Theo nhận định, Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - châu Âu (EVFTA) sẽ là động lực để Việt Nam thúc đẩy xuất khẩu sau đại dịch Covid-19. Để tận dụng cơ hội, doanh nghiệp (DN) cần chú trọng nâng cao chất lượng hàng hóa, năng lực sản xuất để đáp ứng điều kiện xuất khẩu vào thị trường tiềm năng này.
Ngành gỗ xuất khẩu kỳ vọng vào EVFTA sau đại dịch. Trong ảnh: Sản xuất tại Công ty Golden Land (KCN Tân Bình)
“Cú hích” mạnh
Theo nhận định của Sở Công thương, việc Quốc hội sớm phê chuẩn EVFTA cùng với các biện pháp hỗ trợ từ Chính phủ, sẽ sớm giúp DN vượt qua khó khăn, tiếp cận thị trường, phục hồi sản xuất. Xét về tổng thể, EVFTA sẽ góp phần đa dạng hóa thị trường, giảm sự phụ thuộc quá nhiều vào một thị trường nhất định, từ đó bảo đảm an ninh kinh tế của Việt Nam. EVFTA giúp Việt Nam có cơ hội tiếp cận thị trường châu Âu với thuế suất ưu đãi hơn các đối thủ cạnh tranh. Kết hợp với các cam kết cao về mở cửa đầu tư và cải thiện môi trường kinh doanh, EVFTA sẽ là “cú hích” mạnh cho thu hút đầu tư trong và ngoài nước, từ đó tạo ra năng lực sản xuất mới. Liên minh châu Âu (EU) cũng là một trong số các thị trường xuất khẩu lớn nhất của Bình Dương với những mặt hàng có lợi thế cạnh tranh như dệt may, da giày, đồ gỗ…
Ngày 30-3 vừa qua, Hội đồng EU cũng đã phê duyệt EVFTA, hoàn tất thủ tục pháp lý cuối cùng theo quy trình phê chuẩn nội bộ của EU. Như vậy, chỉ cần chờ Quốc hội Việt Nam phê chuẩn và hai bên hoàn tất thủ tục thông báo theo quy định, EVFTA sẽ chính thức có hiệu lực đối với cả thành viên EU và Việt Nam. Đây là tín hiệu rất tích cực trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 đang ảnh hưởng nặng nề đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của các DN, mở ra cơ hội thực hiện hoạt động xuất khẩu sang thị trường EU.
Theo chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành, EVFTA đánh dấu một bước tiến quan trọng đối với Việt Nam, tạo động lực cho các DN trong nước phát triển khả năng xuất khẩu và tạo động lực để Chính phủ Việt Nam tiếp tục cải cách thể chế. EVFTA cũng phản ánh sự thể chế hóa sâu sắc hơn các cơ hội xuất khẩu trong thời gian thương mại toàn cầu bị hạn chế bởi cuộc khủng hoảng dịch bệnh Covid-19. “Ở góc nhìn thời hậu dịch, nhất là trung và dài hạn, EVFTA chắc chắn là cơ hội lớn với kinh tế Việt Nam. Đây là thời điểm mọi sự chuẩn bị vẫn phải được nhắc đến để tận dụng cơ hội tốt nhất, cả từ phía chính phủ”, ông Võ Trí Thành nhấn mạnh.
Theo các chuyên gia, EVFTA cung cấp một nền tảng cho Việt Nam để tiếp tục giúp DN trong nước thâm nhập thị trường EU. Hiệp định giúp liên kết các công ty Việt Nam với tiêu chuẩn châu Âu về tìm nguồn cung ứng và sản xuất, có khả năng nâng cao chất lượng sản phẩm và độ tin cậy khi Việt Nam tìm cách củng cố hình ảnh thương hiệu toàn cầu, sản phẩm của Việt Nam cạnh tranh bình đẳng hơn trên thị trường EU.
Tại Bình Dương, các DN cũng kỳ vọng lớn về các hiệp định thương mại tự do, trong đó có EVFTA. Ông Otso Toikka, Phó Chủ tịch phụ trách chuỗi cung ứng Tetra Pak (VSIP II) khu vực Thái Bình Dương, nhận định: “Bình Dương đang thu hút mạnh nguồn vốn FDI, các hiệp định thương mại tự do được ký kết sẽ tạo điều kiện cho chúng tôi kinh doanh thuận lợi hơn, không chỉ riêng với Việt Nam mà còn với các đối tác của Việt Nam”.
Tận dụng lợi thế
Đối với ngành gỗ, châu Âu hiện là thị trường nhập khẩu lớn thứ 2 và tiếp tục duy trì mức tăng trưởng tốt. Với xu hướng thương mại điện tử, kinh doanh trực tuyến, các DN gỗ xuất khẩu sang châu Âu nỗ lực tìm kiếm cơ hội kết hợp với đối tác cùng xây dựng kênh phân phối hàng hóa của mình. Đặc biệt, các DN gỗ Bình Dương được đánh giá cao về công nghệ, quản trị sẽ là tiềm năng tốt để tiếp tục khai thác thị trường này. Hàng dệt may của Bình Dương xuất khẩu sang châu Âu cũng được DN kỳ vọng tăng trưởng mạnh trong thời gian tới khi EVFTA ký kết, dù phải đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt từ các nước trong khu vực. Châu Âu cũng là thị trường lớn nhất hàng giày dép của DN Bình Dương, với kim ngạch xuất khẩu ước đạt 3,42 tỷ USD, chiếm tỷ trọng 11,3% kim ngạch xuất khẩu cả tỉnh. Trước đại dịch, ngành sản xuất giày dép của tỉnh kỳ vọng tăng trưởng tốt nhờ hiệu ứng của các hiệp định thương mại tự do mang lại.
Tuy đã có nền móng vững chắc từ trước, song theo bà Phan Lê Diễm Trang, Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Bình Dương, để có hàng hóa bảo đảm chất lượng xuất khẩu sang EU, DN cần phải đổi mới công nghệ để đáp ứng yêu cầu của các đối tác. Thứ đến, DN cần lưu ý đến yếu tố tiêu chuẩn của châu Âu để có bước đi vững vàng, tránh việc không tạo dựng được uy tín ngay từ đầu. Bên cạnh đó, với sự cạnh tranh khốc liệt trong ngành may mặc của các nước trong khu vực, nhất là về nhân công lao động, hiệu quả hoạt động, DN cần chú ý thay đổi cách quản lý để có thể cạnh tranh được đối với thị trường rộng lớn nhưng yêu cầu cũng rất cao này.
Chia sẻ kinh nghiệm về xuất khẩu mặt hàng công nghiệp phụ trợ sang châu Âu, bà Trịnh Thị Hồng Châu, Giám đốc Công ty Cơ khí Kim Chung (TX.Tân Uyên), cho biết làm việc với đối tác châu Âu không chỉ một hay hai lần mà đáp ứng được các tiêu chuẩn. “Chúng tôi làm thử mẫu hàng cho đối tác có khi 1 năm, 2 năm, với vài chục lần. Làm đến khi nào đạt được tiêu chuẩn mới thôi. Quan trọng là sự kiên trì nỗ lực của mình có được kết quả. Đến nay công ty đã có được các hợp đồng xuất sang châu Âu với giá trị cao”, bà Châu cho biết.
TIỂU MY