Vực dậy nghề truyền thống mứt gừng Bình Nhâm

Cập nhật: 17-08-2016 | 09:24:07

Tuy đến tháng 10 âm lịch, những gia đình làm nghề mứt gừng ở phường Bình Nhâm, TX.Thuận An mới bắt đầu mua gừng về làm mứt để phục vụ cho dịp Tết Nguyên đán, nhưng ngay thời điểm này họ đã tỏ ra lo lắng vì sản phẩm làm ra rất khó cạnh tranh trên thị trường. Điều đáng nói, số gia đình gắn bó với nghề truyền thống này ở Bình Nhâm ngày càng ít đi, chủ yếu còn lại là những người lớn tuổi muốn gắn bó với nghề cha ông để lại.

Nghề truyền thống đang dần bị mai một

Chia sẻ về nghề làm mứt gừng mà mình đã gắn bó hàng chục năm nay, chị Nguyễn Thị Lan, ở khu phố Bình Hòa, phường Bình Nhâm, TX.Thuận An cho biết, khi còn nhỏ chị đã phụ giúp mẹ làm mứt gừng mỗi khi xuân về. Trước đây, người dân làm nghề này ở Bình Nhâm chủ yếu làm thủ công, một vụ mùa ai làm từ 50 - 100kg được xem là xuất sắc. Hiện nay, người làm mứt mua thêm máy móc về hỗ trợ nên nhà nào cũng làm được từ vài trăm kg cho đến vài tấn mứt gừng mỗi vụ.


Một công đoạn làm mứt gừng ở phường Bình Nhâm, TX.Thuận An.
Ảnh: THOẠI PHƯƠNG

Gia đình ông Lưu Văn Tuấn cũng ở khu phố Bình Hòa, trước đây cứ vào vụ mùa nhà ông lại có những đơn hàng từ 1 tấn mứt gừng trở lên, mỗi vụ kiếm từ 30 - 40 triệu đồng tiền lãi. Ông Tuấn chia sẻ, để có được miếng gừng trắng, dẽo, người làm cần nắm vững kỹ thuật xăm gừng, luộc gừng để miếng gừng không bị vỡ, mềm đều và bảo đảm độ lửa thích hợp; bên cạnh đó là xả gừng bằng nước pha với chanh sao cho miếng gừng trắng. “Gia đình tôi làm ra miếng mứt gừng mềm, dẽo, ngon và có màu sắc đẹp như hôm nay là bí quyết và kinh nghiệm được truyền lại từ ông bà”, ông Tuấn nói.

Những người gắn bó với nghề làm mứt gừng ở Bình Nhâm như ông Tuấn, chị Lan hiện nay không còn nhiều. Từ chỗ có đến gần 100 hộ làm nghề mỗi khi vào vụ mùa những năm trước đây, đến nay nghề này ở Bình Nhâm chỉ còn chừng 10 hộ với sản lượng làm ra dịp tết vừa qua chỉ từ vài trăm kg đến hơn 1 tấn/vụ. Ngoài dịp tết, trong những ngày thường, các gia đình gắn bó với nghề này phải làm những ngành nghề khác để mưu sinh. Nguy cơ nghề truyền thống này bị mai một đang hiện hữu vì hiện nay, thế hệ trẻ ở Bình Nhâm đã không còn mặn mà với nghề, ngoại trừ những người lớn tuổi.

Hiện nay, đời sống của người dân được nâng cao, kéo theo nhu cầu lớn về các mặt hàng tiêu dùng. Vào dịp lễ, tết những năm gần đây, các doanh nghiệp, trung tâm thương mại… trong tỉnh đã nhập về nhiều loại mứt chất lượng cao, mẫu mã đẹp, màu sắc bắt mắt… thu hút rất đông khách hàng mua sắm. Trong điều kiện đó, để duy trì và phát triển, nghề truyền thống mứt gừng Bình Nhâm cần được sự đầu tư thích đáng, đáp ứng đòi hỏi ngày càng cao của thị trường hiện nay.

Giải pháp nào?

