Tại hội thảo ảnh hưởng của lãi suất và Hiệp ước Basel đến hoạt động kinh doanh của ngân hàng và khách hàng trong bối cảnh hội nhập diễn ra tại trường Đại học Thủ Dầu Một vừa qua, vấn đề được các nhà khoa học, chuyên gia kinh tế và giới ngân hàng quan tâm nhiều nhất chính là tại sao doanh nghiệp (DN) khó tiếp cận được nguồn vốn và giải pháp tháo gỡ bài toán về vốn vay cho DN.
Tiến sĩ Nguyễn Thế Khải (trường Đại học Thủ Dầu Một) cho biết, lãi suất luôn là vấn đề thời sự nóng bỏng. Đặc biệt, từ sau khủng hoảng tài chính quốc tế năm 2008 trở lại đây. Trong giai đoạn này, lãi suất biến động liên lục đã ảnh hưởng nặng nề đến hoạt động kinh doanh của ngân hàng và khách hàng. Từ đó cũng xuất hiện nhiều ý kiến trái chiều về vấn đề lãi suất. Còn nhận định chung của các chuyên gia cho thấy, hiện nay hoạt động tín dụng của các ngân hàng thương mại (NHTM) vẫn khá khó khăn vì nguồn vốn chưa đến được các DN một cách hiệu quả nhất.
Theo tiến sĩ Phan Văn Thường (trường Đại học Thủ Dầu Một), theo nguyên tắc của Hiệp ước Basel, NHTM phải trích lập dự phòng và một số quy định tỷ lệ khác khiến lãi suất đầu vào tăng, dẫn đến đầu ra cho vay cao. Hệ quả là khả năng hấp thụ vốn của DN thấp. Lúc này, muốn giảm lãi vay thì ngân hàng phải hạ lãi suất huy động. Tuy nhiên, điều này rất khó vì một khoản vốn trích lập dự phòng theo quy định đã bị đóng băng; trong khi đó ngân hàng vẫn phải trả lãi huy động tiết kiệm cho người dân. “Thực tế, người gửi muốn lãi suất cao, còn người vay lại muốn lãi suất thấp. Là trung gian đóng vai trò cầu nối giữa hai đối tượng trên, ngân hàng phải tìm cách điều chỉnh mức lãi suất sao cho hợp lý nhất. Trong đó, điều quan trọng là phải bảo đảm lợi ích của ngân hàng, đồng thời đáp ứng đúng các tiêu chuẩn của Ngân hàng Nhà nước. Vì thế, thực hiện theo chuẩn Hiệp ước
Đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNVVN) cho biết, hiện có khoảng 93% số DNVVN trong tổng số DN trong cả nước, tại Bình Dương con số này chiếm khoảng 97%. Thạc sĩ Nguyễn Việt Hằng (Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh Bình Dương) cho rằng, thực tế cho thấy, hiện không ít DN có phương thức quản lý yếu kém nên không dám vay vốn ngân hàng, vì càng sản xuất càng lỗ. Bên cạnh đó, lãi vay quá cao khiến DN khó tiếp cận vốn; trong trường hợp vay được vốn từ NHTM cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro vì tỷ suất lợi nhuận phải bảo đảm mức thanh toán chi phí lãi vay cao...
Sự dao động của lãi suất đã ảnh hưởng trực tiếp đến việc ra quyết định đầu tư kinh doanh của các cá nhân, DN. Chính vì thế, trong từng giai đoạn phát triển, Ngân hàng Nhà nước có sự tác động nhất định đến lãi suất, nhưng sự tác động này có cả tích cực và tiêu cực. Thạc sĩ Nguyễn Việt Hằng khẳng định, việc điều chỉnh tăng/ giảm lãi suất nên có lộ trình và thông báo trước với DN để có kế hoạch điều chỉnh sản xuất; đồng thời kiểm soát tăng trưởng tín dụng hợp lý và mang tính hệ thống…
Với quan điểm cần hướng tới tự do hóa lãi suất, Phó Giáo sư - Tiến sĩ Phan Thị Cúc, cố vấn khoa học trường Đại học Nguyễn Tất Thành cho rằng, trong tiến trình hội nhập kinh tế của đất nước, khi Việt Nam tham gia nhiều hiệp ước thương mại tự do, làm thế nào để tạo môi trường tự do cạnh tranh lành mạnh giữa các NH là vấn đề cần được xét đến.
THANH HỒNG