Ngày mai (26-6), các địa phương trong cả nước sẽ tổ chức nhiều hoạt động truyền thông hưởng ứng Ngày toàn dân phòng chống ma túy, nhằm trang bị kiến thức cho người dân về tác hại của ma túy, những hệ lụy từ ma túy nhằm giúp người dân có biện pháp phòng ngừa, không trở thành nô lệ của “cái chết trắng”.
Ngày 26-6 hàng năm được Liên hiệp quốc chọn làm “Ngày thế giới phòng, chống ma túy”. Tại Việt Nam, theo Quyết định số 93/2001/QĐ-TTg ngày 13-6-2001 của Thủ tướng Chính phủ, hàng năm lấy tháng 6 là “Tháng hành động phòng, chống ma túy” và ngày 26-6 là “Ngày toàn dân phòng, chống ma túy” nhằm nâng cao nhận thức và trách nhiệm của các ngành, các cấp, các tầng lớp nhân dân về công tác phòng, chống ma túy và tác hại của tệ nạn ma túy để tự phòng, chống làm giảm tệ nạn ma túy trong đời sống xã hội.
Ma túy đang là nỗi kinh hoàng của toàn nhân loại. Theo thống kê của Cơ quan phòng chống tội phạm và ma túy của Liên hiệp quốc, trên thế giới hiện có hơn 200 triệu người nghiện các chất ma túy, trong đó có khoảng 163 triệu người nghiện cần sa, 34 triệu người nghiện các loại ma túy tổng hợp, 15 triệu người nghiện thuốc phiện và heroin, 14 triệu người nghiện cocain...
Theo các cơ quan chức năng, hơn 10 năm trở lại đây ở Việt Nam đã có khoảng 10 vạn người nghiện ma túy. Đáng chú ý là độ tuổi của người nghiện ngày càng trẻ. Một vấn đề trở thành bức thiết hiện nay là mạng lưới phân phối ma túy đã đi vào ngõ hẻm, đường phố, trường học, công viên, các nơi vui chơi giải trí… ở thành thị cũng như nông thôn. Thiệt hại về kinh tế do ma túy gây ra ước tính trung bình mỗi ngày khoảng từ 8 - 8,5 tỷ đồng, mỗi năm “đốt” từ 2.500 - 3.000 tỷ đồng cho việc sử dụng các loại ma túy, chưa kể đó là nguồn gốc của tội phạm hình sự, tệ nạn mại dâm và lây nhiễm HIV/ AIDS, băng hoại đạo đức xã hội. Nguy hại hơn nữa, khi nghiện ngập, không ít các con nghiện đã trở thành tội phạm buôn bán ma túy, gieo rắc tai họa cho nhiều người, nhiều gia đình và xã hội.
Có thể nói nguyên nhân dẫn đến tình hình nghiện ma túy ngày càng tăng là do từ phía gia đình và xã hội. Theo nhiều chuyên gia tâm lý, phần lớn đối tượng nghiện ma túy và tội phạm ma túy có hoàn cảnh gia đình không êm ấm, hoặc do được nuông chiều quá mức dẫn đến tâm lý ăn chơi đua đòi và vướng vào ma túy. Có nhiều trường hợp chỉ vì thử một lần cho biết, sau đó vướng vào lúc nào không hay. Hiện nay, khi các loại ma túy “truyền thống” bắt đầu “nhường sân” cho ma túy tổng hợp thì mối nguy từ ma túy càng lớn hơn. Một số loại ma túy tổng hợp hiện nay đang được giới trẻ chọn là ma túy “đá”, cỏ Mỹ… có mức độ gây nghiện không kém heroin nhưng có thể ảnh hưởng nặng đến hành vi của người nghiện.
Trước tình hình tội phạm liên quan đến ma túy ngày càng trẻ hóa, manh động thì vấn đề đặt ra là mỗi cá nhân, gia đình, đơn vị cần tạo ra một “lá chắn” trước ma túy. Có lẽ việc đầu tiên nên làm là nâng cao hiểu biết của người dân về tác hại của ma túy, hệ lụy từ ma túy... để mỗi người tự bảo vệ bản thân mình trước ma túy, không trở thành nô lệ của nó.
L.V.CHÂU