Thời gian qua, những người làm nghề mứt gừng ở Bình Nhâm chỉ làm vào dịp tết, chủ yếu làm theo đơn đặt hàng của những người quen; sản phẩm chủ yếu làm thủ công nên sản lượng không cao, mẫu mã đơn điệu. Theo các nhà chuyên môn, để nghề mứt gừng Bình Nhâm duy trì và phát triển, các hộ dân nên tham gia vào tổ hợp tác (THT) hoặc hợp tác xã (HTX). Tuy nhiên, hiện nay người dân nơi đây chưa có nhận thức đúng về Luật HTX năm 2012; chưa nắm vững mục đích, lợi ích khi tham gia vào THT, HTX; trong khi đó công tác tuyên truyền vận động người dân tham gia vào kinh tế hợp tác ở địa phương còn hạn chế, chưa sâu rộng…

Bà Tống Ngọc Khương, Phó Chủ tịch UBND phường Bình Nhâm cho biết, để bảo tồn và phát triển nghề truyền thống mứt gừng, phường đã vận động các hộ dân vào THT, HTX và tính toán phương án đầu ra cho sản phẩm. Tuy nhiên, việc vận động người dân vẫn còn gặp nhiều khó khăn do trình độ hiểu biết của nhiều bà con còn hạn chế, sợ chia sẻ “mối mang” của mình cho người khác. Ông Bùi Văn Hiệp, Trưởng phòng Kinh tế TX.Thuận An thì cho rằng, khó khăn nhất đối với việc duy trì và phát triển nghề truyền thống mứt gừng Bình Nhâm hiện nay là do sản xuất, kinh doanh còn nhỏ lẻ, chủ yếu theo thời vụ; trong khi nhiều người gắn bó với nghề này chưa nhận thức đúng và thống nhất về bản chất HTX, còn tư tưởng e dè và chưa xem trọng vai trò của kinh tế tập thể. Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền vận động của ngành chức năng và địa phương chưa hiệu quả nên nhiều người dân chưa hiểu rõ mục đích, lợi ích khi tham gia các THT, HTX…

Theo ông Hiệp, mô hình HTX có liên quan chặt chẽ với người dân, nhất là ở nông thôn. HTX hoạt động hiệu quả sẽ góp phần phát triển nông thôn, làm cầu nối hiệu quả giữa nông dân và thị trường, giữa nông nghiệp với công nghiệp và dịch vụ, giữa sản xuất nhỏ với quy mô lớn. Từ đó giúp người nông dân cải thiện chất lượng và đa dạng hóa sản phẩm, cùng với đó tạo công ăn việc làm cho người lao động ở địa phương...

Trong kế hoạch phát triển kinh tế tập thể giai đoạn 2016-2020, TX.Thuận An đã đề ra các giải pháp: Tiếp tục thực hiện và hoàn thiện hệ thống văn bản hướng dẫn thi hành Luật HTX năm 2012; tăng cường công tác tuyên truyền, tập huấn Luật HTX năm 2012 và nâng cao năng lực nguồn nhân lực HTX; cùng với đó tổ chức triển khai thực hiện chính sách hỗ trợ, ưu đãi phát triển HTX theo chương trình hỗ trợ phát triển HTX giai đoạn 2015-2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Thị xã cũng chú trọng nâng cao hiệu quả hoạt động của khu vực kinh tế tập thể, đồng thời tăng cường công tác quản lý nhà nước về kinh tế tập thể, bên cạnh đó huy động các lực lượng xã hội, tổ chức đoàn thể và xã hội tham gia thúc đẩy phát triển kinh tế tập thể...

Hiện nay, việc duy trì và phát triển làng nghề truyền thống là yêu cầu quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Để làm được điều này, sự hỗ trợ của Nhà nước là rất cần thiết. Trong đó, tìm một hướng đi vừa tạo được đầu ra ổn định cho sản phẩm trên thị trường, vừa phát huy được tinh hoa của làng nghề truyền thống là giải pháp hiệu quả nhất.  

THOẠI PHƯƠNG

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=603
Quay lên trên