DN hạn chế nhập khẩu nguyên phụ liệu phục vụ sản xuất. Việc tiêu dùng nội địa đã có những điểm sáng tích cực, song cần nhiều giải pháp để thúc đẩy chi tiêu, giúp DN phục hồi sản xuất, kinh doanh
Hầu hết DN cho rằng mức tiêu thụ giảm sút mạnh. Do đó, việc tăng trưởng tiêu dùng khi vào mùa mua sắm cuối năm sẽ là điều kiện cho nền kinh tế hoàn thành kế hoạch trong năm nay. Hiện các DN đang tăng tốc cho mùa cuối năm, mùa vàng mua sắm lớn nhất trong năm để tạo bước đột phá mới. Các tập đoàn bán lẻ đua nhau đầu tư chi phí khuyến mại lớn nhất trong năm để đồng hành cùng các địa phương, đối tác trong bán hàng, đưa ra các model sản phẩm bán không lợi nhuận để kích cầu tiêu dùng. Bên cạnh đó, các tập đoàn bán lẻ xây dựng và phát triển các sản phẩm đặc thù, phù hợp, đặc biệt là ở phân khúc trung và phổ thông; đồng thời chuẩn bị hàng hóa và kênh phân phối trải khắp để dành cho mùa tiêu dùng cao điểm.
UBND tỉnh cũng quyết liệt hỗ trợ DN kích cầu tiêu dùng, mở rộng theo hướng liên vùng, quốc tế. Tỉnh đã chỉ đạo triển khai chính sách hạ lãi suất cho vay ngắn hạn giúp DN tiếp cận với nguồn vốn rẻ hơn cho sản xuất, kinh doanh. Tuy nhiên, thực tế việc hấp thu tiền chưa được tốt, thể hiện ở tiền dư thừa trong ngân hàng còn nhiều. Điều này có nguyên nhân do sức mua trên thị trường còn thấp. Hiện DN cần nhất là giữ được ổn định tỷ giá, ổn định mặt bằng lãi suất cho vay ngắn hạn và cho vay đầu tư trung, dài hạn để giúp DN tiếp cận dễ dàng hơn.
KHẢI ANH